Sandbox Fintech mở thêm cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Các giải pháp được phát triển thông qua đổi mới công nghệ, đặc biệt với sự hỗ trợ của sandbox sẽ giúp nâng khả năng tiếp cận tài chính của doanh nghiệp nhỏ và người dân, đặc biệt ở các vùng nông thôn

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Hứa Chung-TTXVN
Chiều 2/7, tại Tọa đàm Triển khai Nghị định 94/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho rằng, việc áp dụng cơ chế thử nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng đang được kỳ vọng hỗ trợ đáng kể cho việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
Theo ông Andri Meier, Phó Trưởng ban hợp tác phát triển, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam, các doanh nghiệp SME có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam khi chiếm hơn 95% tổng số doanh nghiệp đăng ký. Khu vực tư nhân, bao gồm các doanh nghiệp SME được xem là động lực quyết định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đổi mới và chuyển đổi số.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp SME thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn chính thức. Một số ngân hàng vẫn coi các doanh nghiệp SME là khách hàng có độ rủi ro cao, dẫn đến quy trình cho vay thường yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Điều này tạo ra một rào cản lớn đối với nhiều doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn ngân hàng và Fintech được xem là giải pháp hứa hẹn sẽ giúp tháo gỡ rào cản này.
Chẳng hạn, các giải pháp Fintech, đặc biệt là chấm điểm tín dụng dựa trên dữ liệu lớn và phân tích thuật toán, có thể đánh giá rủi ro tín dụng của các công ty nhỏ và cá nhân một cách chính xác hơn và nhanh chóng hơn so với các phương pháp truyền thống. Điều này giúp các tổ chức tài chính mở rộng đối tượng cho vay, bao gồm cả những người hoặc doanh nghiệp trước đây khó tiếp cận được tín dụng ngân hàng.

Bà Kelly Hattel, Chuyên gia Tài chính Cao cấp Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam tọa đàm. Ảnh: Hứa Chung-TTXVN
Bà Kelly Hattel, Chuyên gia Tài chính cao cấp Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, Nghị định 94 là một cột mốc quan trọng trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý để các công ty Fintech thử nghiệm các sản phẩm và dịch vụ mới dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.
Sandbox sẽ đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng bằng cách cung cấp một môi trường được kiểm soát rõ ràng, nơi các sản phẩm và dịch vụ tài chính sáng tạo có thể được kiểm thử và tinh chỉnh trước khi triển khai rộng rãi. Điều này cho phép các cơ quan quản lý đánh giá rủi ro, đảm bảo bảo vệ người tiêu dùng tài chính và điều chỉnh khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện mở rộng quy mô các giải pháp kỹ thuật số một cách an toàn và hiệu quả. “Các giải pháp được phát triển thông qua đổi mới công nghệ, đặc biệt với sự hỗ trợ của sandbox sẽ giúp nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của doanh nghiệp nhỏ và người dân, đặc biệt ở các vùng nông thôn” bà Kelly Hattel nói. Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Nghị định 94/2025/NĐ-CP được Chính phủ ban hành nhằm cụ thể hóa Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) năm 2024, đánh dấu bước đi đầu tiên trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cho cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) trong lĩnh vực ngân hàng. Theo ông Phạm Anh Tuấn, Nghị định 94 được ban hành đã tạo cơ sở cho các tổ chức tham gia sandbox được triển khai thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tế, giúp mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước phát biểu khai mạc tại tọa đàm. Ảnh: Hứa Chung-TTXVN
Thông qua sandbox, cơ quan quản lý Nhà nước có thể tăng cường công tác giám sát các hoạt động đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực ngân hàng, đánh giá những rủi ro, lợi ích do giải pháp công nghệ tài chính (Fintech) mang lại, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, kết quả của việc triển khai sandbox cũng là thông tin đầu vào cho việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của ngành ngân hàng theo hướng thích ứng, tạo thuận lợi cho hoạt động ứng dụng Fintech. Cơ chế này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh thời gian qua thị trường chứng kiến sự hình thành và phát triển của số lượng lớn các công ty công nghệ tài chính (Fintech) tham gia vào nhiều mảng, lĩnh vực hoạt động tại thị trường Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước, số lượng các công ty Fintech hoạt động tại Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên đến trên 200 công ty ở thời điểm hiện tại với nhiều mảng, lĩnh vực hoạt động khác nhau như thanh toán, cho vay ngang hàng (P2P Lending), chấm điểm tín dụng, quản lý tài chính cá nhân... Không chỉ vậy, lĩnh vực Fintech còn thu hút được sự tham gia của nhiều công ty, doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước, thường là các công ty có thế mạnh về công nghệ, có tập khách hàng lớn như FPT, Viettel, VNPT, Vingroup… thông qua các hoạt động trực tiếp đầu tư hình thành các công ty Fintech, hay gián tiếp thông qua thành lập các quỹ đầu tư, tạo vườn ươm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, quá trình sandbox Fintech cũng nằm trong lộ trình xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế. Vì thế, đòi hỏi các cơ chế thử nghiệm phải vận hành hiệu quả, tạo động lực cho các doanh nghiệp đổi mới, khuyến khích đầu tư và thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện, bao trùm, đặc biệt với các nhóm yếu thế, vùng sâu, vùng xa. Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng nhận định, Fintech mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế. Thông qua các nền tảng gọi vốn cộng đồng hoặc cho vay trực tuyến, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục cập nhật các mô hình mới tiềm năng để xem xét mở rộng phạm vi thử nghiệm trong thời gian tới. Song song đó là việc hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, thiết lập cơ chế giám sát, báo cáo định kỳ, công bố thủ tục hành chính và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tham gia.