Sáng 19/11, hơn 56,5 triệu ca mắc Covid-19, Mỹ và châu Âu dịch bùng phát rất nghiêm trọng
Sáng 19/11, thế giới ghi nhận 56.525.063 ca mắc, trong đó 1.353.730 ca tử vong do Covid-19. Tình hình dịch bệnh ở Mỹ và châu Âu diễn biến rất nghiêm trọng.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng bên ngoài một cửa hàng thực phẩm ở Brooklyn, New York, Mỹ. Ảnh: TL
Tính đến 6 giờ sáng 19/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 56.500.421 ca, trong đó có 1.353.376 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 217 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 39.302.041 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 101.086 ca và 15.845.004 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 18/11, thế giới có tới 152 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 104 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại.
Dịch tiếp tục chuyển tâm từ Mỹ, Ấn Độ và Brazil sang diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Châu Âu và Mỹ tình hình dịch bệnh đang vô cùng đáng ngại.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 28/10/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Mỹ (135.629 ca), Ấn Độ (45.439 ca) và Italy (34.283 ca); trong khi đó Mỹ (với 1.516 ca), Italy (753 ca) và Brazil (712 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 255.814 ca tử vong trong tổng số 11.835.724 ca mắc. Đứng thứ hai thế giới là Ấn Độ với 8.958.143 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 131.618 ca tử vong.
Brazil đứng thứ 3 thế giới với 5.911.758 ca mắc và 167.455 ca tử vong. Đứng thứ 4 là Pháp 2.036.755 ca mắc và 46.237 ca tử vong. Đứng thứ 5 là Nga với 1.991.998 ca mắc và 34.387 ca tử vong do COVID-19.
Châu Âu và Mỹ lại đang chứng kiến đợt bùng phát dịch mới nghiêm trọng hơn nhiều khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở các nước thành viên.
Pháp đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên vượt mốc 2 triệu ca mắc COVID-19, cho dù đợt phong tỏa toàn quốc lần hai từ ngày 30/10 đã phần nào hạn chế được tốc độ lây nhiễm.
Tính đến thời điểm hiện tại, Pháp đứng thứ 4 thế giới về số ca mắc COVID-19 (sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil) và đứng thứ 3 ở châu Âu về số ca tử vong (sau Anh và Italy).
Anh cũng ghi nhận số ca tử vong theo ngày cao nhất kể từ ngày 5/6. Theo số liệu thống kê chính thức của Bộ Y tế Anh, số ca tử vong tại nước này trong 24 giờ qua tăng cao kỷ lục - 598 ca, nâng tổng số ca tử vong lên 52.745 trong tổng số 1.410.732 bệnh nhân. Anh trở thành nước đứng thứ 5 thế giới về số ca tử vong do COVID-19.
Trong vòng 24 giờ qua, Nga cũng có 20.985 ca nhiễm mới và 456 ca tử vong do COVID-19. Đây là ngày có số ca tử vong cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này, Ba Lan cùng ngày cũng ghi nhận số ca tử vong trong vòng một ngày ở mức cao kỷ lục với 603 ca. Số ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua tại Ba Lan cũng tăng thêm 19.883 ca.
Bộ Y tế Ukraine cũng thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 256 ca tử vong, con số cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số ca mắc không qua khỏi tại nước này lên 10.112 ca.
Cũng trong 24 giờ qua, Ukraine ghi nhận thêm 12.496 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 570.153 ca. Thụy Điển cũng thông báo 96 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua, mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua, nâng tổng số lên 6.321 ca.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Suncheon, Hàn Quốc, ngày 8/11/2020. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Tại châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới trên diện rộng. Giới chức y tế Nhật Bản đã xác nhận thêm 1.699 ca nhiễm mới COVID-19 trên toàn quốc, đáng chú ý, có tới 6 trên tổng số 47 tỉnh, thành ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất từ trước tới nay.
Trong đó, thủ đô Tokyo cùng ngày công bố 493 ca mắc mới, số ca mắc trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng cộng lên hơn 35.000 ca mắc.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp ở thủ đô Tokyo, chính quyền thành phố này đang cân nhắc khả năng nâng mức cảnh báo về dịch bệnh lên mức cao nhất.
Người dân phòng dịch COVID-19 tại Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN
Tính tới 23 giờ 59 phút ngày 18/11, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 7.920 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 25.558 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN vẫn có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar.
Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” vẫn duy trì đà tăng nhiệt sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây.
Philippines dịch vẫn diễn biến xấu, số ca mắc mới cao, song số ca tử vong tiếp tục đà giảm những ngày gần đây.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Banda Aceh, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN
Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận 660 ca bệnh phát sinh và 4 ca tử vong trong 1 ngày qua.
Myanmar dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh.
rong 24 giờ qua, ASEAN có tới 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Có Lào, Brunei và Timor Leste là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 18/11.
Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.592 ca bệnh mới và 25 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.