Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh
Tạm xa phố thị, tôi trở về Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. Về với quê chung, vang mãi dạ khúc tự hào, nơi đã sinh ra bậc vĩ nhân - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lễ hội Làng Sen - Lễ hội Văn hóa Hồ Chí Minh
Vầng dương trời Việt
Khắp các nẻo đường, từng con ngõ nhỏ đều rợp bóng cờ hoa. Năm nay là dịp kỉ niệm 135 năm Ngày sinh của Người (19/5/1890 - 19/5/2025). Lần nào cũng vậy, hễ đặt chân tới nơi đây, ngoài những xúc cảm bồi hồi, tôi lại dâng lên những nỗi niềm khó tả. Tôi tôn kính Người - Vị Cha già của dân tộc.
Trong những nét vẽ khắc họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi rất tâm đắc khẳng định của tiến sĩ Modagat Ahmet - Giám đốc UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương: “Hồ Chí Minh là một trong “ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”.

Làng Sen - Quê nội Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tôi ngẫm về Búp Sen Xanh của cố nhà văn Sơn Tùng, ở phần “thời thơ ấu”, ông gợi mở cho chúng ta biết, vì sao lúc nhỏ Chủ tịch Hồ Chí Minh được gọi là Côn. Cái tên ấy có ý nghĩa ý thế nào?
“Từ bên hè nhà chị nho Sắc, tiếng cô An nói khỏa lấp cả tiếng khóc chào đời của đứa trẻ khiến anh nho Sắc ngừng giảng bài trong giây lát. Ồ ồ... chị nho Sắc lại sinh con trai... sinh con trai nữa rồi. Mặt mày sáng láng, khôi ngô lắm”.
“Mừng cho nhà ta, mừng cho cả họ Nguyễn làng Sen... Ông đồ đứng lên, dáng cung kính, thắp năm nén hương, vái năm vái trước bàn thờ gia tiên. Ông đứng nghiêm trang trước làn hương khói. Anh nho Sắc cũng đứng chắp tay thành kính ở phía sau ông. Từ phía đầm sen, tiếng chim cuốc khắc khoải: Quốc... Quốc!
"Tôi đang nghĩ. Ông đồ gõ gõ ngón tay trên mặt gối, nói tiếp: Sinh con quý tử khó nuôi... Trồng cây ngon trái lắm người lăm le... Con người ta có thể xét đoán được hiệu quả trước của công việc mình sắp làm. Ví như khi ta cầm hạt giống trong tay thì ta đã dám tin chắc sẽ có những mầm cây mọc lên bậm bạp, và nhìn những mầm non xanh tốt đoán biết được cây quả của nó sau này.

Làng Hoàng Trù - Quê ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cho nên, tôi muốn đặt cho cháu tên là Côn (theo cụ Nguyễn Sinh Khiêm kể và ghi trong “Tất Đạt tự ngôn”, trang 81), tự là Tất Thành. Anh nho sắc chớp chớp mắt, môi hé nở nụ cười: Côn... Ấy là tích loài cá hóa chim bằng, phải không thưa cha? Chính vậy đó. Theo mong ước của tôi thì... thằng bé sẽ có chí vùng vẫy bốn bể, dù gặp truân chuyên chìm nổi, nhưng ắt thành công. Cho nên tự Tất Thành. Anh nho Sắc nâng cây bút lông thỏ dúng vào nghiên son. Hương trầm, hương sen như tỏa khắp gian nhà và tụ hội vào ngọn bút Nguyễn Sinh Sắc đang nắn nót dòng chữ Nguyễn Sinh Côn, tự Tất Thành..." (Búp Sen Xanh - NXB Kim Đồng, từ trang 9 - 17, Sơn Tùng).
Người đi tìm hình của nước
Chậm rãi đi giữa hàng dâm bụt tại làng Sen thời điểm này mới cảm hết được một làng quê Việt đã quy tụ thu nhỏ nơi đây. Một Hồ Chí Minh được kết tinh bởi sự giản dị, mộc mạc, từ những câu dân ca; có lẽ đây chính là mạch nguồn, cái nôi nuôi dưỡng Người bằng những phong vị từ văn hóa dân gian đến văn hóa bác học.

Di tích Giếng Cốc
“Tôi xa quê hương đã năm mươi năm rồi. Thường tình người ta xa nhà, lúc trở về thì mừng mừng, tủi tủi. Nhưng tôi không buồn, không tủi. Tôi rất vui. Vui vì khi tôi ra đi nhân dân còn là nô lệ, bọn đế quốc phong kiến đè đầu cưỡi cổ. Bây giờ tôi về thì đất nước đã được giải phóng, nhân dân đã được tự do” (Trích từ sách: Vũ Kỳ - Thư ký Bác Hồ kể chuyện).
Bác sinh ra từ làng Chùa quê mẹ, gắn bó tuổi thơ với làng Sen quê cha ở Nam Đàn, xứ Nghệ. Thẳm sâu trong tim Bác, quê hương còn là làng Dương Nỗ, là thành Nội - nơi gắn liền với tuổi thơ bên người mẹ hiền cả một đời tảo tần để chồng, cho con học hành, nuôi chí lớn; là nỗi đau thương đến tột cùng vì mất mẹ, mất em, khi Bác mới 10 tuổi; Là kinh kỳ xứ Huế - nơi nuôi dưỡng, giáo dục tri thức, hình thành nhân cách, lòng yêu nước, khát vọng giải phóng dân tộc.
Chắc hẳn, cùng với quê hương Nam Đàn, Nghệ An, những năm tháng tuổi thơ ở Kinh thành Huế chính là thời gian rất quan trọng trong việc tiếp nhận tri thức, hình thành nhân cách, tư tưởng yêu nước và khát vọng giải phóng dân tộc của người thanh niên Nguyễn Tất Thành.
Trong Búp Sen xanh, phần thời niên thiếu, cố nhà văn Sơn Tùng tái hiện cuộc trò chuyện của ông Nguyễn Sinh Huy (Nguyễn Sinh Sắc) - thân phụ Bác và anh Ba (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

“... Không khí trong phòng lặng ngắt. Ông phó bảng Huy vẻ băn khoăn hỏi: Sao con vẫn còn quanh quẩn ở đây? - Thưa cha, con sắp đi xa Tổ quốc. Con gặp cha lần này có lẽ... có lẽ... - Anh Ba rưng rưng nước mắt. Ông Huy sắc mặt biến đổi, giọng hơi dịu: - Con đi xuất dương đến nước nào? - Dạ con sang Pháp và có thể còn đi nhiều nước khác nữa để học hỏi...”.
“... Thành à! Bây giờ cha mới thật sự tin con quyết chí ra đi. Con đi vì một mục đích lớn. Con có thể thực hiện được cái điều mà cha và lớp người như cha phải bó tay. Xưa nay cha vốn ít nói. Với các con, cha càng ít nói nữa. Lần này là lần đầu mà cũng có lẽ là lần chót cha nói nhiều với con. Bởi cha con mình gặp nhau lần này, chưa biết rồi đây còn có dịp được gặp lại nữa không? Con đi xa nước, xa cha. Sinh ly có khác gì từ biệt, con!
Con biết, con đi xa, cha ở lại đây một mình... - Đừng, con đừng nghĩ về cuộc sống của cha! - Cha đang tự hào về chí lớn của con. Con phải gạt bỏ những tính toán bé nhỏ, tầm thường. Cha rất vui trong lòng về mục đích con đi tìm độc lập cho nước, tự do cho nhân dân. Nhất là nhân quyền...”.

Đền Chung Sơn - Đền thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh
Những xúc cảm rất thật, rất đời thường, sự dặn dò của người cha với con của mình trước lúc “đi tìm hình của nước”. “Khi xa đất nước, con hãy nhớ, hãy nghĩ về những điều bình thường ấy, con sẽ thấy trong tâm hồn mình cả một quê hương, cả một dân tộc... Thôi. Cha nói đã có phần nhiều lời, - ông đứng lên, - mà cũng chỉ nói được với con lần nầy thôi. Từ nay con đi... đi vào tương lai. Cha từ đây thuộc về dĩ vãng (Anh Ba ôm mặt khóc). Đừng khóc lúc nầy, con! Phút quyết định đừng nhỏ lệ. Con nhìn cha xem. Mắt cha chỉ còn lại niềm tin đợi chờ nước độc lập, dân hạnh phúc. Đây. - Ông lấy cái ví lận trong lưng quần tai tượng. Ông nói, giọng khỏe: - Cha đinh ninh sẽ có một ngày con đi. Cha dành số tiền này để góp vào số lộ phí cho con lên đường. Số tiền tuy ít, nhưng là tiền cha ra vốn cho con... Sống phải có “tiền lưng gạo bị”, con ạ.
Anh Ba lau nước mắt, đỡ lấy tay cha. Anh thốt lên - Cha! Ông phó bảng ngăn lại: - Đừng! Con đừng gọi cha lúc nầy! Con phải gọi: Tổ quốc! Đồng bào! Đi... đi con!

Bức tranh sơn dầu "Người đi tìm hình của nước" của họa sĩ Quốc Thằng. Ảnh tư liệu
“... Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể/ Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ châu Phi/ Những đất tự do, những trời nô lệ/ Những con đường cách mạng đang tìm đi... (Người đi tìm hình của nước - Chế Lan Viên).
Quê hương với Bác luôn đồng nghĩa với “nước non nhà ngàn năm”, là “Bắc - Nam sum họp”. Quê hương, đất nước luôn là nỗi niềm, là ý chí nhất quán, khát vọng cháy bỏng trong trái tim Người: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất. Ở Người, có sự hội tụ, kết hợp và phát huy đến mức cao nhất, hoàn mỹ nhất tinh hoa văn hóa dân tộc và thời đại, phương Đông và phương Tây, cổ và kim, trí dũng và nhân văn, vĩ đại và giản dị, khiêm nhường. Người là nguồn cảm hứng bất tận cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/sang-anh-tam-dang-ho-chi-minh-a28722.html