Sáng kiến lương thực Biển Đen có cứu được nguy cơ thiếu lương thực?
Cuối tháng 7/2022, đại diện của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Ukraine và Liên hợp quốc đã tổ chức lễ ký kết tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ về thỏa thuận xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ các cảng Biển Đen. Văn kiện này mang tên Sáng kiến lương thực Biển Đen.
Ngày 1/8, tàu buôn ngũ cốc đầu tiên Razoni rời cảng Odessa. Mặc dù được đánh giá là đặc biệt tích cực, song thực tế cho thấy câu chuyện cũng không hoàn toàn dễ dàng.
Nội dung của thỏa thuận này bao gồm việc thành lập trung tâm điều phối chung tại Istanbul và đảm bảo an toàn cho việc vận chuyển lương thực. Nga và Ukraine đều đồng ý không bên nào tấn công các tàu giao chở hàng, 3 cảng Odessa, Chernomorsk và Yuzhny của Ukraine sẽ vận chuyển những sản phẩm như thực phẩm, phân bón... đi theo hành lang nhân đạo trên Biển Đen ra bên ngoài.
Thỏa thuận ban đầu có hiệu lực trong 120 ngày. Việc đạt được thỏa thuận và bước đầu thực hiện Sáng kiến lương thực Biển Đen không thể tách rời nỗ lực chung của 4 bên liên quan, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng, Liên hợp quốc phát huy vai trò cơ bản then chốt.
Vấn đề mất an ninh lương thực không chỉ liên quan đến sự sống còn cơ bản của người dân một quốc gia, mà còn có ảnh hưởng mang tính hệ thống đến môi trường chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước, thậm chí có hiệu ứng lan tỏa và có thể dẫn đến xung đột khu vực. Liên hợp quốc lo ngại sâu sắc về tình trạng lương thực toàn cầu xấu đi từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang, đặc biệt xu thế này tác động lớn đối với việc tiêu thụ lương thực của hàng trăm triệu người các nước Trung Đông và châu Phi, vốn phụ thuộc nghiêm trọng vào nhập khẩu lương thực. Hy vọng đạt được mục tiêu toàn cầu “không còn nạn đói năm 2030” do Liên hợp quốc đề ra ngày càng xa vời. Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres là người đã trực tiếp hối thúc Nga và Ukraine tiến hành các cuộc đàm phán về vấn đề lương thực.
Ông Guterres đã cho thành lập 2 nhóm công tác: Một nhóm do Martin Griffith, người phụ trách vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc để xử lý công việc Ukraine xuất khẩu lương thực qua Biển Đen; nhóm thứ hai do Tổng thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về hợp tác và phát triển (UNCTAD) Rebecca Greenspan chịu trách nhiệm xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga. Ngoài ra, trong ngày đạt được Sáng kiến lương thực Biển Đen, Liên hợp quốc còn ký với Nga bản ghi nhớ thúc đẩy xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga, có hiệu lực trong 3 năm.
Đồng thời, các giải pháp của Mỹ và các nước phương Tây xuất phát từ toan tính lợi ích kinh tế và lương thực của họ về khách quan cũng giúp Nga và Ukraine đạt thỏa hiệp trong xuất khẩu lương thực và phân bón. Mặc dù Nga và Ukraine là khu vực sản xuất lúa mì và ngô chủ yếu của thế giới, đồng thời Nga cũng là nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới, nhưng hạt giống của hai nước này lại phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đặc biệt là từ Mỹ và các nước phương Tây.
Cuộc chiến leo thang khiến lương thực và phân bón ở hai nước này không tiêu thụ được, không những ảnh hưởng trực tiếp đến mua bán lương thực toàn cầu mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường hạt giống thế giới. Do đó, tuy Mỹ và các nước phương Tây bao vây và áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, nhưng họ tỏ ra khá khôn ngoan khi không đề cập đến thực phẩm và nông sản. Mỹ thậm chí còn nỗ lực thực hiện trong thực tiễn, trước khi đạt được Sáng kiến lương thực Biển Đen, họ đã nhập khẩu phân bón lỏng ure amoni nitrat (UAN) từ Nga, trong khi vẫn áp dụng các biện pháp cấm vận khác. Ủy ban
Thương mại quốc tế của Mỹ còn bác bỏ đề xuất áp thuế chống bán phá giá cao đối với phân bón lỏng UAN của Nga. Tháng 8, khi thăm châu Phi, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas[1]Greenfield khẳng định các nước khác có thể mua ngũ cốc và phân bón của Nga, nhưng không được có những trao đổi thương mại ngoài mặt hàng đó.
Tuy nhiên, mặc dù xét về tầm cao chiến lược về an ninh lương thực toàn cầu và kinh tế lương thưc thế giới, Sáng kiến lương thực Biển Đen có ý nghĩa thiết thực và vượt trước trong việc giải quyết xung đột quốc tế đương đại, nhưng việc triển khai cụ thể vẫn còn nhiều rủi ro.
Vướng mắc đầu tiên có vẻ như lại đến từ chính Ukraine, bởi sự vi phạm thỏa thuận còn chưa rõ là vì lý do khách quan hay chủ quan, khiến cho một số trường hợp ngũ cốc xuất khẩu từ nước này bị từ chối tiếp nhận. Sau khi đã đạt được Sáng kiến lương thực Biển Đen, trong chuyến đi đầu tiên, tàu thương mại Razoni, chở 26.000 tấn ngô, đã không đến Lebanon như kế hoạch. Nguyên nhân là do người mua hàng địa phương hủy đơn hàng với lý do Ukraine trì hoãn giao hàng sau 5 tháng, đại lý vận chuyển buộc phải tìm bên mua ngũ cốc mới.
Hai là an ninh của các cảng trên Biển Đen vẫn có nguy cơ bị cuộc chiến tác động tiêu cực. Cảng Odessa vẫn đang phải chịu không ít đợt tên lửa tấn công và một số tàu thuyền ở đây đã bốc cháy. Trước những chỉ trích của Ukraine, Nga cho rằng mục tiêu của họ là tấn công các cơ sở quân sự trong cảng, không liên quan đến mục tiêu dân sự.
Cuối cùng là vấn đề bảo hiểm liên quan đến tuyến đường vận chuyển đi từ các cảng nói trên qua Biển Đen vẫn chưa được đề cập đến.
Ngoài nguy cơ bị đe dọa an ninh an toàn trực tiếp từ cuộc chiến thì tuyến đường biển đi qua Biển Đen thời điểm này còn đối mặt với mối đe dọa từ thủy lôi trôi nổi. Thực trạng này khiến cho một số công ty bảo hiểm lớn do dự trong việc liệu có cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các tàu chở ngũ cốc ở Biển Đen hay không. Việc thiếu bảo hiểm cũng sẽ làm tăng rủi ro kinh tế đối với các tàu chở ngũ cốc, thậm chí làm giảm mong muốn của những doanh nhân đến Biển Đen để tham gia những thương vụ mạo hiểm này.