Sàng lọc, phát hiện sớm bệnh lao cho đồng bào dân tộc ở Gia Lai

Theo thống kê, Việt Nam vẫn là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới, với hơn 172.000 người mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao.

Tại tỉnh Gia Lai, bình quân mỗi năm phát hiện khoảng 650 bệnh nhân mắc bệnh lao các thể, trong đó có trên 400 bệnh nhân lao phổi. Xu hướng phát hiện bệnh nhân lao có chiều hướng giảm nhưng tình trạng nguồn lây trong cộng đồng còn nhiều, bệnh nhân lao kháng thuốc vẫn còn là vấn đề khó khăn trong công tác phòng-chống lao.

Nhà nghèo, không có tiền đi viện nên chậm phát hiện bệnh

Để thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, tỉnh Gia Lai đang tăng cường công tác phòng, chống, sàng lọc lao trong cộng đồng nhằm phát hiện nguồn lây, điều trị sớm và duy trì tỷ lệ khỏi bệnh trên 90%.

Người dân xã Phú Cần, huyện K rông Pa đăng ký khám sàng lọc lao

Người dân xã Phú Cần, huyện K rông Pa đăng ký khám sàng lọc lao

Do có các triệu chứng ho, tức ngực và sụt cân, chị RCom H’Mit và anh Siu Tem, người dân trong xã Phú Cần, huyện K.Rông Pa được mời đến nhà văn hóa Buôn Tang khám sàng lọc vì nghi ngờ mắc bệnh lao.

- “Mình không hiểu gì về bệnh lao, khi cán bộ đưa giấy mời thì mình nhận do ban đêm mình hay ho, khó thở. Do mình không đi khám bệnh viện nên không biết bệnh gì khi thấy trong người mệt mỏi, kém ăn, hay nhức đầu. Thấy có bác sĩ về khám mình mừng lắm”.

- “Tôi làm bốc vác ở nhà máy mì gần đây. Khi tôi làm việc nặng nhọc hay bị mệt, đau ngực, đau bên trong, mấy tháng rồi, ấn vào da thịt cũng thấy đau”

Người dân lo lắng khi có các triệu chứng giống bệnh lao

Người dân lo lắng khi có các triệu chứng giống bệnh lao

Từng có thời gian dài ho liên miên, người ốm yếu, mệt mỏi, không làm được việc gì, nhà nghèo, không có tiền đi viện nên chị Ksor H’ Chuyên đã ra hiệu thuốc mua vài loại thuốc trị ho theo kê đơn của người bán thuốc. Hồi đầu năm, chị được Trạm y tế xã Phú Cần mời đi khám sàng lọc tại Nhà văn hóa Buôn Tang, thực hiện lấy mẫu đờm nên mới biết mình mắc bệnh lao.

“Tôi có 4 người con, bố chồng và bố đẻ, 2 vợ chồng làm nông thôi. Khi ho có đờm nhiều, khó thở, mệt mỏi, đi sàng lọc thì phát hiện mắc bệnh lao. Tôi được phát thuốc điều trị 6 tháng, hôm nay đi khám lại thấy đỡ nhiều rồi, thấy rất vui”, chị Ksor H’ Chuyên chia sẻ.

Đây là 3 trong số hàng chục người ở xã Phú Cần, huyện K.rông Pa được phát hiện nghi mắc lao tiềm ẩn và bệnh lao phổi từ Chương trình khám sàng lọc lao miễn phí của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) triển khai trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Tỉnh Gia Lai, bình quân mỗi năm phát hiện khoảng 650 bệnh nhân lao các thể, trong đó có trên 400 bệnh nhân lao phổi

Tỉnh Gia Lai, bình quân mỗi năm phát hiện khoảng 650 bệnh nhân lao các thể, trong đó có trên 400 bệnh nhân lao phổi

Chị Kso H’Đông, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phú Cần cho biết: Xã Phú Cần huyện Krông Pa (Gia Lai) có hơn 5.600 nhân khẩu với 70% là đồng bào dân tộc, nơi có nhiều bệnh nhân lao và lao tiềm ẩn. Đợt sàng lọc lao lần này, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng và Y tế huyện Krông Pa thực hiện sàng lọc lao với 277 người được chụp X-quang. Trong đó phát hiện 13 người có bất thường nghi lao được chỉ định lấy mẫu đờm làm xét nghiệm Gene-Xpert và 27 người được tiêm thuốc Mantoux xét nghiệm lao tiềm ẩn.

Tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao các thể tại Gia Lai là 45/100.000

Phú Cần cũng là xã khó khăn của tỉnh Gia Lai, bà con chủ yếu sống bằng nghề làm nương rẫy, kinh tế eo hẹp, hiểu biết về bệnh lao còn ít, thêm phần chủ quan nên khi mắc bệnh nặng, phải điều trị kéo dài, uống thuốc không đều theo chỉ định của bác sĩ nên khó khỏi bệnh, dẫn đến kháng thuốc và dễ làm lây nhiễm trong cộng đồng. Không ít trường hợp phải trì hoãn khám, điều trị bệnh do điều kiện kinh tế khó khăn.

“Có một số dân bị ho, bệnh nhưng chỉ đi khám chẩn đoán bình thường thôi, họ không nghĩ ở tình trạng nặng. Qua khám sàng lọc lao họ được phát hiện được bệnh và được điều trị. Do địa bàn xã là xã vùng 1, tỷ lệ người dân tham gia BHYT rất thấp, những cuộc đi khám sàng lọc ở đây, họ được hỗ trợ, ca nào phát hiện lao được hỗ trợ về BHYT, họ sẽ điều trị, những ai không có bảo hiểm y tế là họ bỏ điều trị. Nên tôi thấy việc khám sàng lọc như thế này rất ý nghĩa”, chị Kso H’Đông cho hay.

Việt Nam vẫn là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới

Việt Nam vẫn là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới

Tại tỉnh Gia Lai, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao các thể là 45/100.000 người dân; tỷ lệ điều trị khỏi lao phổi mới đạt 82 %. Số người xét nghiệm đờm phát hiện bệnh lao còn quá thấp so với chỉ tiêu của Bộ Y tế. Hiện tượng bệnh nhân bỏ liệu trình điều trị, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số còn phổ biến, dẫn đến xu hướng lao kháng thuốc có xu hướng ngày càng gia tăng.

Ông Kso Dhun, Trung tâm Y tế huyện K.rông Pa, Gia Lai chia sẻ, lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với khả năng lây lan trong cộng đồng cao, do đó việc phòng chống lao dựa vào cộng đồng được xem là yếu tố bền vững để tiến đến đích trong việc thanh toán bệnh.

“Khi mình nghi ngờ người dân bị lao, mình phải động viên họ và mời cả nhà họ tới khám. Có bệnh nhân họ hiểu cách mình tuyên truyền, từ ngữ mình nói nhưng có người thì mình nói, họ lại trả lời không đúng. Thế nên phải làm tốt công tác tuyên truyền, ví dụ họ khạc phải có chỗ, đeo khẩu trang để không lây nhiễm cho cộng đồng. Chúng tôi phải thường xuyên thăm hỏi, nhắc nhở nên hầu hết bệnh nhân không bỏ thuốc, nhờ chương trình sàng lọc cộng đồng mà phát hiện được nhiều”, ông Kso Dhun nói.

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng tổ chức 30 cuộc sàng lọc lao miễn phí cộng đồng tại 26 xã của 03 huyện: Krông Pa, Đức Cơ, Ia Pa của tỉnh Gia Lai, trong đó, huyện Krông Pa được thực hiện toàn huyện. Trong năm 2022 và 8 tháng năm 2023, SCDI phối hợp cùng y tế huyện Krông Pa tổ chức 32 cuộc sàng lọc cộng đồng cho hơn 9.500 người dân, giúp phát hiện 112 ca mắc lao và 113 trường hợp lao tiềm ẩn.

Bác sĩ tư vấn cho người dân sau khi được chụp X quang

Bác sĩ tư vấn cho người dân sau khi được chụp X quang

Theo chị Trần Thị Thu Hương, chuyên viên phụ trách chương trình sàng lọc lao cộng đồng tại Gia Lai, thuộc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến Phát triển cộng đồng (SCDI), sàng lọc lao trong cộng đồng cho thấy nguồn lây trong cộng đồng còn nhiều, bệnh nhân lao kháng thuốc vẫn còn là vấn đề khó khăn trong công tác phòng-chống lao tại tỉnh Gia Lai.

“Chúng tôi cũng đã làm việc với Trung tâm Y tế, Trạm y tế để làm sao mình đẩy mạnh công tác tuyên truyền và quan tâm hơn nữa công tác dự phòng, điều trị, có như thế thì mới cắt đứt được nguồn lây chứ nếu chờ đến khi bị bệnh mới phát hiện thì bệnh trở nặng rồi. Do đó, nhận thức là khâu quan trọng, nếu mình có đem máy móc, trang thiết bị hiện đại mà dân không đến với mình thì cũng khó. Dân đến với mình thì dân phải nhận thức được tác hại của bệnh thì họ mới đến”, chị Hương cho hay.

Việt Nam là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Điều đáng nói là, 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động, phần lớn là người nghèo, điều này cũng đồng nghĩa với muôn vàn khó khăn, thách thức để có thể xóa căn bệnh này khỏi cộng đồng vào năm 2035. Việc đầu tư để chấm dứt được bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.

Kim Thanh/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/sang-loc-phat-hien-som-benh-lao-cho-dong-bao-dan-toc-o-gia-lai-post1052488.vov