Sáng nào cũng thấy chó hàng xóm đi vệ sinh ở cửa nhà mình

Dù cố gắng cẩn thận nhìn trước ngó sau, Trà My (25 tuổi) vẫn không ít lần đạp phải 'bãi mìn' của chó trong lúc đi dạo quanh nhà.

Nhà ở gần phố đi bộ hồ Gươm, Trà My (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) không khó bắt gặp cảnh mọi người dắt chó nhưng không rọ mõm, hoặc để thú cưng của mình phóng uế lung tung trên vỉa hè, bãi cỏ.

“Mình luôn phải để ý tránh phân chó, nhưng cũng có những lần đạp trúng. Lúc đó thật sự bực bội, phải quay vội về nhà, nhảy lò cò vào nhà vệ sinh chứ không dám đưa tay xuống đụng chiếc giày bẩn”, cô kể.

 Trà My thích chó, mèo nhưng không đồng tình với thói quen thả rông thú cưng của nhiều chủ nuôi.

Trà My thích chó, mèo nhưng không đồng tình với thói quen thả rông thú cưng của nhiều chủ nuôi.

Là người rất yêu quý chó, mèo, mỗi lần nhìn thấy chú cún nào dễ thương, Trà My đều muốn sà vào vuốt ve, cưng nựng.

“Yêu quý là một chuyện, còn bực bội với sự thiếu ý thức của chủ nuôi khi để con vật của mình đi vệ sinh bậy bạ khắp đường là chuyện khác”, cô nói.

Không chỉ riêng Trà My, nhiều người, ngay cả những cá nhân đang nuôi thú cưng, bày tỏ sự bực bội trước tình trạng chó thả rông, không rọ mõm hay phóng uế bừa bãi ở nơi công cộng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến họ.

Song, vấn đề vẫn tồn tại dai dẳng và trở thành tranh cãi chưa có hồi kết, nhất là khi nhiều chủ nuôi không có ý thức bảo vệ không gian công cộng, chủ động dọn dẹp mỗi lần chó, mèo đi vệ sinh, hay rọ mõm khi đưa chúng đi dạo.

Nguy hiểm, mất vệ sinh, ồn ào

Gia đình sống 3 thế hệ ở một con hẻm tại quận Tân Phú, Ân Đặng (25 tuổi, thiết kế game) cho biết cứ khoảng 3h sáng, đàn chó của nhà hàng xóm lại thi nhau sủa, gây ồn ào, mệt mỏi cho nhiều người, trong đó có bà nội của cô.

"Mình còn trẻ, dễ ngủ, chó sủa ra sao cũng không ảnh hưởng nhiều. Nhưng bà mình đã hơn 80 tuổi, khó ngủ đêm. Mỗi lần ồn ào, bà mình lại thức giấc và rất khó vào giấc lại. Khoảng 2 năm trở lại đây, việc này cũng bắt đầu ảnh hưởng tới bố, mẹ mình, cả hai sắp bước sang tuổi 60", cô chia sẻ.

Không chỉ ồn ào, đàn chó hàng xóm còn coi cửa nhà cô và rất nhiều gia đình khác là nơi đi vệ sinh.

"Chị em mình đã quen với cảnh sáng dắt xe đi làm là phải tránh 'mìn'. Bãi to, bãi nhỏ của đàn chó 10 con cứ lần lượt rải khắp con hẻm. Nhiều lần tranh cãi, gọi tổ trưởng dân phố, viết thư lên phường, mọi chuyện vẫn như vậy. Chỉ còn cách duy nhất là bố mình dậy sớm, dọn dẹp trước khi các con đi. Thật sự rất mệt mỏi và ức chế", Ân Đặng nói.

Chỉ trừ những ngày thời tiết không ủng hộ, Thu Uyên (26 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) dành 30 phút mỗi tối để đi bộ quanh tòa chung cư gần nhà.

Cô cho biết sân chung cư không quá rộng rãi nhưng hút gió, tạo cảm giác thoáng đãng. Nhiều người, không chỉ riêng cư dân sống ở đây, cũng thường tới tập thể dục, ngồi nói chuyện hoặc đưa trẻ em tới chơi.

 Những con chó được chủ đeo rọ mõm, buộc dây dắt đi dạo thường không nhiều. Ảnh: Đức Anh.

Những con chó được chủ đeo rọ mõm, buộc dây dắt đi dạo thường không nhiều. Ảnh: Đức Anh.

Tuy nhiên, trong 4 tháng qua, Thu Uyên không may dẫm phải phân chó ít nhất 2 lần.

“Ở lần gần đây nhất, do vừa đi bộ vừa dùng điện thoại, tôi không để ý và dẫm phải một bãi lớn. Nó nằm ở giữa lối đi. Nếu không phải tôi, chắc chắn cũng là người khác”, cô chia sẻ.

“Mùi hôi thối bám theo về tận nhà. Tôi đeo khẩu trang nhưng vẫn ngửi thấy rõ”, cô nói thêm.

Ngoài vấn đề vệ sinh, chuyện chó thả rông không rọ mõm cũng là vấn đề nhức nhối ở không gian công cộng này.

Cô từng chứng kiến một phụ huynh yêu cầu một chủ nuôi đeo rọ mõm cho chú chó cỡ lớn của anh ta, nhưng bất thành. Để đảm bảo an toàn cho con nhỏ, người bố đành đưa đứa trẻ ra về.

“Con chó to gần gấp đôi đứa trẻ, không đeo rọ mõm hay được xích lại. Nếu tôi là vị phụ huynh đó, tôi cũng sẽ rất lo lắng”, cô bày tỏ.

 Tờ giấy thông báo nhắc nhở người dân ở tòa chung cư gần nhà Thu Uyên.

Tờ giấy thông báo nhắc nhở người dân ở tòa chung cư gần nhà Thu Uyên.

Trách chủ nuôi

Hoàng Thanh Hà (26 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) từng có lần cãi nhau với hàng xóm gần khu trọ vì họ dẫn chó đi dạo nhưng không rọ mõm, để thú cưng đi vệ sinh trong hẻm nhưng không chịu dọn.

Ám ảnh sau 2 lần bị chó nhà hàng xóm cắn ngày bé, phải đi tiêm phòng dại, cô luôn ám ảnh và đề phòng mỗi khi thấy chó thả ngoài đường.

“Mình không biết con chó của anh hàng xóm đó thuộc giống gì, lành hay dữ nhưng trông khá to và chạy nhảy rất hăng. Cứ tầm 20h, khi mấy đứa trẻ trong hẻm đổ ra chơi, anh lại thả chó đi dạo, không hề có dây hay rọ mõm.

Một hôm mình vừa đi về, chưa kịp dựng chống xe thì con chó lao tới ngửi. Quá sợ hãi, mình đã ngã và bị trầy chân. Thế nhưng thay vì xin lỗi, anh ấy nạt lại mình, bảo con chó rất hiền và chưa làm gì hết, là do mình tự ngã”.

 Thanh Hà thường xuyên bắt gặp những người dắt chó đi dạo nhưng không rọ mõm.

Thanh Hà thường xuyên bắt gặp những người dắt chó đi dạo nhưng không rọ mõm.

Vừa đau vừa tức, Hà không kìm được mà to tiếng với người hàng xóm.

“Không chỉ riêng ở khu dân cư mà khi ra các công viên hay phố đi bộ, mình cũng thường xuyên bắt gặp chó lớn không rọ mõm, thậm chí được thả chạy tự do theo chủ. Một người bị sợ chó như mình thì đó là một mối nguy hiểm tiềm ẩn”, cô nói.

Là một người nuôi chó, Ngọc Linh (24 tuổi, Hà Nội) rất thông cảm chuyện khó kiểm soát được hoàn toàn hành vi của thú cưng. Tuy nhiên, cô khẳng định không thể lấy lý do này để “nhắm mắt làm ngơ” việc vật nuôi phóng uế bừa bãi, gây mất vệ sinh ở không gian chung.

Tòa chung cư nơi Ngọc Linh sinh sống cho phép cư dân nuôi thú cưng, với điều kiện không gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của hàng xóm. Chỉ riêng tại tầng 9, ngoài gia đình của Ngọc Linh, còn 3 căn hộ khác cũng nuôi chó.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đều có ý thức bảo vệ không gian chung. Ngọc Linh cho biết một số người thản nhiên mở cửa cho chó chạy rông, phóng uế bừa bãi khắp hành lang, thang máy. Thậm chí, trước cửa nhà Ngọc Linh từng xuất hiện không ít bãi nước tiểu, phân chó.

 Một chú chó Alsaka tự do đi lại trên đường chạy bộ, tập thể dục của người dân. Ảnh: Đức Anh.

Một chú chó Alsaka tự do đi lại trên đường chạy bộ, tập thể dục của người dân. Ảnh: Đức Anh.

“Có những sáng sớm, tôi hoặc người nhà vừa mở cửa thì gặp ngay bãi phóng uế. Sau đó, tôi chẳng còn tâm trạng đâu mà đón ngày mới”, cô kể lại.

Do chủ nuôi không dọn dẹp ngay, cộng thêm việc nước tiểu hay phân chó rất nặng mùi, Ngọc Linh và nhiều cư dân khác cảm thấy bị ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sinh hoạt.

Cô cho biết gia đình từng mất một khoảng thời gian để “canh gác”, xem chủ nuôi nào cho thú cưng phóng uế trước cửa nhà cô mà không dọn dẹp. Khi tìm được, nhà cô đã nhắc nhở người hàng xóm này. Thế nhưng, chỉ thời gian ngắn, tình trạng lại tái diễn.

"Không một chiếc rọ mõm hay một điều luật nào có thể kiểm soát những chú chó tốt hơn là ý thức của mỗi người chủ nuôi", cô kết luận.

Lực lượng chức năng của một số phường ở trung tâm Hà Nội vừa "ra quân" sau chỉ đạo của thành phố về việc thành lập gần 600 đội bắt chó thả rông, mục đích là xử lý vi phạm của chủ vật nuôi như: Không rọ mõm, không xích khi đưa chó ra nơi công cộng, để chó vệ sinh bừa bãi, cắn người...

Theo Nghị định 144 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 300.000-500.000 đồng.

Thống kê ở Việt Nam cho thấy mỗi năm vẫn có hơn 500.000 người bị chó, mèo cắn. Riêng giai đoạn từ năm 2017 đến tháng 8/2021, cả nước ghi nhận 378 người tử vong vì bệnh dại tại 52/63 tỉnh, thành phố; trung bình mỗi năm có 76 người tử vong. Hà Nội đặt mục tiêu quản lý được trên 90% số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022-2030, phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào 2030 và các năm tiếp theo.

Hồng Chang - Đào Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sang-nao-cung-thay-cho-hang-xom-di-ve-sinh-o-cua-nha-minh-post1310855.html