Sáng nay chưa ghi nhận bệnh nhân mới mắc Covid-19

Sau 9 ngày dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Việt Nam ghi nhận thêm 375 người bị nhiễm SARS-CoV-2.

Theo bản tin Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính từ 18h ngày 4/2 đến 6h ngày 5/2, nước ta không ghi nhận thêm bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 1.068 bệnh nhân do lây nhiễm trong nước. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 375 người.

Từ hai ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại Chí Linh, Hải Dương (nữ công nhân Công ty POYUN) và Quảng Ninh (nhân viên sân bay Vân Đồn), dịch đã lan ra nhiều nơi trên cả nước.

10 tỉnh, thành phố đang có dịch gồm: Hải Dương (278 bệnh nhân), Quảng Ninh (44), Hà Nội (22), Gia Lai (18), Bình Dương (5), Bắc Ninh (3), Hòa Bình (2), Hải Phòng (1), TP.HCM (1), Bắc Giang (1).

Hiện tại, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 80.113 trường hợp. Trong đó, 489 người được cách ly tập trung tại bệnh viện. 24.362 cách ly tập trung tại cơ sở khác. Số người cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 55.262.

Tại Hà Nội, 22 ca mắc Covid-19 được ghi nhận tại các quận huyện gồm: Cầu Giấy (3), Nam Từ Liêm (10), Hai Bà Trưng (2), huyện Mê Linh (3), Đông Anh (3), Đống Đa (1). Thành phố phong tỏa nhiều địa điểm liên quan tới các ca mắc Covid-19 này.

Tối 4/2, sau khi Sở Y tế Hà Nội thông tin nữ nhân viên ngân hàng Public Bank mắc Covid-19, lực lượng chức năng đã phong tỏa toàn bộ tòa chung cư số 88 phố Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội) - nơi bệnh nhân sinh sống. Chi nhánh ngân hàng ở phố Trần Huy Liệu (Giảng Võ, Ba Đình) nơi bệnh nhân làm việc cũng đã được yêu cầu đóng cửa từ chiều 4/2.

 Lực lượng chức năng phong tỏa toàn bộ tòa chung cư số 88 phố Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội) - nơi nữ nhân viên ngân hàng sinh sống. Ảnh: Việt Linh.

Lực lượng chức năng phong tỏa toàn bộ tòa chung cư số 88 phố Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội) - nơi nữ nhân viên ngân hàng sinh sống. Ảnh: Việt Linh.

Theo Bộ Y tế, biến chủng B117 ở các bệnh nhân đầu tiên tại ổ dịch Hải Dương, Quảng Ninh khiến virus lây lan nhanh. Thời điểm bùng phát dịch bệnh cũng là cận Tết Nguyên đán, người dân chuẩn bị về quê đón năm mới cùng gia đình. Vì vậy, nhiều người thắc mắc liệu họ có được về quê và di chuyển tới các địa phương khác hay không. Đối với người dân ở 10 tỉnh, thành đang có bệnh nhân mắc Covid-19, họ có bị cách ly 14-21 ngày khi đến các nơi khác?

Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay Cục Y tế Dự phòng đang soạn thảo hướng dẫn chung toàn quốc về vấn đề này. Trong đó, bộ sẽ hướng dẫn cụ thể cho người dân về việc có được di chuyển trong dịp Tết này cũng như các biện pháp phòng hộ.

Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự kiện công cộng, Bộ Y tế, cũng cho hay hiện nay, căn cứ vào tình hình dịch, chúng ta chưa cấm việc người dân Hà Nội, TP.HCM cũng như 8 tỉnh còn lại không nằm trong vùng dịch đi đến các nơi khác.

Như vậy, không phải tất cả người dân 10 tỉnh, thành đang có dịch khi đi về các địa phương phải thực hiện biện pháp cách ly tế (cách ly tập trung hoặc tại nhà) trong 14-21 ngày.

Ba câu hỏi bạn cần cân nhắc kỹ khi lên kế hoạch cho dịp nghỉ Tết:

1. Các khuyến cáo hiện tại của cơ quan y tế là gì?

2. Tình hình dịch Covid-19 trong khu vực bạn định ăn tết như thế nào?

3. Bạn hay người thân, bạn bè sẽ ăn Tết cùng nhau có thuộc nhóm nguy cơ cao bị bệnh nặng nếu mắc Covid-19?

Hãy sẵn sàng thay đổi kế hoạch vào phút cuối nếu bạn hoặc những người ăn Tết cùng bạn bị ốm hoặc có thể đã tiếp xúc gần người mắc Covid-19.

Bộ Y tế

Phương Mai

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sang-nay-chua-ghi-nhan-benh-nhan-moi-mac-covid-19-post1178056.html