Sáng niềm tin vào Đảng Kỳ 2: Những người con của Đảng ở buôn làng

Trở về sau những chuyến công tác dài ngày ở các huyện: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm…, đọng lại trong chúng tôi là câu chuyện về những đảng viên đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) có lý tưởng cao đẹp, sắt son niềm tin theo Đảng, ngày đêm âm thầm, nỗ lực để làm cầu nối cho ý Đảng, lòng dân hòa cùng một nhịp.

Một góc huyện Khánh Sơn. Ảnh: Đam San

Một góc huyện Khánh Sơn. Ảnh: Đam San

Đảng viên đi trước...

Ở huyện Khánh Vĩnh, có một ngôi làng mang tên gọi rất đỗi tự hào - “làng Bác Hồ”. Đó là thôn A Xây (xã Khánh Nam), nơi đây hiện có 176 hộ dân; chi bộ thôn có 17 đảng viên, trong đó 10 đảng viên người DTTS. Trò chuyện với chúng tôi, ông Cao Dáng - nguyên Chủ tịch UBND xã Khánh Nam kể với giọng đầy tự hào: “Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thôn A Xây là nơi nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng. Năm 1973, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đi vào giai đoạn ác liệt, biết người A Xây nuôi giấu cán bộ, giặc càn quét bắt đi nhiều người lớn, trẻ em tra tấn dã man nhưng không ai khai ra nơi che giấu cán bộ cách mạng. Lúc ấy, Đội trưởng thôn A Xây là A Ma Xanh đã cùng đồng bào tập hợp lại, đứng trước ảnh Bác Hồ thề một lòng kiên trung, đánh Mỹ đến cùng. Trên ngọn núi ở thôn A Xây, A Ma Xanh đã dẫn đội du kích mai phục bắn rơi máy bay Mỹ. Cho đến hôm nay, trong mỗi nếp nhà của người dân thôn A Xây đều treo hình Bác Hồ...”.

Bà Cao Thị Phượng vận động người dân thôn A Xây hiến đất làm đường.

Bà Cao Thị Phượng vận động người dân thôn A Xây hiến đất làm đường.

Tiếp nối truyền thống anh hùng, những thế hệ sau ở thôn A Xây tiếp tục góp sức, xây dựng quê hương. Mới ngày nào, bà Cao Thị Phượng (sinh năm 1988) còn bé xíu, theo người lớn trong làng lên rẫy, nay đã trở thành Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn A Xây. Bà Phượng tâm sự, từ trước đến nay, người dân thôn A Xây vẫn bám lấy nương rẫy, suốt nhiều năm cơ cực khi đường lên rẫy là đường đất, dốc núi cao, những phiến đá nhọn hoắt cứa chân người. Nông sản làm ra đã khó, vận chuyển tiêu thụ càng khó khăn vì giao thông không thuận lợi. Khi có chủ trương của Nhà nước sẽ đầu tư kinh phí, cần người dân hiến đất để làm đường, bà Phượng cùng các đảng viên trong Chi bộ thôn A Xây được giao nhiệm vụ trực tiếp đi vận động.

Với lợi thế là người Raglai, bà Phượng cùng các đảng viên trong chi bộ tranh thủ những buổi tối, lúc người dân đi rẫy về nhà để vận động. Bà Phượng đến từng nhà giải thích: “Nhà nước lấy đất để mở đường nhựa cho xe máy có thể chạy được lên rẫy, lưu thông thuận tiện. Gia đình nào đất bị ảnh hưởng cũng chỉ mất mấy mét vuông nhưng có đường đi, mấy đứa nhỏ không phải lội bùn đất đến trường nữa...”. Để người dân nghe theo, bà Phượng cùng các đảng viên thôn A Xây xung phong đi đầu trong việc hiến đất. Người dân thấy đảng viên xung phong nên đồng thuận, từ đó những con đường của “ý Đảng, lòng dân” hình thành. Đường lớn nối thôn, đường nhỏ nối nương rẫy đi lại sản xuất thuận lợi, đời sống ngày càng được cải thiện hơn. Bà Lê Thị Thùy Châu - Bí thư Đảng ủy xã Khánh Nam chia sẻ, nhờ những đảng viên ở các chi bộ nên chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với ĐBDTTS thuận lợi. Đảng viên mạnh thì chi bộ mạnh, các chi bộ mạnh thì đảng bộ mạnh. Đảng bộ xã Khánh Nam có 7 chi bộ trực thuộc, với 88 đảng viên, trong đó có 39 đảng viên là ĐBDTTS.

Nhìn từ Chi bộ thôn A Xây, với lòng yêu nước như mạch nguồn tiếp nối những thế hệ người Raglai trên vùng đất cách mạng, chúng tôi lại nhớ tới những chia sẻ của ông Mấu Văn Phi - Bí thư Huyện ủy Khánh Vĩnh: "ĐBDTTS ở Khánh Vĩnh rất đoàn kết, có truyền thống yêu quê hương, đất nước nồng nàn, với tinh thần cách mạng được hun đúc qua nhiều thế hệ; có niềm tin yêu son sắt với Đảng. Hiện nay, Đảng bộ huyện có 1.721 đảng viên, trong đó có 670 đảng viên là ĐBDTTS. Đó là điều thuận lợi lớn của Đảng bộ, chính quyền huyện trong các giai đoạn phát triển”.

Dạy tiếng Raglai cho cán bộ

Những năm qua, ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh có những đảng viên ĐBDTTS dù không công tác trong ngành Giáo dục song vẫn âm thầm soạn giáo án để lên lớp dạy cho học viên là cán bộ người Kinh đang công tác trong các vùng ĐBDTTS. Bà Ca Tông Thị Mến bây giờ đã là Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh nhớ lại thời gian lớp dạy tiếng Raglai đầu tiên bà được đứng lớp, đây là một kỷ niệm không quên. Bà Mến chia sẻ, năm 2007, thời điểm đó, bà còn là Bí thư Huyện đoàn Khánh Vĩnh, cấp trên có chủ trương mở các lớp dạy tiếng Raglai cho cán bộ ở 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Là người Raglai, bà Mến được chọn là 1 trong 17 người để huyện đào tạo bài bản trước khi dạy tiếng Raglai cho các cán bộ người Kinh trong 3 tháng. Lớp đầu tiên bà Mến đứng lớp tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện. “Không khí học lúc đó rất sôi nổi, các cán bộ người Kinh rất thích thú khi nghe ngôn ngữ, giọng điệu của đồng bào Raglai. Việc thi để cấp chứng chỉ tiếng Raglai cho học viên được tổ chức nghiêm túc. Bộ đề do các giáo viên của huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh biên soạn, gồm thi viết và vấn đáp. Cô giáo Raglai hỏi và các sĩ tử là cán bộ người Kinh trả lời", bà Mến kể. Ông Mấu Quốc Tiến (xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn), từng là giáo viên dạy tiếng Raglai cho cán bộ người Kinh ở huyện Khánh Sơn chia sẻ: “Khi thi vấn đáp, vì âm điệu của tiếng Raglai rất nặng, có giọng mũi ngắn, mũi dài nên người Kinh rất khó phát âm chuẩn được. Tuy nhiên, khi nghe các cán bộ người Kinh cất lên tiếng nói của đồng bào mình, tôi cảm thấy dâng lên niềm xúc động và hạnh phúc xen lẫn tự hào”.

Cô giáo Pi Năng Thị My Cương giảng dạy tiếng Raglai cho cán bộ, công chức.

Cô giáo Pi Năng Thị My Cương giảng dạy tiếng Raglai cho cán bộ, công chức.

Công tác lâu năm trong ngành Giáo dục, cô Pi Năng Thị My Cương, giáo viên Trường THCS thị trấn Khánh Vĩnh nhận nhiệm vụ đặc biệt hơn khi được phân công là người mang tiếng Raglai xuống núi để dạy cho cán bộ người Kinh các vùng ĐBDTTS ở một số địa phương miền xuôi, như: Cam Lâm, Ninh Hòa, Cam Ranh từ năm 2007 đến nay. Cô My Cương chia sẻ, từ thứ Hai đến thứ Sáu, cô dạy ở trường, tranh thủ hai ngày cuối tuần cô lại mang ba lô, xuống núi để dạy tiếng Raglai. “Dù dạy cả tuần không nghỉ, quãng đường di chuyển xa, song là người vinh dự được chọn để bắc nhịp cầu nối đưa tiếng Raglai lan tỏa đến người Kinh là niềm tự hào, hạnh phúc nhất trong cuộc đời làm nghề giáo của tôi”, cô My Cương bộc bạch.

Từng tham gia khóa học tiếng Raglai, ông Phan Đình Tuyến - Chủ tịch UBND xã Khánh Bình (huyện Khánh Vĩnh) chia sẻ: “Là cán bộ người Kinh nhận nhiệm vụ công tác ở vùng có nhiều ĐBDTTS Raglai sinh sống, khoảng cách về ngôn ngữ là rào cản trong quá trình tiếp xúc, tuyên truyền, vận động người dân. Dù bà con vẫn nói bằng tiếng Kinh song hạn chế về khả năng diễn đạt nên tạo khoảng cách giữa cán bộ và người dân. Sau khi hoàn thành khóa học trở về, tôi thực hành luôn trong một buổi tiếp xúc cử tri với những câu chào, hỏi thăm sức khỏe người dân. Dù phát âm chưa chuẩn lắm song các cử tri ĐBDTTS thích thú, chăm chú lắng nghe hơn, không khí vui tươi, tạo cảm giác gần gũi. Nhờ đó, các vấn đề vướng mắc tại địa phương được giải quyết thuận lợi”.

Ông Hà Nhơn - Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Bố Lang (xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh) tuyên truyền cho người dân về ngày bầu cử.

Ông Hà Nhơn - Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Bố Lang (xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh) tuyên truyền cho người dân về ngày bầu cử.

Từ năm 2007 đến tháng 1-2013, toàn tỉnh đã triển khai 11 lớp học tiếng Raglai với 406 cán bộ tham gia. Sau đó, các lớp học được duy trì vào những năm tiếp theo; và có một khoảng thời gian bị gián đoạn do dịch Covid-19 và chờ nghiên cứu thống nhất lại bộ chữ Raglai ở hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận để giảng dạy. Đến năm 2020, thực hiện kế hoạch của tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tổ chức bồi dưỡng tiếng DTTS cho 100 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh; năm 2022 tổ chức 2 lớp cho 159 cán bộ, công chức tại TP. Nha Trang và huyện Khánh Sơn; tổ chức đi học tập kinh nghiệm mô hình biên soạn tài liệu, giáo trình và dạy tiếng Raglai tại tỉnh Ninh Thuận.

Trong các cuộc họp về phát triển kinh tế ở vùng ĐBDTTS, ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã rất quan tâm đến việc dạy tiếng Raglai cho cán bộ người Kinh. Đồng chí cho rằng, việc cán bộ người Kinh học và giao tiếp được bằng tiếng Raglai sẽ giúp gần dân, sát dân, lắng nghe được tâm tư nguyện vọng, xóa khoảng cách giữa người Kinh và ĐBDTTS, giúp hiệu quả tuyên truyền, vận động được nâng cao. Ông yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với các địa phương duy trì những lớp dạy tiếng Raglai cho cán bộ, công chức, viên chức người Kinh đang công tác tại các vùng ĐBDTTS để sâu sát với dân hơn.

Người dân thôn A Xây (xã Khánh Nam) đóng góp cùng Nhà nước làm con đường vào khu sản xuất.

Người dân thôn A Xây (xã Khánh Nam) đóng góp cùng Nhà nước làm con đường vào khu sản xuất.

Chúng tôi về các vùng ĐBDTTS ở Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Ranh, Cam Lâm đều rất cảm phục về tấm gương những đảng viên người DTTS đang nỗ lực góp sức cho quê hương. Ông Võ Nam Thắng - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh chia sẻ, trong những năm qua, đội ngũ người có uy tín, trí thức, doanh nhân là người DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng. Đội ngũ này có sức ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi. Đội ngũ trí thức người DTTS là niềm tự hào, những tấm gương sáng cho đồng bào noi theo; là nguồn cảm hứng lan tỏa, cổ vũ con em ĐBDTTS học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên. Với mối quan hệ, tầm ảnh hưởng, kiến thức và kinh nghiệm của mình, đội ngũ người có uy tín và đội ngũ trí thức thực sự là cầu nối của cấp ủy, chính quyền trong việc tuyên truyền và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương; tuyên truyền cho ĐBDTTS phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội; giữ gìn an ninh trật tự, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc...

Ông HÀ QUỐC TRỊ - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa: Phát huy vai trò của đảng viên là người DTTS trong đời sống của đồng bào là rất quan trọng, vì đây là lực lượng góp phần cho sự phát triển chung của địa phương. Đảng viên người DTTS cũng là cánh tay nối dài của Đảng, kênh thông tin tuyên truyền hiệu quả đối với ĐBDTTS. Tiếng nói của các đảng viên người DTTS có hiệu quả cao đối với đồng bào, dễ thuyết phục, gần gũi khi trao đổi, tuyên truyền và vận động người dân.

Hiện nay, toàn tỉnh có 35 DTTS, với hơn 72.000 người đang sinh sống, chiếm 6,8% dân số toàn tỉnh, trong đó nhiều nhất là dân tộc Raglai (77,62%)...; cư trú chủ yếu ở huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và một số xã thuộc huyện Cam Lâm, Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa, TP. Cam Ranh. Đảng bộ tỉnh có 15 đảng bộ trực thuộc, 683 tổ chức cơ sở đảng với 47.436 đảng viên, trong đó có 1.758 đảng viên là người DTTS. Số lượng người có uy tín trong ĐBDTTS là 88 người (48 đảng viên); số cán bộ, công chức, viên chức người DTTS là 612 người.

THÁI THỊNH

Kỳ 1: Nghị quyết “đưa dân xuống núi”

Kỳ cuối: Tiếp tục nâng cao chất lượng phát triển đảng viên

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/giai-bua-liem-vang/202308/sang-niem-tin-vao-dang-ky2nhungnguoi-con-cua-dang-o-buon-lang-5d652ab/