Sáng sủa lợi nhuận khối ngân hàng sàn UPCoM

Nhiều nhà băng quy mô vừa và nhỏ đang giao dịch trên UPCoM đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2025 tăng trưởng cao.

Nhiều ngân hàng kỳ vọng, tình hình kinh doanh quý II/2025 sẽ tiếp tục có xu hướng cải thiện

Nhiều ngân hàng kỳ vọng, tình hình kinh doanh quý II/2025 sẽ tiếp tục có xu hướng cải thiện

Kế hoạch của Saigonbank, PGBank, ABBank…

Năm 2025, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ chuyển biến tích cực, cơ cấu các ngành dịch vụ, du lịch, đầu tư công được mở rộng và thúc đẩy…, tạo ra nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang có những bất ổn về địa chính trị và chính sách thuế quan mới của Mỹ dự kiến tác động tiêu cực đến nhiều nước là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, kinh tế trong nước có thể đối diện với không ít thách thức. Mặc dù vậy, các ngân hàng trên UPCoM vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay tăng trưởng so với mức thực hiện năm ngoái.

Saigonbank (mã SGB) đã lên lịch tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2025 vào ngày 24/4 tới để thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay như: tổng tài sản đạt 34.900 tỷ đồng, tăng 5%; tổng dư nợ cho vay đạt 24.700 tỷ đồng, tăng 10%; vốn huy động đạt 30.100 tỷ đồng, tăng 5%; lợi nhuận trước thuế đạt 300 tỷ đồng, gấp 3 lần mức thực hiện năm ngoái. Năm 2024, Ngân hàng lãi trước thuế hơn 99 tỷ đồng, giảm 70% so năm 2023 và chỉ thực hiện được 27% kế hoạch.

Để đạt được mục tiêu kinh doanh năm 2025, Saigonbank cho biết, Ngân hàng sẽ duy trì cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn trên nguyên tắc đảm bảo thanh khoản và tối ưu hiệu quả kinh doanh, đồng thời áp dụng các kênh huy động vốn đa dạng phát triển trên nền tảng số… Trước bối cảnh thị trường có các yếu tố bên ngoài tác động, Saigonbank sẽ tăng kiểm soát chất lượng tín dụng nhằm hạn chế nợ xấu.

Với PGBank (mã PGB), kế hoạch năm 2025 là tổng tài sản tăng 15 - 20%; dư nợ tín dụng được thực hiện theo hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và định hướng chính sách điều hành tín dụng của cơ quan quản lý trong từng thời kỳ; nguồn vốn huy động tăng trưởng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng; đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định; tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng dưới 2%.

Về lợi nhuận, PGBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 716 tỷ đồng. Trước đó, năm 2024, Ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế gần 421 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2023, nhưng chỉ đạt 76% kế hoạch.

Tại ABBank (mã ABB), cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2025 đã thông qua mục tiêu đến cuối năm nay đạt tổng tài sản 200.000 tỷ đồng, tăng 13%; huy động từ khách hàng 115.458 tỷ đồng, tăng 5%; dư nợ tín dụng 127.810 tỷ đồng, tăng 16%; kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 của ABBank là đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 131% so với mức thực hiện năm 2024. Năm ngoái, Ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 809 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng 58%, nhưng chỉ hoàn thành 81% kế hoạch.

Nhận định về tình hình kinh tế nói chung và hoạt động ngành ngân hàng nói riêng trong năm 2025, ông Phạm Duy Hiếu, Tổng giám đốc ABBank cho rằng, với mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đưa ra ở mức 16% là điều kiện cho các ngân hàng tăng trưởng trong hoạt động cho vay, nhất là khi mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp. Năm nay sẽ có nhiều cơ hội cho ngành ngân hàng tăng trưởng, nhờ sự ổn định của nền kinh tế và các chính sách vĩ mô hỗ trợ.

… VietABank, BVBank, Vietbank

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đưa ra ở mức 16% là điều kiện cho các ngân hàng tăng trưởng trong hoạt động cho vay, nhất là khi mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp.

Quý I/2025, VietABank (mã VAB) lãi trước thuế gần 353 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2024 nhờ giảm dự phòng đến 48% và tỷ lệ nợ xấu/dư nợ giảm xuống 0,63% từ mức 1,37% hồi đầu năm nay. Trong quý đầu năm 2025, Ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi thuần gần 613 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi từ dịch vụ đạt 40 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ, nhờ tăng thu từ dịch vụ thanh toán.

Năm 2025, VietABank đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế 1.306 tỷ đồng, tăng 20,3% so với mức thực hiện năm 2024; tổng tài sản dự kiến tăng 7,1%, lên gần 128.400 tỷ đồng; dư nợ tín dụng dự kiến đạt 88.110 tỷ đồng, tăng 10,3% và tổng huy động vốn dự kiến đạt 101.007 tỷ đồng, tăng 9,3%; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Hội đồng quản trị VietABank đánh giá, năm 2025, cơ hội và thách thức đi kèm khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành đặt ra ở mức 16% và Ngân hàng Nhà nước đã cấp “room” tín dụng cho các ngân hàng để mở rộng cho vay ngay đầu năm, nhưng thời gian tới tiềm ẩn rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động. Do đó, cùng với chiến lược đẩy mạnh cho vay, tập trung phân khúc khách hàng trọng yếu, tăng cường đầu tư và ứng dụng công nghệ…, VietABank sẽ chú trọng kiểm soát rủi ro, nỗ lực hoàn thành phương án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.

Đối với BVBank (mã BVB), định hướng năm 2025 là tăng trưởng có chọn lọc, tăng cường quản lý rủi ro, đẩy mạnh thu hồi nợ. Dự kiến, đến cuối năm, Ngân hàng đạt tổng tài sản 122.000 tỷ đồng, tăng 18%; huy động khách hàng 91.431 tỷ đồng, tăng 22%; dư nợ tín dụng 80.459 tỷ đồng, tăng 18%; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 của BVBank là đạt 550 tỷ đồng, tăng 41% so với mức thực hiện năm 2024. Năm ngoái, Ngân hàng lãi trước thuế 391 tỷ đồng, gấp 5,4 lần so với năm trước đó và vượt 95% kế hoạch, chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần tăng 56% và lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng hơn 105%.

Theo lãnh đạo BVBank, trước bối cảnh thị trường hiện nay, Ngân hàng tiếp tục chú trọng kế hoạch tăng trưởng dựa trên từng nhóm khách hàng, đối tượng cụ thể, trong đó tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân, cho vay nhỏ lẻ và khối doanh nghiệp có uy tín, tiềm lực kinh doanh.

Tại Vietbank (mã VBB), Ngân hàng đã thực hiện các thủ tục để họp ĐHCĐ thường niên 2025 vào ngày 26/4 tới, trình cổ đông thông qua các chỉ tiêu kinh doanh năm nay. Theo đó, Vietbank dự kiến tổng tài sản đến cuối năm 2025 đạt 180.000 tỷ đồng, tăng 11%; tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 112.000 tỷ đồng, tăng 12%; tổng huy động vốn đạt 132.000 tỷ đồng, tăng 17%; số lượng khách hàng tăng 85% so với cuối 2024; tỷ lệ nợ xấu dưới 2,5%. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 của Ngân hàng là đạt 1.750 tỷ đồng, tăng 55% so với mức thực hiện năm 2024; tỷ lệ ROE đạt 13,5%.

Hội đồng quản trị VietBank cho rằng, mặt bằng lãi suất trong năm nay sẽ ổn định hoặc giảm nhẹ, biên lợi nhuận của Ngân hàng dự kiến không có nhiều thay đổi, nhưng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành là 16%, đây là động lực để các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng khi nhu cầu vốn gia tăng trở lại.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh mà Ngân hàng Nhà nước vừa công bố cho thấy, phần lớn các tổ chức tín dụng được khảo sát (74 - 76%) kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế trong quý I/2025 có sự cải thiện so với quý IV/2024, dự kiến tiếp tục xu hướng cải thiện trong quý II/2025. Tuy nhiên, tỷ lệ tổ chức tín dụng nhận định tình hình kinh doanh suy giảm so với quý trước đã tăng từ 8,8% trong quý IV/2024 lên 14,8% trong quý I/2025.

PSG.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, các tác động từ thương chiến lên tín dụng và tỷ giá là khó tránh khỏi, các ngân hàng cần tăng cường dự phòng, kiểm soát rủi ro để không ảnh hưởng nhiều tới lợi nhuận.

Vân Linh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/sang-sua-loi-nhuan-khoi-ngan-hang-san-upcom-post367813.html