CEO Sacombank: Lợi nhuận quý 1 đạt 3.674 tỷ đồng, không mua lại công ty chứng khoán SBS

Sáng 25/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, STB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm tài chính 2024. HĐQT Sacombank cho biết đã ngân hàng đã thu hồi hơn 25,6 ngàn tỷ nợ gốc nhóm cổ phiếu ông Trầm Bê và người có liên quan.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó Chủ tịch thường trực HDQT kiêm Tổng Giám đốc Sacombank đọc tờ trình ĐHĐCĐ 2025 thông qua tăng vốn điều lệ. “Việc tăng vốn nhằm nâng cao nâng lực tài chính, đảm bảo tỷ lệ an toàn hoạt động cũng như đáp ứng lợi ích của cổ đông”, tờ trình nêu.

Cụ thể, Sacombank tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên có lựa chọn của Sacombank (ESOP). Nguồn sử dụng là lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế còn lại sau khi thực hiện phân phối lợi nhuận năm 2024.

Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, HĐQT sẽ xây dựng phương án chi tiết, bao gồm tỷ lệ phát hành cho từng nhóm đối tượng. Phương án sẽ được lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản trước khi triển khai thực hiện các thủ tục, hồ sơ theo pháp luật.

Theo tìm hiểu, lần gần nhất Sacombank chia cổ tức là năm 2015, với tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu. Giai đoạn này, Chủ tịch HĐQT Sacombank là ông Kiều Hữu Dũng.

Theo báo cáo thường niên năm 2024, lợi nhuận chưa phân phối tính đến 31/12/2024 của Sacombank lên tới hơn 28.426 tỷ đồng, tăng tới 39% so với cùng kỳ năm 2023.

 Mục tiêu lợi nhuận năm 2025 của STB

Mục tiêu lợi nhuận năm 2025 của STB

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh cho biết, Sacombank là ngân hàng tái cơ cấu, sáp nhập Ngân hàng Phương Nam. Hiện nay, Sacombank đã xử lý nợ xấu cơ bản và còn lại khoản duy nhất là phần cổ phiếu của ông Trầm Bê. Sacombank đã trình NHNN cho phép Ngân hàng mua lại và bán đấu giá, đang chờ sự phê duyệt. Điều kiện để chia cổ tức là Ngân hàng phải tái cơ cấu thành công.

Cũng tại Đại hội năm trước, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Thạch Diễm chia sẻ nguồn lực để chia cổ tức đã sẵn sàng với lợi nhuận chưa phân phối sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Do đó, quyền lợi của cổ đông vẫn được đảm bảo. HĐQT rất thấu hiểu mong muốn của cổ đông và đang nỗ lực làm việc với NHNN để được chia cổ tức. Mặc dù chưa chia cổ tức, thị giá cổ phiếu STB đã tăng trưởng đáng kể trong thời gian qua, phần nào bù đắp cho cổ đông

Đại hội lần này, Sacombank cũng trình phương án khắc phục dự kiến trong trường hợp được can thiệp sớm, theo Luật Các tổ chức tín dụng được ban hành ngày 18/1/2024.

Phương án xử lý cổ phiếu của ông Trầm Bê và thu hồi nợ xấu

Theo tài liệu được công bố, lãnh đạo Sacombank cho biết đang thực hiện đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, còn vướng mắc cuối cùng liên quan đến việc xử lý cổ phiếu của ông Trầm Bê. Ngân hàng đã trình NHNN phương án chi tiết và đang chờ phê duyệt.

Phía Sacombank cũng cho rằng dù chưa được chia cổ tức, song thị giá của STB đã tăng khá mạnh thời gian qua phần nào bù đắp cho cổ đông.

Về công tác xử lý nợ xấu, nhà băng đã thu hồi, xử lý gần 10.000 tỷ nợ xấu và tài sản tồn đọng, nâng lũy kế lên 103.988 tỷ đồng, trong đó thuộc Đề án 76.695 tỷ đồng. Nhờ đó, các khoản tồn đọng thuộc Đề án giảm 80,5% về quy mô và 25,7% về tỷ trọng so với thời điểm bắt đầu triển khai, hiện chỉ còn chiếm 2,4% tổng tài sản.

Đối với các khoản nợ thuộc Khu công nghiệp Phong Phú, Sacombank đã bán đấu giá thành công khoản nợ sau 18 phiên đấu giá trong năm 2023, với giá bán là 7.934 tỷ đồng, cao hơn so nghĩa vụ nợ của khách hàng. Đến nay, Sacombank đã thực thu hồi 1.587 tỷ đồng và dự kiến sẽ thu hồi đầy đủ trong năm 2025.

Đối với các khoản nợ đảm bảo bằng cổ phiếu STB của ông Trầm Bê và người có liên quan, Sacombank đã trình các phương án xử lý và đang chờ sự phê duyệt từ NHNN. Ngân hàng đã trích lập dự phòng 100% đối với dư nợ gốc của khoản nợ xấu trên, cũng như đã thoái hoàn toàn lãi dự thu từ cuối quý II/2022. Việc xét duyệt để Sacombank xử lý lô cổ phiếu cũng như ghi nhận hoàn thành tái cơ cấu sẽ cần có thời gian. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh hiện tại, Sacombank tự tin có thể hoạt động hiệu quả và gia tăng giá trị cho cổ đông, nhà đầu tư, khách hàng và đối tác.

Về trích lập dự phòng rủi ro, trong năm 2024, Sacombank đã trích lập 2.623 tỷ đồng dự phòng rủi ro và sử dụng 2.061 tỷ đồng dự phòng để xử lý rủi ro (trong đó xử lý rủi ro tín dụng là 756 tỷ và xử lý trái phiếu VAMC là 1.305 tỷ). Hoàn thành trích lập 100% dự phòng rủi ro cho các khoản nợ tồn đọng chưa xử lý, nâng quy mô bộ đệm dự phòng lên 25.689 tỷ đồng.

Mục tiêu lợi nhuận tăng 15%

Năm 2025, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ kinh tế vĩ mô vẫn còn hiện hữu, nhưng với mục tiêu hoàn thành hành trình tái cơ cấu Sacombank cũng như sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều mục tiêu mới cao hơn, HĐQT đưa ra định hướng trọng tâm cho năm 2025 là: Hoàn thành các chỉ tiêu tài chính do ĐHĐCĐ giao.

Tập trung và quyết liệt trong công tác tái cấu trúc mạng lưới, khu vực, chi nhánh, phòng giao dịch và định biên nhân sự không đủ trình độ chuyên môn, không có năng lực điều hành nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của đơn vị, ngân hàng.

Quyết liệt xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng, kéo giảm về dưới 3%, đây là cơ sở trình ngân NHNN phê duyệt Sacombank hoàn thành đề án tái cơ cấu sau sáp nhập; Giám sát chặt tiến độ đầu tư các dự án chuyển đổi số và công nghệ thông tin, đảm bảo hoàn thành và đưa vào khai thác, triển khai hiệu quả.

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các điểm giao dịch số phục vụ khách hàng; Thực hiện các thủ tục chia cổ tức cho cổ đông từ nguồn lợi nhuận giữ lại nhằm tăng năng lực tài chính.

Theo đó, năm 2025, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 14.650 tỷ đồng, tăng 15% so với kết quả 2024. Dự kiến đến cuối năm, tổng tài sản đạt 819.800 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Nguồn vốn huy động đạt 736.300 tỷ đồng, tăng 9% và dư nợ tín dụng đạt 614.000 tỷ đồng, tăng 14%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Phần thảo luận

Một cổ đông hỏi, Báo có tài chính năm 2024 cho thấy nợ nhóm 5 tăng gấp đôi năm trước, vì sao có tình trạng này diễn ra? Năm nay, nợ nhóm 3-4-5 có tiếp tục tăng không trong bối cảnh kinh tế chưa hết khó khăn?

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Tỷ lệ nợ xấu đang ở mức 2,4%, có giảm so với năm trước. Trong bối cảnh rủi ro tín dụng gia tăng, việc nợ nhóm 5 tăng do chuyển nhóm nợ 3 và 4. Trong bối cảnh bất động sản còn đóng băng và chậm tiến độ, Ngân hàng vẫn đang kiểm soát tốt nợ xấu, duy trì ở mức 2%.

Về tồn đọng cũ, Sacombank vừa kiểm soát nợ quá hạn, vừa xử lý những khoản nợ cuối cùng của Đề án để giải quyết mục tiêu chung.

- Khoản nợ của VAMC đang được thế chấp bởi khoản cổ phiếu của ông Trầm Bê được xử lý như thế nào?

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Ngân hàng đã trình NHNN phương án xử lý chi tiết và phù hợp để xử lý cổ phiếu ông Trầm Bê và người có liên quan. Sacombak đã ra báo cáo với cơ quan Thanh tra giám sát, đặc biệt là Chánh thanh tra hiện nay đã nghe báo cáo về đề án và đã giao cho chúng tôi 14 đề mục phải xử lý, chúng tôi đã xử lý được 13/14 mục tiêu. Chỉ còn một vấn đề cuối cùng là xử lý nợ xấu của ông Trầm Bê và những người có liên quan.

Tại ngày 31/12/2016, nợ gốc của ông Trầm Bê và những người có liên quan là 35.400 tỷ đồng. Lãi dự thu khoanh theo đề án là 12.919 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2017 cho đến năm 31/12/2024, Sacombank đã thu hồi 25.612 tỷ đồng, trong đó có 23.363 tỷ đồng nợ gốc và 2.249 tỷ đồng là lãi. Dư nợ còn lại là 12.037 tỷ đồng, trong đó nợ bán cho VAMC là 10.538 tỷ đồng. Các khoản repo và khoản phải thu là 1,454 tỷ đồng.

Tổng lãi còn phải trả theo hợp đồng đến ngày 31/12/2024 là 57.605 tỷ đồng. Trong đó, các khoản nợ của ông Trầm Bê và ngược có liên quan được đảm bảo bằng cổ phiếu STB đang được VAMC nhận ủy quyền là 6.110 tỷ đồng và lãi phải trả theo hợp đồng đến 31/12/2024 là 13.450 tỷ đồng.

Tổng số lượng cổ phiếu đang đảm bảo cho các khoản vay, các khoản phải thu là 604.94 triệu cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ nắm giữ là 32%. Nợ gốc và repo đã trích lập dự phòng 100%.

Rủi ro gì khi mua lại cổ phiếu CTCK SBS đã từng thoái vốn?

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Sacombank không có nhu cầu mua lại vốn Công ty Chứng khoán SBS, mà lựa chọn công ty chứng khoán mới với nhiều ưu thế hơn.

 Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm

Trong bối cảnh Thủ tướng yêu cầu ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế, Sacombank có chiến lược gì?

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: NIM 2024 của Sacombank là 3.73%, có giảm so với năm trước. Theo xu hướng ngành sẽ ở mức bình quân 2.18%. Hưởng ứng chính sách giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng, đối với các ngân hàng tương đồng đã công bố lợi nhuận cao.

Năm qua, Sacombank đã tính tới bài toán hy sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng, nên NIM đã tính đến vấn đề lợi nhuận. Vốn điều lệ của Sacombank vẫn còn khiêm tốn.

Năm 2025, Sacombank cũng phải cân đối phù hợp giữa đồng hành thực hiện chỉ đạo của Chính phủ. Những tháng đầu năm cũng đã tung ra gói trên 30.000 tỷ đồng với lãi suất 4-5%.

Sacombank cũng không quá lệ thuộc vào thị trường 1 mà tập trung vào thị trường 2. Sau khi tăng mức tín nhiệm cao, nhiều ngân hàng nước ngoài đã cung cấp hạn mức lớn cho Sacombank, thời gian tới sẽ có nhiều nguồn vốn do các ngân hàng nước ngoài hỗ trợ. Theo đó, sẽ tăng nguồn lãi suất thấp hỗ trợ khách hàng và duy trì NIM phù hợp.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/ceo-sacombank-loi-nhuan-quy-1-dat-3674-ty-dong-khong-mua-lai-cong-ty-chung-khoan-sbs.html