Sáng tạo không giới hạn với mô hình sàn diễn thời trang số

Sự tích hợp của công nghệ thực tế ảo (VR) và công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) không chỉ mang đến trải nghiệm độc đáo, mà còn mở ra khả năng sáng tạo không giới hạn cho ngành thời trang.

Tháng 2/2020, Giorgio Armani là một trong những nhà thiết kế đầu tiên đưa bộ sưu tập của mình lên nền tảng kỹ thuật số tại Tuần lễ thời trang Milan. Bộ sưu tập bao gồm 60 thiết kế dành cho nữ và 39 thiết kế dành cho nam, được biểu diễn trực tuyến. Nhờ đó, khán giả có thể xem bộ sưu tập của nhà thiết kế này từ bất kỳ đâu trên thế giới.

Trong buổi trình diễn, siêu mẫu Adwoa Aboah đã được số hóa thành hình ảnh 360 độ, trở thành người mẫu thực tế tăng cường sử dụng công nghệ 5G. Bà Jenna Bunnell, Giám đốc cấp cao về tiếp thị nội dung của Dialpad nhận định, với công nghệ VR và AR, khán giả trực tuyến không còn bị giới hạn trong ảnh chụp hay video quay sẵn, mà được tương tác với các avatar, trải nghiệm linh hoạt trong thế giới 3D. Sự kiện đánh dấu một kỷ nguyên mới, sáng tạo và bền vững của ngành thời trang.

Thực tế cho thấy, ứng dụng VR và AR ngày càng được các đơn vị tổ chức sàn diễn thời trang tăng cường triển khai. Từ năm 2020 đến nay, tại Tuần lễ thời trang Tokyo và Thượng Hải, nhiều tác phẩm thiết kế lần lượt được biểu diễn đầy nghệ thuật trên nền tảng sàn diễn thời trang số. Những tác phẩm như “Vatican city in the clouds” (Thành phố Vatican trên mây) của nhà thiết kế Patrick McDowell đến từ London (Anh), hay “The fabric of reality” (Vải của thực tại) của Damara Inglês đã mang đến trải nghiệm ảo hoàn chỉnh cho người tham dự.

Bên cạnh đó, hầu hết các tổ chức, doanh nghiệp thời trang trên thế giới đều ưu tiên phát triển thời trang bền vững. So với các phương pháp thời trang truyền thống, làm việc trong môi trường 3D bền vững hơn. Thiết kế nguyên mẫu kỹ thuật số không cần sản xuất hàng loạt, vì các sản phẩm chỉ được sản xuất khi có đơn đặt hàng.

Gần đây, Tuần lễ thời trang Helsinki sử dụng nền tảng kỹ thuật số mang tên “Digital Village” (Ngôi làng kỹ thuật số) để giới thiệu các bộ sưu tập và kết nối với khán giả, giảm nhu cầu di chuyển thực tế và lãng phí vật liệu. Xuyên suốt các phần trình diễn, người mẫu 3D đã trình làng những bộ trang phục được tạo ra hoàn toàn bằng công nghệ kỹ thuật số, nhấn mạnh vào các thiết kế sáng tạo và quy trình sản xuất ưu tiên khả năng sửa chữa (repairability), thay đổi (changeability) và tiềm năng tiếp cận (accessibility).

Về lâu dài, đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật số trong ngành thời trang trở thành yêu cầu cấp thiết tại các quốc gia. Đơn cử, tại Pháp, một trong những kinh đô thời trang lớn của thế giới, việc tích hợp công nghệ vào quy trình thiết kế, sản xuất và trình diễn đòi hỏi các nhà thiết kế, nhà sản xuất và chuyên gia trong ngành phải có hiểu biết về kỹ thuật số. Theo TS. Albane Forestier, Giám đốc Giảng dạy và Quản lý CSR tại IFA Paris, điều này đặt ra yêu cầu cho các trường đào tạo thời trang và doanh nghiệp phải chú trọng hơn vào việc trang bị kiến thức và kỹ năng về VR, AR, thiết kế 3D… cho học viên.

Theo đó, để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành thời trang số, một số khóa học về ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực thời trang đã được xây dựng. Đầu năm 2019, Cơ quan Đổi mới của Học viện Thời trang London đã hợp tác với nhà phát triển phần mềm AR HoloMe để phát trực tiếp chương trình thạc sĩ của học viện này trên toàn cầu.

Nguyễn Hoàng Nam

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/sang-tao-khong-gioi-han-voi-mo-hinh-san-dien-thoi-trang-so-d335317.html