Dựng chuyện bằng AI, ghép ảnh câu like: Mặt tối của mạng xã hội sau 'thảm họa' lật tàu
Trước mỗi sự kiện được xã hội quan tâm, tin giả lại có cơ hội bùng phát. Những kẻ xấu này đã tận dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để lan truyền tin giả một cách tinh vi nhằm câu like bất chấp đạo đức.

Những thông tin sai lệch về vụ lật tàu do AI "sáng tác." (Ảnh: Vietnam+)
Trong khi toàn xã hội đang hướng sự cảm thông, thương xót về các nạn nhân vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 ở Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) thì nhiều tài khoản mạng xã hội lại lợi dụng câu chuyện thương tâm để câu view, câu like bất chấp.
Những hình ảnh, clip, thông tin bịa đặt liên tiếp được lan truyền. Có những kẻ còn cầu kỳ dùng AI để sáng tác ra những câu chuyện đau lòng về các nạn nhân.
Hiện cơ quan chức năng đã vào cuộc để xử lý các tài khoản, fanpage vi phạm đồng thời kêu gọi cộng đồng chung tay ngăn chặn, báo cáo các nội dung sai sự thật để mạng xã hội không trở thành công cụ lan truyền tin giả, phục vụ cho mục đích xấu.
Lợi dụng bi kịch để câu view
Mới đây, ca sỹ Thái Thùy Linh cũng trở thành “nạn nhân” của tin giả khi chia sẻ sự xót xa với hình ảnh một nhóm trẻ em đứng trên mũi tàu đang tham quan Vịnh Hạ Long. Bức ảnh được chỉnh sửa sang màu đen trắng, kèm dòng chú thích cho hay đây là khoảnh khắc cuối cùng trước khi tàu bị lật.
“Nhìn hình ảnh nào cũng thấy như là con mình, cháu mình…,” ca sỹ Thái Thùy Linh bình luận.

Bức ảnh gốc chụp năm 2024 do tác giả đăng (phải) và những bức ảnh với chú thích xuyên tạc đang lan tràn trên mạng xã hội. (Ảnh: Vietnam+)
Chủ nhân thực sự của bức ảnh - anh Tuấn Nguyễn đã nhận ra ngay đây là ảnh chụp trong chuyến du lịch Hạ Long của gia đình vào tháng 8/2024. Đáng nói là không chỉ ca sỹ Thái Thùy Linh mà rất nhiều fanpage khác cũng đăng tải bức ảnh này. Thấy ảnh của các cháu bị đem ra câu view, câu like với hàng ngàn bình luận tiếc thương, anh Tuấn và gia đình rất bức xúc. Người thân, họ hàng cũng vô cùng lo lắng, không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Anh đã liên hệ với ca sỹ Thái Thùy Linh và các fanpage để yêu cầu gỡ bức ảnh này xuống và đính chính lại sự việc, tuy nhiên, do quá nhiều người dùng mạng xã hội đã chia sẻ nên anh không thể kiểm soát được tốc độ lan truyền chóng mặt của thông tin sai lệch tai hại này.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ca sỹ Thái Thùy Linh cho hay chị đã đăng bài đính chính và xin lỗi công khai trên trang cá nhân ngay khi xác nhận được nguồn gốc bức ảnh.
“Cá nhân tôi rút thêm được bài học là cẩn trọng hơn nữa khi sử dụng thông tin/hình ảnh trên mạng xã hội. Mọi việc đều có thể xảy ra, cũng có thể vô tình nhưng cũng không thiếu người cố tình trục lợi ngay cả trong những sự kiện bi thương. Trong những tình huống khẩn cấp và cảm xúc vượt quá ngưỡng thông thường thì chúng ta rất dễ đồng cảm và tin vào các thông tin sai lệch,” ca sỹ Thái Thùy Linh bày tỏ.

Những hình ảnh do AI tạo ra, đi kèm với những câu chuyện thương tâm.
Không chỉ tung ra những thông tin, hình ảnh sai lệch, nhiều đối tượng còn cầu kỳ đến mức sử dụng AI để sáng tác ra những câu chuyện thương tâm về các nạn nhân của vụ lật tàu.
Để thu hút người đọc, các bài viết này thường kể lấp lửng và yêu cầu người xem nhấp vào các đường link trong phần bình luận để đọc tiếp. Khi nhấp vào, người dùng sẽ được chuyển hướng đến các quảng cáo, sàn thương mại điện tử hoặc website tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm các nạn nhân của vụ lật tàu trên Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN phát)
Ngày 20/7, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Quảng Ninh) đã phối hợp với Công an phường Hồng Gai tiến hành làm việc với bà N.H.A.T. (sinh năm 1982, trú tại tổ 9, khu 3, phường Hồng Gai) về hành vi đăng tải nội dung sai sự thật trên mạng xã hội liên quan đến vụ việc lật tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long.
Trước đó, vào khoảng 23 giờ 30 phút ngày 19/7, ngay sau khi xảy ra vụ lật tàu trên vịnh Hạ Long, N.H.A.T đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để bình luận sai sự thật về số lượng người tử vong. Nội dung bình luận này nhanh chóng lan truyền, gây nhiễu loạn thông tin, tác động tiêu cực tới tâm lý người dân và làm ảnh hưởng đến nỗ lực của các lực lượng chức năng đang trực tiếp cứu nạn, cứu hộ tại hiện trường.
Cơ quan Công an xác định, nội dung đăng tải là hoàn toàn không có căn cứ, không trích dẫn từ nguồn tin chính thống, vi phạm quy định pháp luật về thông tin trên không gian mạng. Căn cứ Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 14/2022/NĐ-CP), cơ quan chức năng đã hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với công dân N.H.A.T theo quy định.
Cơ quan chức năng đã khuyến cáo người dân cần hết sức tỉnh táo, chọn lọc thông tin khi sử dụng mạng xã hội; tuyệt đối không chia sẻ, bình luận các nội dung chưa được kiểm chứng hoặc từ nguồn không chính thống.
Đưa tin giả có thể bị phạt tù
Một lần nữa, chúng ta nhận thấy sự cần thiết phải kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ lên mạng xã hội, đặc biệt là những hình ảnh, câu chuyện liên quan đến các sự kiện thương tâm. Mỗi thông tin sai không chỉ gây hoang mang dư luận mà còn có thể gây tổn thương trực tiếp đến gia đình các nạn nhân và những người vô tình bị lôi kéo vào câu chuyện.

Thông tin sai lệch dưới dạng video đang được phát tán nhanh chóng. (Ảnh: Vietnam+)
Các chuyên gia truyền thông cũng khuyến cáo, người dùng mạng cần tỉnh táo, không dễ dàng tin vào những bài đăng giật gân, hình ảnh được gán ghép mà chưa rõ nguồn gốc.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Huy Phượng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), mỗi khi thiên tai, tai nạn hay bất kỳ sự kiện gì có ảnh hưởng đến xã hội, chúng ta đều thấy xuất hiện những thông tin thiếu trách nhiệm, thậm chí là vô đạo đức, gây thêm nỗi lo cho cộng đồng do những kẻ xấu, thế lực thù địch, hay những người kém hiểu biết về luật pháp đăng tải.
Người tiếp nhận thông tin nếu không tỉnh táo nhận diện đâu là đúng-sai, sẽ rất dễ có những hành vi tiêu cực, gây hậu quả xấu cho cá nhân và tổ chức.
Theo ông Hà Huy Phượng, để giảm thiểu thông tin sai sự thật, các cơ quan báo chí phải đi đầu. Thông tin báo chí phải là dòng tin tức chủ lực.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Huy Phượng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền). (Ảnh: FBNV)
Báo chí, nhất là các đài phát thanh, truyền hình quốc gia, ngành, địa phương phải đưa tin nhanh, kịp thời, chính xác về tình hình lụt bão, dự báo thời tiết.
Báo in, báo mạng điện tử cần tận dụng tối đa các nền tảng mạng xã hội để đưa tin nhanh chóng đến công chúng.
Theo ông Phượng, ngoài việc đưa tin nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, sinh động thì các cơ quan báo chí cũng cần phản bác các tin tức sai sự thật đang lan truyền trên mạng xã hội để định hướng dư luận xã hội
Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc hãng Luật TGS (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho hay Điều 101 của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật…
Nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, như làm gia tăng hoang mang dư luận, ảnh hưởng tâm lý gia đình nạn nhân, hoặc cản trở công tác cứu hộ, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 331 bộ luật Hình sự về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 7 năm, bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn khuyến cáo người sử dụng mạng xã hội cần kiểm chứng nguồn thông tin. Đối với mạng xã hội, những fanpage chính thống của cơ quan, báo chí, tổ chức thường có dấu tích xanh để xác thực. Người dùng mạng xã hội cần quan sát và phân biệt rõ các fanpage chính thống và giả mạo để tránh chia sẻ các thông tin sai sự thật./.