Sáng tạo robot lặn và tàu tự hành mặt nước bảo vệ biển, đảo
Tại cuộc thi 'Ý tưởng sinh viên bảo vệ chủ quyền và phát triển biển, đảo của Tổ quốc' năm 2020 do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức, nhóm sinh viên thuộc CLB Robot – Tự động hóa Bách khoa (BKRA), trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM) đã đoạt giải Khuyến khích, với sáng tạo hệ thống phương tiện tự hành sử dụng robot lặn và tàu tự hành trên mặt nước.
Cuộc thi "Ý tưởng sinh viên bảo vệ chủ quyền và phát triển biển, đảo của Tổ quốc" năm 2020 là cuộc thi đầu tiên với quy mô lớn nhằm tập hợp các ý tưởng của sinh viên về biển đảo nhằm tạo môi trường để hội viên, sinh viên khơi dậy tình cảm và ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ và giữ gìn chủ quyền biển đảo, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh của đất nước.
Dự án “Ứng dụng hệ phương tiện tự hành đa chức năng USV (tàu tự hành trên mặt nước) và ROV (Robot lặn) trong giám sát và quản lý biển đảo, phục vụ công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam” được sáng tạo bởi nhóm các bạn Nguyễn Anh Duy, Phạm Quang Hà và Ngô An Thuyên, với sự hướng dẫn của giảng viên Võ Thanh Hằng (Khoa Môi trường & Tài Nguyên) và thầy Trần Ngọc Huy (khoa Điện - Điện tử)
Mô hình thử nghiệm robot lặn và tàu tự hành.
Ý tưởng của dự án được các bạn trong nhóm liên hệ từ thực tế tình hình biển đảo của nước ta đang gặp nhiều thách thức: tranh chấp chủ quyền, ô nhiễm môi trường biển, biến đổi khí hậu phức tạp, quan trắc môi trường lạc hậu, việc tìm kiếm cứu hộ cứu nạn gặp nhiều khó khăn.
Từ đó, sáng tạo của nhóm là hệ phương tiện tự hành đa chức năng để giải quyết vấn đề biển đảo gồm robot trên mặt nước, robot dưới mặt nước được kết nối với nhau và với vệ tinh ở quỹ đạo. Ngoài ra còn có trạm điểu khiển mặt đất. Tất cả kết nối với nhau không dây để hệ phương tiện hoạt động thông suốt và liên tục.
Với sáng tạo này, vai trò của robot được ứng dụng tối đa vì kích thước nhỏ gọn, linh hoạt và linh động, có thể phù hợp trong mọi điều kiện thời tiết. Hơn nữa, robot có khả năng tiếp cận từ xa tốt, kết hợp tốt với các phương tiện khác, vận hành liên tục và chính xác, an toàn cho con người và thay thế lao động con người khi thực hiện nhiệm vụ trong các điều kiện và môi trường nguy hiểm.
Thử nghiệm tàu tự hành thực hiện quan trắc môi trường và lấy mẫu nước.
Hệ phương tiện tự hành này có thể ứng dụng trong nhiều trường hợp: Quan trắc môi trường biển, phục vụ quân sự, cứu hộ cứu nạn, hải dương học và địa chất, nghiên cứu khoa học. Hệ thống USV – ROV sau khi chế tạo được nhóm thực nghiệm trong môi trường nước để Robot thực hiện các nhiệm vụ quan trắc, lấy mẫu nước trong những thời điểm khác nhau, tự hành và làm theo kế hoạch đã giao. Kết quả cho thấy USV –ROV phối hợp và làm việc tốt, linh hoạt, không xảy ra sai sót đáng kể.
“Dự án này sẽ được nghiên cứu thêm và chỉnh sửa để phù hợp điều kiện thực tế. Chúng tôi rất vui và hi vọng sáng tạo này có thể đem đến một giải pháp cho hoạt động nghiên cứu và phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo của cả nước”, đại diện nhóm chia sẻ.