'Sáng tạo sâu thâu ý tưởng'

Từ kinh nghiệm 40 năm trong lĩnh vực sản xuất quảng cáo, Takahashi Nobuyuki đã đề cập những nguyên tắc để sản sinh ra sự sáng tạo cũng như phương pháp vận dụng trong cuốn 'Sáng tạo sâu thâu ý tưởng'.

Sách được chia làm 3 phần: Nghệ thuật hóa kinh doanh, Những gợi ý cho tư duy sáng tạoNhững từ khóa kích thích nghệ thuật hóa.

Tác giả không đưa ra một mớ lý thuyết “suông” mà đề cao sự sáng tạo từ việc quan sát con người và đưa ra từng chỉ dẫn cụ thể. Gợi ý 15 trong cuốn sách là một góc nhìn tổng thể về những ý tưởng bắt nguồn từ người tiêu dùng. Mỗi cá nhân đều ý thức xây dựng ý tưởng với tư cách là một người tiêu dùng, tập trung vào chi tiết như: Điều gì sẽ đánh được vào tâm lý người dùng, Mọi người đang hướng tới điều gì... Chính điều này sẽ giúp chúng ta tạo ra những ý tưởng rung động lòng người. Và đó mới thực sự là phương châm “Khách hàng là số 1” mà các doanh nghiệp nên hướng tới.

Cuốn sách thực sự hữu ích cho những doanh nghiệp, cá nhân làm những công việc liên quan đến sáng tạo

Cuốn sách thực sự hữu ích cho những doanh nghiệp, cá nhân làm những công việc liên quan đến sáng tạo

Theo Takahashi Nobuyuki, những yếu tố trợ giúp ông trong công việc chính là bốn bước vận dụng trí óc:

-Biết (năng lực thông tin): Có thể tìm kiếm, thu thập thông tin mình chưa biết, thông tin khác biệt, thông tin thuộc lĩnh vực khác đến đâu?

-Suy nghĩ (năng lực tưởng tượng): Có thể kết hợp thông tin để vẽ nên những ước mơ, những thế giới rộng lớn đến mức nào?

- Sáng tạo (năng lực sáng tạo): Có thể hiện thực hóa những suy nghĩ ấy, tạo ra những hình hài đầy tính sáng tạo đến mức nào?

- Hành động (năng lực thực hiện): Hành động như thế nào để có thể tạo ra được mối quan hệ tốt và tiếp tục nó?

Bốn bước nêu trên đều được quán triệt hai điều là “trí tưởng tượng và sức sáng tạo” (imagination & creation).

Độc giả sẽ thắc mắc: Làm thế nào để phát huy được trí tưởng tượng một cách mới mẻ, độc đáo. Và tác giả sẽ giải đáp ngay bằng những lập luận chặt chẽ từ kinh nghiệm thực chiến dày dặn: Thông tin là nguyên liệu của mọi “sự tưởng tượng”, là nguyên liệu để vẽ nên mọi hình dung. Hay nói cách khác, bạn không thể nhận được kết quả đầu ra mà không có thông tin đầu vào. Và việc chúng ta đọc được tương lai, nhìn được tổng thể cũng đều xuất phát từ những thông tin nắm bắt trong tay. Năng lực tưởng tượng mà giới kinh doanh đòi hỏi hoàn toàn không phải là sự khác biệt của năng lực cá nhân, hay trong cảm tính mà là sự khác biệt trong nỗ lực thu thập và xử lý thông tin.

Cho dù sản phẩm tốt như thế nào, cho dù dịch vụ vô cùng tuyệt vời, nếu chúng ta thiếu thông tin chẳng khác gì không tồn tại. Thế nhưng, nếu thông tin đó không có giá trị mọi thứ đều vô nghĩa. Để nâng cao được giá trị của thông tin, mỗi người làm quảng cáo cần trả lời được một cách chính xác những gì mà đối phương đang quan tâm. Việc quan sát người tiêu dùng, quan sát thế giới, quan sát tất cả thay đổi và biến chúng trở thành các hình thù mới chính là cách làm căn bản trong giới kinh doanh.

Đặc biệt, Takahashi Nobuyuki đã nâng tầm việc xử lý thông tin và sáng tạo ý tưởng trong kinh doanh là ‘nghệ thuật’. Một ý tưởng hay, một bản kế hoạch tốt, một phương án giải quyết hiệu quả, một chiến lược tuyệt vời, tất cả đều phải có tiền đề là “đúng và thú vị”. Thú vị ở đây là gì? Nghĩa là khách hàng nhìn vào thấy được sự hấp dẫn và có khả năng lôi cuốn người khác. Từ khóa chính là những ý tưởng “có tính nghệ thuật”.

‘Cũng tốt nhưng chúng tôi không thích!”

Cho dù sản phẩm có trình độ kỹ thuật cao, tính năng tốt nhưng một khi khách hàng nói “Tôi không thích” đó cũng là dấu chấm hết, những đồ vật hay hàng hóa ấy sẽ dần bị loại bỏ. Đó cũng chính là nỗi kinh hoàng của “xã hội dư thừa vật chất”. Yêu ghét là cảm tính. Người ta vẫn nói rằng con người hành động chỉ có 20% là theo logic, còn lại 80% là phi logic. Như vậy, một công việc kinh doanh không đánh vào cảm xúc, không chạm tới trái tim của khách hàng sẽ thất bại.

Sáng tạo sâu thâu ý tưởng thực sự hữu ích cho những doanh nghiệp, cá nhân làm những công việc liên quan đến sáng tạo. Bởi vì chúng ta đang ở trong một thời đại của cái Tôi cá nhân - thời đại mà tài năng, sự nhạy cảm và nỗ lực của từng người đều mạnh mẽ nên mới không ngừng rèn luyện “tư duy sáng tạo”. Và nói như ông Peter Drucker - một trong những chuyên gia đầy quyền lực trong ngành quản trị - marketing toàn cầu: “Bản chất của các hoạt động doanh nghiệp chính là sự sáng tạo”.

Linh Đan

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/doc-sang-tao-sau-thau-y-tuong-giup-phat-trien-nghe-thuat-kinh-doanh-2139853.html