'Sáng tạo trên môi trường số đặt ra nhiều thách thức về bảo vệ bản quyền'

Tại Hội nghị quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số, đại biểu từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ đã cùng nhau bàn cách giải 'bài toán' bảo vệ tác quyền.

Môi trường số đặt ra nhiều thách thức về bảo vệ bản quyền đối với mỗi sản phẩm. (Ảnh: Mona Media)

Môi trường số đặt ra nhiều thách thức về bảo vệ bản quyền đối với mỗi sản phẩm. (Ảnh: Mona Media)

Sáng tạo trên môi trường số đang đặt ra nhiều thách thức về bảo vệ bản quyền tác giả, tác phẩm trên toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia và tổ chức quốc tế cũng như các chủ sở hữu bản quyền cần có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ, chia sẻ kịp thời.

Đây chính là vấn đề Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong nêu ra tại Hội nghị quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số khai mạc ngày 17/6 tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Hồ An Phong khẳng định rằng sáng tạo trên môi trường số đã mở ra nhiều cơ hội, đưa đến công cụ sáng tạo mới, tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng "sân chơi" này cũng đặt ra "bài toán" về bảo vệ bản quyền đối với mỗi sản phẩm nội dung số trên toàn cầu chứ không riêng ở thị trường Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, hiện nay, Việt Nam đang quan tâm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Do đó, làm tốt công tác bảo hộ bản quyền là một yếu tố để xây dựng nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh; đóng góp ngày càng nhiều vào GDP, tạo thêm việc làm và tăng kim ngạch xuất khẩu của mỗi quốc gia.

 Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong phát biểu trong phiên khai mạc hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong phát biểu trong phiên khai mạc hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đó là lý do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đối tác quốc tế, tổ chức hội nghị này.

Thứ trưởng nhấn mạnh rằng hội nghị là cơ hội tốt để cập nhật tình hình bảo hộ và thực thi về bản quyền, đặc biệt trên môi trường số tại mỗi quốc gia, khu vực đồng thời chia sẻ các xu hướng về xây dựng chính sách, giải pháp về công nghệ để ứng phó với xâm phạm về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số; kinh nghiệm, triển khai hợp tác trong quản lý, thực thi bản quyền trên môi trường số trong tương lai.

Ở góc độ pháp lý, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, cho rằng hiện nay hệ thống văn bản pháp luật về bảo hộ, quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tương đối đồng bộ, là công cụ hữu ích giúp cho công tác quản lý thực thi hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý, thực thi, nhưng tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp. Vẫn còn tình trạng những người sáng tạo vi phạm bản quyền, công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và trong môi trường kỹ thuật số nói riêng còn chưa đáp ứng yêu cầu...

"Để chống xâm phạm bản quyền-bảo hộ quyền tác giả trên không gian mạng, cần phải nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cảnh báo các doanh nghiệp không nên mua quảng cáo ở những trang web hoặc mạng xã hội vi phạm bản quyền... Các chủ thể quyền chủ động áp dụng các biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số theo quy định pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả," bà Oanh nhấn mạnh.

 Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chia sẻ góc nhìn quốc tế, ông Xavier Vermandele, Cố vấn pháp lý cấp cao, Ban Tôn trọng sở hữu trí tuệ, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) cho rằng thực thi bản quyền là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển kinh tế.

"Khi nhà sáng tạo được trả công xứng đáng, họ mới có động lực và sự khích lệ để tiếp tục sản xuất các nội dung mới. Thực thi bản quyền hiệu quả không chỉ bảo vệ quyền của người sáng tạo mà còn mang lại sự chắc chắn về mặt pháp lý cho các doanh nghiệp, để họ mạnh dạn đầu tư vào các ngành công nghiệp sáng tạo," ông nói.

Ông Xavier Vermandele cho rằng vấn đề bảo vệ bản quyền trên môi trường số ngày càng nhiều khó khăn, đòi hỏi các quốc gia cần "bắt tay" nhau để giải quyết các thách thức này.

"Hội nghị chuyên đề này chắc chắn sẽ tạo ra nền tảng tuyệt vời cho sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn. Chúng tôi hy vọng các chuyên gia sẽ tích cực tham gia trao đổi và thảo luận để tìm ra các giải pháp," ông nói./.

Hội nghị sẽ kéo dài đến ngày 21/6 với 34 chủ đề và 50 bài tham luận đến từ các chuyên gia, đại biểu từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ: Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, Cơ quan Bảo vệ bản quyền Hàn Quốc (KCOPA), Liên minh chống vi phạm bản quyền nghe nhìn quốc tế, Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ, Liên minh Dịch vụ trung gian Trực tuyến quốc tế, Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Tác giả và Nhà soạn nhạc (CISAC).

Hội nghị tập trung vào các nội dung: Giới thiệu về hệ thống thực thi quyền tác giả của các quốc gia; giá trị của bản quyền, đóng góp của các ngành công nghiệp sáng tạo cho nền kinh tế. Cùng với đó là phổ biến các phương thức vi phạm bản quyền trực tuyến phổ biến, mối đe dọa liên quan đến việc sử dụng nội dung vi phạm bản quyền; sự phát triển quốc tế trong thực thi và quản lý trực tuyến; thẩm quyền và luật áp dụng trong tranh chấp bản quyền trực tuyến; phương thức giải quyết vi phạm bản quyền trực tuyến; thu thập, bảo quản bằng chứng, cách tiếp cận cân bằng để thực thi bản quyền và sử dụng công nghệ để ngăn chặn vi phạm bản quyền...

Một số hoạt động bên lề Hội nghị sẽ được tổ chức nhằm giao lưu, quảng bá văn hóa Việt Nam, tạo cơ hội để các khách mời quốc tế có thời gian trao đổi, tăng cường gắn kết giữa các quốc gia.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/sang-tao-tren-moi-truong-so-dat-ra-nhieu-thach-thuc-ve-bao-ve-ban-quyen-post959550.vnp