Sáng tạo trong xóa bỏ hủ tục ở Quản Bạ

BHG - Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, trong thời gian qua, trên địa bàn huyện Quản Bạ đã có cách làm hay, sáng tạo là thành lập Ban tang lễ (BTL) ở các thôn, xã, thị trấn. Qua đó, góp phần tích cực vào việc xóa bỏ hủ tục trong tổ chức tang lễ của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Hiện nay huyện Quản Bạ có 107 BTL ở 107 thôn, tổ dân phố, mặc dù mới được thành lập trong thời gian ngắn nhưng BTL đã phát huy hiệu quả tích cực, đạt được những kết quả nhất định và được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Ông Giàng Mí Vư, Bí thư Chi bộ, Trưởng BTL thôn Lùng Cúng, xã Thanh Vân cho biết: “Trong thôn chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, BTL của thôn được thành lập từ năm 2021, sau 2 năm hoạt động đã tạo ra sự thay đổi hoàn toàn trong đời sống của nhân dân. Trước đây khi chưa có BTL, các đám tang trong thôn thường kéo dài nhiều ngày, giết mổ nhiều gia súc, chỉ có khoảng 70% người chết được cho vào áo quan trước khi cử hành tang lễ, các gia đình trong thôn phải đóng góp nhiều cho một đám tang; mỗi nhà phải góp 1 bó củi, bà con lên rừng chặt củi vi phạm về công tác bảo vệ rừng. Từ khi có Chỉ thị 09-CT/TU, Nghị quyết 27-NQ/TU của tỉnh, Đề án 16-ĐA/HU của Huyện ủy Quản Bạ, kế hoạch 105 của Đảng ủy xã Thanh Vân về triển khai quyết liệt xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, Chi bộ thôn Lùng Cúng đã xây dựng nghị quyết, thống nhất từ chi bộ, tổ chức họp thôn triển khai đến bà con về việc thành lập BTL”.

Lãnh đạo thị trấn Tam Sơn tuyên truyền, vận động người dân tổ chức đám tang theo nếp sống mới.

Lãnh đạo thị trấn Tam Sơn tuyên truyền, vận động người dân tổ chức đám tang theo nếp sống mới.

BTL gồm có Bí thư Chi bộ là trưởng ban, Trưởng thôn là phó ban, Ban công tác Mặt trận của thôn, đội kèn trống, trưởng các dòng họ trong thôn là thành viên. Lúc mới hoạt động BTL khá vất vả khi làm đầu mối tuyên truyền, vận động bà con và phối hợp tổ chức đám tang cho các gia đình. Khi gia đình nào trong thôn có người chết sẽ phải báo cáo cho Trưởng BTL, BTL sẽ đến gia đình nắm tình hình, cùng với gia đình, dòng họ bàn bạc thống nhất chọn ngày, giờ tổ chức tang lễ. BTL quy định mỗi gia đình trong thôn khi dự đám tang chỉ cần đóng góp 5 kg ngô hạt và 40 nghìn đồng để mua ga về đun nấu, thay thế cho việc chặt củi, thời gian tổ chức đám tang không quá 48 giờ. Đến nay, 100% người chết trong thôn đã được cho vào áo quan trước khi cử hành tang lễ. Việc giết mổ gia súc được hạn chế; cách ăn uống trong đám tang được cải thiện, mỗi đám tang chỉ ăn 1 bữa, mâm cỗ được bày đàng hoàng. Thôn Lùng Cúng đã có quy hoạch nghĩa trang của thôn.

Đối với thôn có trên 90% thành phần là dân tộc Tày như thôn Nà Khoang, thị trấn Tam Sơn, việc hoạt động của BTL cũng cho hiệu quả tốt, góp phần vào công tác giảm nghèo tại địa phương. Ông Chu Quang Báo, Bí thư Chi bộ, Trưởng BTL thôn Nà Khoang cho biết: “Từ năm 2022 khi BTL chính thức thành lập theo đúng tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TU của tỉnh và Đề án 16-ĐA/HU của huyện thì công việc rõ ràng, cụ thể, được nhân dân đồng tình ủng hộ cao. Khi thôn có đám tang, các thành viên BTL sẽ tập trung đến gia đình thống nhất cách tổ chức đám tang, vừa làm vừa tuyên truyền cho nhân dân thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TU đã đề ra. Nếu như trước đây đám tang phải có nhiều hoa, thịt lợn, các gia đình trong họ phải đi lễ mâm xôi, con gà, chai rượu, hoa quả thì bây giờ làm theo đề án mỗi đám tang chỉ thịt 2 con lợn, lễ cúng quy ra tiền rất gọn nhẹ, giảm nhiều chi phí, đỡ được những chi phí không cần thiết; đám tang tổ chức không quá 48 giờ. Các dòng họ trong thôn đều có nghĩa trang riêng của gia đình”.

Trưởng ban Dân vận huyện Quản Bạ, Viên Thị Mai Lan cho biết: Triển khai mô hình BTL ở các xã, thị trấn đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của các già làng, người có uy tín, trưởng dòng họ, nghệ nhân dân gian, cấp ủy, chính quyền trong việc vận động đưa người chết vào áo quan trước khi cử hành tang lễ. Kết quả trong 9 tháng đầu năm, 100% các gia đình có người chết đều đưa vào áo quan. Trong các đám tang đã giảm tình trạng phúng viếng bằng gia súc, gia cầm, hiện vật; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; không đốt, rải vàng mã và tiền thật xuống đường gây ô nhiễm môi trường. Cơ bản các đám tang không kéo dài ngày, một số hủ tục trong tổ chức tang lễ được xóa bỏ. Một số địa phương đã quy hoạch được nghĩa trang như xã Thái An, Thanh Vân, Quyết Tiến, Cao Mã Pờ, Tùng Vài. Thông qua mô hình BTL đã góp phần tích cực vào xây dựng nếp sống văn minh trong tổ chức việc tang ma. Góp phần giảm thiểu các hủ tục trong đồng bào các dân tộc và ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bài, ảnh: LÊ HẢI

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202311/sang-tao-trong-xoa-bo-hu-tuc-o-quan-ba-fbe1589/