Sáng tạo và phát triển bền vững (Bài cuối)
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có gần 6.000 di tích lịch sử, văn hóa được kiểm kê, trong đó có bao gồm 1 di sản văn hóa thế giới, 1.160 di tích quốc gia, gần 1.500 di tích cấp thành phố, 3.210 di tích chưa xếp hạng. Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích này.
Bên cạnh các di tích nổi tiếng, thành phố thí điểm mở thêm di tích mới, làm mới sản phẩm, tăng cường chất lượng dịch vụ để thu hút du khách, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.
Đa dạng sản phẩm, tăng cường bảo tồn giá trị di sản
Nằm ở ngã sáu của các phố Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Quán Thánh, Phan Đình Phùng (quận Ba Đình), di tích Tháp nước Hàng Đậu như bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài, khi TP Hà Nội quyết định mở cửa di tích này phục vụ người dân và du khách. Hình ảnh những dòng người kiên nhẫn xếp hàng từ sáng đến tối chờ vào tham quan Tháp nước là hiện tượng hiếm đối với nhịp sống vốn trầm lặng nói chung của phần lớn các di tích trên cả nước, không riêng Hà Nội.
Cùng với sức hấp dẫn tự thân từ chính câu chuyện về một công trình kiến trúc hơn 100 năm tuổi, những sáng tạo độc đáo của nhóm thiết kế gồm kiến trúc sư Cao Thế Anh, họa sĩ Nguyễn Đức Phương và các cộng sự nhằm tạo nên một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, ánh sáng và âm thanh ở bên trong Tháp nước đã tạo sự tò mò đặc biệt cho công chúng.
Cùng thời điểm này, tại khu vực Ô Quan Chưởng có hoạt động trình diễn visual nghệ thuật 3D mapping hình ảnh các sản phẩm du lịch đêm và các điểm di sản văn hóa, lịch sử của Thủ đô. Đây cũng là một trong những chương trình mới của Hà Nội trong nỗ lực mang đến cho du khách một trải nghiệm mới mẻ, ấn tượng từ sự kết hợp giữa công nghệ và không gian của di tích nổi tiếng về đêm.
Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm bừng sáng trong đêm với nghệ thuật sắp đặt kết hợp ánh sáng và bóng. Nhiều sản phẩm khác cũng được làm mới nhằm tăng sức hấp dẫn cho di tích, trong đó có các tour tham quan Hỏa Lò về đêm, tour đêm “Giải mã Hoàng thành” tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám chủ đề “Tinh hoa Đạo học”…
Thực tế cho thấy, thời gian qua, những nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị các di tích của Hà Nội đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Nhiều di tích trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, không thể thiếu trong các chương trình du lịch của Thủ đô, như: Hoàng thành Thăng Long, Phố cổ Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám…
Theo bà Trần Thị Thúy Lan, Phó trưởng Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, với những giá trị di sản còn hiện hữu, khu phố cổ Hà Nội thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước khi đến Hà Nội. Thời gian qua, trung bình mỗi ngày cuối tuần có khoảng 20.000 lượt khách đến với không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, qua đó, góp phần tăng lượng khách du lịch quốc tế lưu trú tại quận Hoàn Kiếm tăng nhanh.
Số liệu của quận Hoàn Kiếm cho thấy, năm 2021, Hoàn Kiếm có trên 625.600 lượt khách lưu trú, đến năm 2023, ước tính có 1,6 triệu lượt khách trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế. Doanh thu ngành lưu trú, ăn uống năm 2021 là 1.571 tỷ đồng; năm 2023, ước tính khoảng 6.012 tỷ đồng. Doanh thu ngành du lịch tăng từ 189 tỷ đồng năm 2021 lên 3.975 tỷ đồng vào năm 2023.
Được biết, để phố đi bộ trở thành điểm đến văn hóa, đóng góp lớn vào sự phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ của quận Hoàn Kiếm nói riêng, TP Hà Nội nói chung, thời gian qua, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội thường xuyên tổ chức các chương trình, hoạt động về văn hóa, nghệ thuật tại các điểm di tích vào các dịp lễ, Tết. Các chương trình này đều có sự tham gia tích cực của cộng đồng, góp phần quản lý, bảo tồn di sản văn hóa khu phố cổ một cách bền vững và lâu dài. Nhiều di tích và không gian đô thị trong khu phố cổ Hà Nội, sau khi tu bổ, tôn tạo đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, giao lưu nghệ thuật, tổ chức các hoạt động gắn với phố nghề, làng nghề, góp phần phát huy giá trị văn hóa của Hà Nội.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Thúy Lan, trong quá trình gìn giữ giá trị văn hóa khu phố cũ, phố cổ, Hoàn Kiếm cũng đối diện với không ít khó khăn. Chi phí vận hành, quản lý và triển khai các hoạt động về văn hóa, nghệ thuật tại các điểm rất tốn kém nhưng nguồn xã hội hóa, ngân sách dành cho các hoạt động tại đây chưa tương xứng. Nhận thức và trách nhiệm của một số đơn vị còn hạn chế, nhất là trong việc bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho hoạt động diễn ra. Các dự án bảo tồn cần kinh phí lớn, thời gian dài mới hoàn thành nghiên cứu, xây dựng nội dung.
Cần nhiều chính sách thiết thực
Theo TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện đã trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút hàng triệu lượt khách tham quan, học tập mỗi năm, đóng góp cho ngân sách Nhà nước và tự chủ chi thường xuyên, một phần chi đầu tư cho tôn tạo, tu bổ các hạng mục của di tích. Tuy nhiên, đó mới chỉ là kết quả ban đầu, chưa thực sự bền vững. Để phát huy tiềm năng di tích, cần tiếp tục phải có giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn. Trước hết là thay đổi nhận thức, từ tư duy quản lý di tích theo kiểu cũ là đóng, mở cửa di tích chuyển sang tư duy phát huy các giá trị của di tích với những sản phẩm, hoạt động mang tính sáng tạo, mang hơi thở của cuộc sống đương đại, đáp ứng nhu cầu đa dạng của công chúng.
Theo ông Kiêu, cơ chế, chính sách của Nhà nước để Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phát huy được quyền tự chủ là vấn đề cấp thiết hiện nay. Bởi lẽ, những không gian sáng tạo, các cá nhân sáng tạo chỉ có thể đến và hoạt động lâu dài tại di tích trên cơ sở khung pháp lý và chính sách cụ thể, thiết thực và hiệu quả, phát huy được nguồn lực của cộng đồng cho sự sáng tạo tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng và các di sản nói chung. Bên cạnh đó, cần thực hiện chuyển đổi số trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, tổ chức chương trình trải nghiệm về đêm tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên nền tảng ứng dụng công nghệ, trước mắt là chương trình thực cảnh về Văn Miếu - Quốc Tử Giám…
Nhận định việc phát huy giá trị di sản văn hóa cho phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội còn gặp nhiều thách thức, rào cản, TS Bùi Thị Kim Chi, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng từng chỉ rõ, hiện nay, di sản văn hóa vẫn được coi như một nguồn vốn cho phát triển công nghiệp văn hóa, bị khai thác triệt để khía cạnh kinh tế để đem lại doanh thu, lợi nhuận. Chính sách phát huy giá trị di sản văn hóa cho phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội còn thiếu.
Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chú ý nhiều đến phát huy nguồn lực văn hóa cho phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô, nhưng từ nghị quyết đến cụ thể hóa thành chính sách, thay đổi cơ chế không phải là việc có thể thực hiện được nhanh chóng.
Thị trường văn hóa của Hà Nội còn yếu. Mặc dù Hà Nội có nhiều thế mạnh về di sản văn hóa, giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc, tham gia vào hệ thống Thành phố sáng tạo của UNESCO, nhưng những yếu tố đó chưa được chuyển tải rõ nét vào trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa. Đến với Hà Nội, mọi người vẫn bắt gặp những sản phẩm và dịch vụ văn hóa cũ, ít có sự đổi mới hoặc na ná giống các địa phương khác. Điều đó cũng làm giảm sức hấp dẫn của công nghiệp văn hóa Thủ đô….
Để khắc phục các bất cập, Hà Nội cần thực hiện một số giải pháp, trong đó đẩy nhanh quá trình và thực hiện triệt để Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội, thực hiện tốt chủ trương tư liệu hóa các di sản văn hóa của Hà Nội, chú ý đánh giá tiềm năng chuyển hóa, tích hợp giá trị di sản văn hóa vào trong sản phẩm và dịch vụ văn hóa, từ đó có định hướng rõ ràng cho việc đầu tư, phát huy giá trị của di sản văn hóa cho phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội. Hà Nội cần sớm thành lập một cơ quan chuyên trách để bảo đảm sự đồng bộ, tránh chồng chéo trong thực hiện phát huy giá trị di sản văn hóa cho phát triển công nghiệp văn hóa...
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, quy hoạch Thủ đô Hà Nội luôn chú trọng đến bảo tồn, phát huy giá trị di sản đô thị trong đó có di sản vật thể. Tuy nhiên, Hà Nội cần thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ giải pháp theo Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững đến năm 2030, đồng thời quan tâm hơn một số vấn đề như: Cơ chế chính sách ưu đãi để huy động nguồn lực xã hội hóa trong bảo tồn di sản đa dạng hóa mô hình quản lý di sản...
Trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, cần có chính sách vượt trội, nhất là tăng phân cấp, phân quyền cho Thủ đô một số lĩnh vực. Cần có đề xuất cụ thể hơn về quản lý với từng loại di sản và chính sách hỗ trợ để cộng đồng có vai trò, trách nhiệm với bảo tồn phát huy giá trị di sản vật thể. Trong lập quy hoạch Thủ đô giai đoạn tới, việc bảo tồn phát huy giá trị di sản vật thể cần được quan tâm hơn, cần thể hiện rõ trong các nội dung như phân tích, đánh giá, xác định là đặc thù của Thủ đô; giải pháp thực hiện; khâu đột phá liên quan đến các nội dung tổ chức hệ thống đô thị…
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/sang-tao-va-phat-trien-ben-vung-bai-cuoi--i715709/