Sáng tạo và vượt ngưỡng

Đời sống văn hóa giải trí thời gian gần đây liên tục xuất hiện những yếu tố mới lạ. Sau thời gian ngắn xuất hiện trên mạng xã hội, sản phẩm MV 'Để Mị nói cho mà nghe' và kênh 1977 Vlog thu hút hàng chục triệu view (lượt xem).

Sở dĩ những sản phẩm này gây hiệu ứng cho khán giả vì các nhân vật điển hình như: Mị; anh Dậu, chị Dậu, Bá Kiến; Lão Hạc; Chí Phèo… trong các tác phẩm văn học nổi tiếng, như: “Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài); “Tắt đèn” (Ngô Tất Tố), “Lão Hạc”, “Chí Phèo” (Nam Cao) đã được làm mới hoàn toàn theo cách nhìn khác lạ của giới trẻ.

Thực ra, việc làm mới những tác phẩm văn học kinh điển bằng những loại hình nghệ thuật khác không phải là bây giờ mới xuất hiện ở nước ta. Từ lâu, “Truyện Kiều”-một tác phẩm văn học tài hoa nhất của đại thi hào Nguyễn Du từng là nguồn cảm hứng cho hàng loạt các loại hình nghệ thuật khác. “Truyện Kiều” không chỉ hiện diện sinh động trong nghệ thuật thư pháp, âm nhạc, hội họa, sân khấu, điện ảnh mà còn phái sinh ra nhiều hình thức đặc sắc khác, như: Lẩy Kiều, bói Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, trò Kiều… Điều đó cho thấy, khi một tác phẩm văn học có chỗ đứng vững chắc trong tâm hồn con người sẽ như đóa hoa tỏa hương thơm bất tận để làm giàu, làm đẹp thêm đời sống tinh thần xã hội.

Cái mới lạ của MV “Để Mị nói cho mà nghe” là biến từ một cô Mị trong trang sách với bóng dáng “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa” trở thành một cô Mị hiện đại tràn đầy khát vọng sống, dám yêu đương cuồng nhiệt để chứng tỏ vị thế của phụ nữ thời nay. Hay như những anh Dậu, chị Dậu, Lão Hạc… không còn dáng vẻ nhu mì, chấp nhận số phận nghèo hèn, quẩn quanh trong đời sống tù túng như ao làng, mà còn tỏ ra am hiểu thời cuộc, nói chuyện thời sự, bàn luận công nghệ “4.0” như bất kể nam thanh nữ tú nào thời hiện đại. Tất cả được kể bằng thứ âm nhạc sôi động, cuốn hút và bằng những câu thoại bất ngờ, trào phúng khiến khán giả thích thú.

Nhờ đánh “trúng” tâm lý, thị hiếu khán giả trẻ bằng những âm thanh, hình ảnh “bắt mắt, bắt tai” với góc nhìn độc đáo, các sản phẩm trên đã phần nào làm công chúng quý trọng hơn những tác phẩm văn học nổi tiếng của nước nhà. Tuy vậy, nếu ai đó cho rằng, kênh 1977 Vlog như một “luồng sinh khí mới” làm sống lại những tác phẩm văn học kinh điển của các bậc tiền nhân thì e hơi thái quá và có phần khập khiễng. Vì nếu để ý kỹ, nhiều lời thoại của các nhân vật trong vlog này vừa mâu thuẫn, phi logic, vừa chưa văn hóa, trái với nội dung tác phẩm văn học gốc. Ví như, nhân vật anh Dậu khi thì nói với chị Dậu: “Đừng trốn. Có nợ thì phải trả. Chúng ta hãy sống đẹp như những con thiên nga của Trai-cốp-xki, bu em ạ”, lúc lại bảo việc bán con Tí vì lý do “Cái Tí còn hư”, “Nó là điển hình của một đứa trẻ trâu chính hiệu”; còn nhân vật cai lệ nói với anh Dậu, chị Dậu: “Trả tiền đi! Không tao ném cứt vào bể nước nhà mày đấy”, “Bố mày làm sao đỏ từ năm lớp 1 đấy”; “Mày dám đánh người nhà cụ Lý à, tao sẽ đèo cả nhà mày ra KFC”…

Thoạt nghe những lời thoại trên rất dễ gây cười cho khán giả. Nhưng nghiêm túc nhìn nhận, sự sáng tạo này đã vượt ngưỡng cho phép, không phù hợp với văn bản gốc và thông điệp văn hóa mà các tác giả, tác phẩm văn học kinh điển gửi gắm, chuyển tải đến độc giả và làm mất đi vẻ đẹp trong sáng của tiếng Việt.

Khuyến khích những người sáng tạo trẻ làm mới các nhân vật điển hình trong những tác phẩm văn học nổi tiếng của dân tộc là cần thiết. Cổ vũ con người thời nay biết tìm về những giá trị đích thực trong các tác phẩm văn học kinh điển của ông cha là điều nên làm. Tuy nhiên, không vì hình thức sáng tạo hào nhoáng, khác thường bên ngoài của một sản phẩm mới xuất hiện trên mạng xã hội mà sớm ngợi ca, tung hô nhau quá lời rất dễ khiến người trong cuộc tự ảo tưởng về mình rồi tiếp tục đưa ra những sản phẩm có thể “vui mắt, vui tai” nhất thời, nhưng về lâu dài có thể gây ra những “di hại” cho tâm hồn công chúng, nhất là giới trẻ. Vì sứ mệnh của văn hóa nghệ thuật là góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp đời sống tâm hồn, tinh thần con người ngày càng phong phú, sâu sắc, tinh tế hơn, chứ không phải làm cho nó “teo tóp”, nghèo nàn, dung tục.

THIỆN VĂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/sang-tao-va-vuot-nguong-604526