Sáng truyền thống - vững tương lai

 Leo thang đánh phá miền Bắc XHCN, đế quốc Mỹ đã 3 lần không kích (trong năm 1967 đến năm 1972) Nhà máy Điện Việt Trì. Hàng trăm cán bộ công nhân của Nhà máy đã kiên cường bám trụ với tinh thần 'Quyết tử cho nhà máy quyết sinh'.

Hình ảnh tư liệu của Nhà máy Điện Việt Trì cùng ảnh 13 liệt sĩ được để trang nghiêm tại nhà tưởng niệm.

Hình ảnh tư liệu của Nhà máy Điện Việt Trì cùng ảnh 13 liệt sĩ được để trang nghiêm tại nhà tưởng niệm.

(baophutho.vn)

- Leo thang đánh phá miền Bắc XHCN, đế quốc Mỹ đã 3 lần không kích (trong năm 1967 đến năm 1972) Nhà máy Điện Việt Trì. Hàng trăm cán bộ công nhân của Nhà máy đã kiên cường bám trụ với tinh thần “Quyết tử cho nhà máy quyết sinh”. Họ đến từ các miền quê đất nước như Lạng Sơn, Vĩnh Phú, Thái Bình, Nam Hà, Quảng Ngãi, Cần Thơ… và ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ với ước nguyện “Tất cả vì dòng điện của Tổ quốc”, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của ngành điện, tiếp thêm điểm tựa, động lực cho các thế hệ vượt khó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

“Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”
Những ngày đầu tháng 6 tiết trời nóng như đổ lửa, chúng tôi được bác Đào Khắc Thịnh - nguyên Trưởng Phòng Tổ chức Công ty Điện lực Phú Thọ đưa đi thăm Nhà truyền thống nơi ghi dấu sự đau thương mất mát nhưng cũng rất đỗi tự hào của ngành điện Phú Thọ. Ngược dòng lịch sử, trở về năm 1957 của thế kỷ trước Trung ương đã chọn Việt Trì và Thái Nguyên là 2 khu công nghiệp đầu tiên ở Miền Bắc với mục tiêu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho CNXH ở miền Bắc, làm hậu phương lớn cho miền Nam đấu tranh thống nhất nước nhà. Trong đó, Việt Trì là thành phố công nghiệp nhẹ được xây dựng theo tổ hợp kinh tế: Điện, Đường, Giấy, Hóa chất, Miến- Mỳ chính.

Vợ chồng ông bà Phượng - Nhiệm đang nhớ lại kỷ niệm với liệt sĩ Hoàng Thị Thanh là vợ trước của ông Phượng.

Vợ chồng ông bà Phượng - Nhiệm đang nhớ lại kỷ niệm với liệt sĩ Hoàng Thị Thanh là vợ trước của ông Phượng.

Vừa xây dựng vừa sản xuất, Nhà máy Điện thực hiện nhiệm vụ xây dựng theo phương châm cuốn chiếu, xây xong, vận hành luôn lò máy đến đó để cung cấp kịp thời điện, hơi nóng, nước công nghiệp cho các nhà máy Khu công nghiệp Việt Trì; đồng thời thực hiện nhiệm vụ nối lưới 110kV miền Bắc cung cấp điện năng cho nền kinh tế quốc dân. Có tầm quan trọng đặc biệt Nhà máy Điện Việt Trì đã trở thành mục tiêu bắn phá của giặc Mỹ nhằm phá hoại công cuộc xây dựng XHCN ở miền Bắc. Đối diện với không lực hủy diệt của Hoa Kỳ, CBCNV lực lượng tự vệ Nhà máy Điện Việt Trì luôn nêu cao khẩu hiệu: “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”, “Lấy nhà máy là chiến trường, công nhân là chiến sỹ, sản phẩm là chiến công”, “Bằng mọi giá bám lò, bám máy”, Giặc đến ta đánh, giặc đi lại sản xuất, quyết không để mất điện”.Cuộc chiến tranh leo thang phá hoại của đế quốc Mỹ ngày càng điên cuồng và ác liệt, Nhà máy Điện Việt Trì cũng bị thiệt hại nặng nề, ống khói bị rạn nứt, băng tải than và toàn bộ phần kiến trúc gian máy tua bin bi bị sập, nhà xử lý nước bị ngập, lò hơi bị hỏng. Để bảo toàn lực lượng, Nhà máy phải lệnh sơ tán. Chỉ trong thời gian ngắn hàng chục tấn thiết bị, máy móc được đưa khỏi khu vực trọng điểm đánh bom. Hàng trăm mét vuông nhà kho, nhà tập thể được dựng tạm giúp ổn định chỗ ăn, chỗ ở cho CBCNV vừa sản xuất vừa đánh giặc… Trong khó khăn gian khổ đã xuất hiện nhiều sáng kiến kỹ thuật, nhiều tấm gương dũng cảm kiên cường bám trụ sản xuất quyết tâm vận hành an toàn lò máy, đường dây và trạm điện. Thi đua với tuyền tuyến lớn, CBCNV Nhà máy Điện Việt Trì đã tình nguyện làm thêm ca, thêm giờ “Tất cả vì dòng điện không bao giờ tắt”.“Quyết tử cho dòng điện quyết sinh”
Chiến tranh luôn gắn liền với tổn thất hy sinh mất mát. Trong thời gian từ tháng 3/1967 đến tháng 8/1972, Nhà máy Điện Việt Trì đã có 13 CBCNV hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Các anh, các chị ngã xuống có người tuổi đời chỉ mới đôi mươi; có người để lại mẹ già và đàn con thơ dại như các anh, các chị: Thính, Duy Hùng, Thương Hùng, Đán, Hải, Mật, Bệ, Thanh, Hương, Muôn, Được, Tiếp, Thông.Chúng tôi đến thăm gia đình ông Phạm Đình Phượng- nguyên Tổ trưởng Tổ hàn Nhà máy Điện Việt Trì thường trú tại khu 6, phường Thanh Miếu, thành phố Việt Trì là chồng của liệt sỹ Hoàng Thị Thanh. Ông Phượng năm nay đã bước sang tuổi 84, sức khỏe có giảm sút một phần do tuổi cao, phần do ảnh hưởng nghề nghiệp để lại, bồi hồi kể: “12 giờ 20 phút ngày 12/3/1967 đó là ngày đau thương với gia đình tôi và anh em của Nhà máy; máy bay Mỹ quần phá trên bầu trời rồi tiếng nổ đinh tai, khói cuộn đen lưng trời, khi đó tôi đang ở nơi sơ tán, bây giờ là khu Mộ Xi, phường Tân Dân cùng 3 đứa con nhỏ, đứa lớn gần 6 tuổi, đứa nhỏ chưa đầy 18 tháng đang sốt cao. Lòng như lửa đốt, đứng ngồi không yên, tôi chỉ muốn chạy thật nhanh đến đó, linh tính mách bảo điều chẳng lành, nơi bị địch ném bom có lẽ là Nhà máy Điện, ở đó có vợ tôi và đồng đội đang vào ca...”.Hôm ấy do con sốt cao nhưng đợi mãi chưa thấy vợ về ông đổi ca cho 1 người cùng tổ để ở nhà trông con. Vừa nâng niu bằng Tổ quốc ghi công ông Phượng vừa kể: “Sau tiếng bom nổ khoảng 1 giờ có người trong Nhà máy đến hỏi tôi Thanh đã về chưa, tôi nói Thanh làm ca đêm đáng nhẽ phải giao ca lúc 8 giờ sáng nay rồi nhưng vẫn chưa thấy về. Người đồng đội ngậm ngùi nói, chị Thanh sáng nay làm thay cho chị cùng tổ vì gia đình chị đó có việc anh ạ… Ngay lúc đó tôi gửi các con rồi chạy vào Nhà máy cùng anh em tìm đồng đội và vợ trong đống đổ nát, mãi đến sáng hôm sau thi thể vợ tôi và 2 người nữa được tìm thấy đầu tiên; người thứ 11 được tìm thấy trong đống đổ nát sau 1 tháng 3 ngày. Sáng hôm đó 45 người vào ca thì 11 người vĩnh viễn ở lại…, lúc vợ tôi hy sinh còn có đứa con 3 tháng chưa chào đời, điều đó tôi phải giấu mẹ vợ vì sợ bà không chịu nổi bởi bà chỉ có Thanh là đứa con duy nhất. Sau này mẹ vợ tôi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng”.

Ân tình người ở lạiBà Nguyễn Thị Nhiệm vừa là vợ kế vừa là học trò và đồng nghiệp của ông Phượng, lúc đó mới 19 tuổi vừa học, vừa làm ở Nhà máy tham gia tìm kiếm người hy sinh và bị thương trong đống đổ nát. Bà Nhiệm chia sẻ: “Ngày đó, công đoàn phát động phong trào giúp đỡ các gia đình liệt sĩ, tôi cùng chị em thường xuyên đến nhà thân nhân liệt sĩ có chồng, vợ hy sinh mà có con nhỏ để chăm sóc các cháu cho bố mẹ vào ca. Xuất phát từ sự cảm thông sâu sắc rồi trở thành tình yêu thương chân tình, 3 con của chị Thanh- anh Phượng quấn lấy tôi, tôi đi đâu các cháu bám theo đấy. Thương các cháu nhỏ nheo nhóc ốm đau bệnh tật, thương anh Phượng gà trống nuôi con, cùng với sự động viên vun vén của các đồng chí lãnh đạo và đồng nghiệp trong Nhà máy tôi và anh Phượng nên duyên về chung một nhà trong sự vừa thương, vừa giận của cha mẹ vì họ sợ tôi tuổi trẻ sẽ không làm tròn bổn phận của người ở lại. Tôi đã luôn tự nhắn nhủ bản thân chăm sóc tốt 8 người con, 3 con của chị Thanh và 5 con của tôi và anh Phượng”. Ông Phượng nắm đôi bàn tay nhăn nheo, chai sạn của bà Nhiệm nói: “Tôi nợ bà ấy một ân tình. Bà cả một đời vì chồng, vì con”.Liệt sĩ Lê Thị Thông khi hy sinh để lại đứa con thơ dại, sau này được bà Minh Ngọc - Phó Giám đốc Nhà máy Điện Việt Trì nhận làm con đỡ đầu, nuôi nấng khôn lớn và hiện nay đã trở thành cán bộ công nhân viên ngành điện trong Thanh Hóa.Ghi nhận những đóng góp của CBCNV Nhà máy, Đảng và Nhà nước đã phong tặng Nhà máy Điện Việt Trì nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba; Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất và đặc biệt là Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.Đồng chí Nguyễn Quang Lâm - Giám đốc Công ty Điện lực Phú Thọ cho biết: “Ngày 6/1/2021, UBND tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt cho Công ty tu sửa di tích lịch sử Nhà máy Điện Việt Trì trên diện tích 900m2 với tổng mức đầu tư trên 3 tỷ đồng. Số tiền trên được đóng góp từ các CBCNV ngành Điện và của Công ty Điện lực Phú Thọ với mong muốn tu bổ, tôn tạo Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ của Nhà máy Điện trở thành một trong những điểm đến để tưởng nhớ, tri ân các thế hệ đi trước của CBCNV ngành Điện cũng như người dân trên địa bàn tỉnh. Công ty cũng đang thực hiện lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xét công nhận là di tích lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia”.

Thúy Hằng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202106/sang-truyen-thong-vung-tuong-lai-177624