Sao kê ngân hàng nghi của Hoài Linh bị phát tán, MB Bank đang kiểm tra
Ngày 24/5, trên một diễn đàn công nghệ, ảnh chụp màn hình sao kê tài khoản ngân hàng được cho là của Hoài Linh được đăng tải.
Những thông tin bị lộ gồm 27 biến động tài khoản gần nhất, nội dung chuyển khoản, số tiền giao dịch và số tham chiếu. Trong phần nội dung tin nhắn có đề cập đến số tài khoản thuộc Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB Bank) mang tên Võ Nguyễn Hoài Linh. Đây cũng là số tài khoản nghệ sĩ Hoài Linh công bố trên trang cá nhân, chuyên dùng nhận tiền từ thiện ủng hộ đồng bào miền Trung.
Theo hình ảnh đăng tải, tài khoản được cho của Hoài Linh có 4 lệnh chuyển tiền đi với nội dung lần lượt là: "MB ck tien a tai" (26,6 triệu đồng), "VO NGUYEN HOAI LINH cau linh chuyen tien" (700 triệu đồng), "MB chuyen khoan" (5 triệu đồng) và "MB a4 chuyen tien lam tu thien" (200 triệu đồng).
Bên cạnh đó có 14 nội dung chuyển khoản có nội dung cầu cứu Hoài Linh với mỗi lần chuyển khoản từ 100 đồng đến 10.000 đồng.
Trên diễn đàn, tài khoản 119Mien*** đăng tải hình ảnh sao kê kèm dòng trạng thái: "nhìn giùm 700 triệu nó đi đâu thế? Tài khoản dùng nhận tiền từ thiện mà lại đem đi làm việc riêng thì không phải trục lợi?".
Trả lời Zing, đại diện truyền thông Ngân hàng TMCP Quân Đội cho biết đã ghi nhận sự việc, đang kiểm tra và xử lý. Đồng thời, hình ảnh trên cũng đã bị xóa bỏ trên diễn đàn.
"Tùy theo quy trình của từng ngân hàng, mức độ tiếp cận của nhân viên với dữ liệu người dùng sẽ khác nhau. Một số ngân hàng, bất cứ nhân viên nào cũng có thể xem được những dữ liệu này, chỉ cần số căn cước người dùng", Trường. A, chuyên viên của một ngân hàng quốc tế lớn tại Việt Nam cho biết.
Theo ông Trường. A, số tham chiếu (ref number) trong hình ảnh được đăng tải có thể truy được số tiền đó chuyển cho ai. "Tuy vậy, chỉ nhân viên phụ trách chuyển tiền mới có thể tiếp cận dữ liệu này", ông A nói thêm.
Theo bà Đỗ Phương Quỳnh, chuyên gia Fintech từ Thượng Hải, Trung Quốc, kể cả ở ngân hàng quốc tế, nhân viên nào cũng có thể tiếp cận được sao kê của khách hàng. Nếu để thông tin này lộ ra ngoài, nhân viên đó sẽ bị thôi việc hoặc kiểm điểm. Tuy vậy, trong các trường hợp này khách hàng sẽ không nhận được đền bù.
Sự việc trên khiến dư luận chia ra hai luồng ý kiến. Một bên cho rằng việc đăng tải thông tin khách hàng như vậy ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín ngân hàng và vi phạm quyền riêng tư cá nhân. Số khác lại bất bình khi tài khoản dùng cho việc từ thiện lại được Hoài Linh sử dụng cho việc cá nhân.
Trong hệ thống ngân hàng ở nhiều quốc gia, nhân viên sẽ được phân quyền để kiểm tra thông tin tài khoản khách hàng. Tùy vào chức vụ, nhân viên đó thể kiểm tra thông tin khách hàng theo quy mô chi nhánh, vùng hoặc toàn ngân hàng. Nếu truy cập và lấy thông tin cho mục đích cá nhân, nhân viên ngân hàng có thể bị phạt và đuổi việc. Các quy định này cũng nằm trong bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp của các ngân hàng.
Theo Stuff, Năm 2018, Ủy ban Bảo mật của New Zealand đưa ra cảnh báo đối với hàng loạt ngân hàng nước này sau khi kiểm tra hoạt động. Báo cáo của ủy ban này cho thấy quy trình của nhiều ngân hàng tồn tại lỗ hổng, cho phép nhân viên bỏ qua các quy định và truy cập trái phép vào thông tin của người dùng.
Trong một vụ việc, nhân viên ngân hàng đã kiểm tra tài khoản người yêu cũ đến 500 lần trong một năm. Cô truy cập tài khoản để theo dõi hoạt động của người yêu cũ. Tuy vậy, khách hàng này không hề được ngân hàng thông báo.
Trong một trường hợp khác, nhân viên ngân hàng truy cập vào tài khoản chồng mới của vợ cũ mình để tìm địa chỉ nhà, sau đó đến gây sự. Nhân viên này đã nhiều lần vi phạm quy định về thông tin khách hàng.