Sao lùn đỏ náo động

Các nhà thiên văn học từng nghĩ rằng, các sao lùn đỏ kiểu M là những ngôi sao êm đềm. Tuy nhiên, các quan sát cho thấy họ đã nghĩ sai.

Sao lùn đỏ GJ 887 và các hành tinh.

Sao lùn đỏ GJ 887 và các hành tinh.

Trong thập niên gần đây, việc tìm kiếm các hành tinh ngoài Hệ Mặt trời đang được tăng tốc. Hiện tại, các nhà khoa học đã khẳng định sự tồn tại của hơn 4.200 ngoại hành tinh (hành tinh ngoài Hệ Mặt trời). Ngoài ra, còn 5.500 ngoại hành tinh khác đang chờ được xác nhận.

Những ngôi sao có xác suất cao sở hữu các hành tinh đá xung quanh chính là các sao lùn đỏ kiểu M. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những hành tinh này là nơi có thể sống được. Một ví dụ là GJ 887 – một trong những sao lùn đỏ kiểu M sáng nhất trên bầu trời với 2 (hoặc 3) hành tinh quay xung quanh.

Trước đây, người ta cho rằng, ngôi sao GJ 887 này là khá êm đềm và ổn định. Tuy nhiên, những nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học ở ĐH bang Arizona (Mỹ) cho thấy GJ 887 không êm đềm như giả định.

Đây là một tin không vui, bởi cách đây chưa lâu, các nhà thiên văn học đã khẳng định xung quanh GJ 887 có 2 “siêu Trái đất” với quỹ đạo có thể nằm trong khu vực có khả năng sống được - tức là khu vực mà sự sống có thể tồn tại.

Các nhà khoa học đã phân tích các bức ảnh lưu trữ do Kính viễn vọng không gian Hubble thực hiện trong dải cực tím, để xác định bản chất của GJ 887. Họ khẳng định, ngôi sao sáng lên sau mỗi giờ - điều này mâu thuẫn với quan điểm trước đây liên quan đến tính “êm đềm” của ngôi sao.

“Điều đáng chú ý là việc quan sát các ngôi sao trong ánh sáng khả kiến (như Kính viễn vọng không gian TESS đang thực hiện) không cho thấy hết bản chất tự nhiên của đối tượng. Môi trường bức xạ đầy chết chóc trên các hành tinh chỉ có thể được hiểu đầy đủ nhờ các quan sát trong dải cực tím, tương tự như các quan sát của Kính viễn vọng không gian Hubble” – bà Evgenya L. Shkolnik, trưởng nhóm nghiên cứu ở ĐH bang Arizona, cho biết như vậy.

Các phát hiện mới khẳng định rằng, các sao lùn đỏ - những ngôi sao thường xuất hiện nhiều nhất trong vũ trụ (chiếm 75% số ngôi sao trong Dải Ngân hà) có xu hướng phát ra những lượng bức xạ độc hại, có khả năng gây chết chóc trên các hành tinh quay xung quanh.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/sao-lun-do-nao-dong-hmGWfbdMg.html