Sao Mai Đinh Trang: Chỉ cần trái tim mình muốn hát…

Sau 10 năm bền bỉ theo đuổi dòng nhạc thính phòng cổ điển, ca sĩ Đinh Trang mới có một album riêng. Với chị, đó là một hành trình gian khó, nhọc nhằn nhưng cũng rất đỗi hạnh phúc.

- Chúc mừng Đinh Trang trở lại với nhiều dự án kỷ niệm 10 năm ca hát của mình. Sau nhiều thời gian chờ đợi thì cuối cùng Abum “Hát đợi anh về” của chị cũng ra mắt. Chị có thể chia sẻ gì về album?

+ Album vol2 “Hát đợi anh về” gồm 10 ca khúc cách mạng. Trong đó 7 ca khúc được phối khí theo phong cách giao hưởng thính phòng cổ điển của nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng, nhạc sĩ Trần Đức Minh, còn 3 ca khúc theo phong cách âm nhạc bán cổ điển do nhạc sĩ Cao Xuân Dũng, nhạc sĩ Phan Cường thực hiện. Đây là CD đầu tay mang phong cách âm nhạc thính phòng cổ điển - sở trường của Đinh Trang.

- Tôi biết Đinh Trang thai nghén album này từ lâu. Vì sao lại lâu như vậy, trong khi bây giờ, tôi thấy nhiều ca sĩ làm album cũng ào ào lắm?

- Tôi biết Đinh Trang thai nghén album này từ lâu. Vì sao lại lâu như vậy, trong khi bây giờ, tôi thấy nhiều ca sĩ làm album cũng ào ào lắm?

+ Để thực hiện được album này, tôi đã có 10 năm chuẩn bị. Đó là cả sự kiên định, cố gắng học tập và nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm trong quá trình làm nghề tròn 10 năm. Khi mới tốt nghiệp đại học, đoạt giải Sao mai dòng thính phòng, nhiều người đã hỏi tại sao tôi không ra album mang phong cách giao hưởng thính phòng đi, nhưng tôi không dám làm CD về thính phòng mà về dân gian. Thực sự tôi thấy dòng nhạc giao hưởng rất khó, cần có thời gian và sự rèn luyện. Trong quá trình làm việc, tôi có duyên rất lớn khi được làm việc với những nhạc sĩ lớn và trưởng thành lên rất nhiều.

- Đây là một album hát theo phong cách chuẩn mực của thính phòng cổ điển. Chị có sợ điều đó sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận khán giả, nhất là khán giả trẻ?

+ Với tôi, hát chuẩn cổ điển thật khó và cần thời gian để hoàn thiện giọng hát. Hơn nữa, những ca khúc cách mạng cũng thật khó để hát đúng tinh thần của nó khi mà tôi là thế hệ trẻ đang sống trong cuộc sống bình yên, hạnh phúc.

Bình thường tôi cũng hát nhiều ca khúc cách mạng với những phần phối khí mang phong cách âm nhạc khác, nhưng với CD lần này, tôi đã mạo hiểm sử dụng phần phối khí mang phong cách giao hưởng thính phòng được làm thành beat nhạc và sử dụng lối hát mang hơi thở kỹ thuật opera. “Hát đợi anh về” mang phong cách giao hưởng thính phòng cổ điển, tuy nhiên nó không phải là album thuần túy cổ điển, bởi những ca khúc tôi chọn không phải là những ca khúc thuần túy cổ điển như các bản Aria cổ điển của Mozart, Betthoven... Album không phải được thu âm live dàn nhạc sống.

Tôi có niềm tin rằng những khán giả trẻ dần cũng sẽ đón nhận cách hát của tôi vì những ca khúc quen thuộc, những bài ca không quên vẫn luôn luôn được khán giả Việt Nam trân trọng và yêu thích. Tôi thấy một điều khởi sắc trong những năm qua là rất nhiều bạn trẻ Việt nghe và yêu thích âm nhạc thính phòng hơn, tuy nhiên số lượng không thể đông đảo và so sánh được với các dòng nhạc khác. Điều này trên thế giới, ngay cả những nơi là cái nôi của âm nhạc cổ điển số lượng người hâm mộ cổ điển cũng ít hơn so với các dòng nhạc khác.

- Những ca khúc trong Album này đều là những bài hát nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của các nghệ sĩ đi trước. Chị có bị áp lực của thế hệ hậu sinh và Đinh Trang làm thế nào để ghi dấu ấn riêng của mình trong đó?

+ Quả thực đây là một bài toán khó từ nhiều năm trước khi tôi loay hoay tìm tòi lối đi của riêng mình. Làm sao để hát ca khúc cách mạng Việt Nam vang sáng, hơi thở của kỹ thuật opera đầy nội lực, nuột nà, tinh tế nhưng mà vẫn phải rất Việt Nam, sâu lắng, mềm mại, rõ lời khi phát âm?

Mặt khác, để thực hiện một album phối khí phong cách giao hưởng trên nền nhạc beat rất khó khăn vì tôi phải nắm bắt hòa quyện cùng bản phối có sẵn và phải làm sao để giọng hát của mình như là nhạc cụ violon trong dàn nhạc giao hưởng thật du dương.

Tôi rất tự tin khi chọn những ca khúc quen thuộc gắn liền với tên tuổi của các nghệ sĩ nổi tiếng vì tôi nghĩ dù không thể lột tả được hết tinh thần của ca khúc ấy nhưng tôi tin, chỉ cần trái tim mình muốn hát và có ý thức muốn kết nối, giữ gìn những ca khúc cách mạng thì mình sẽ không bị áp lực.

Cũng như, tôi luôn nghĩ rằng mình chỉ cần yêu và được yêu, được hát lên là hạnh phúc rồi. Tôi đã hát bằng trái tim, cảm xúc của thế hệ trẻ và những gì trong giọng hát tôi sẵn có sẽ thổi vào ca khúc một tinh thần mới với niềm tự hào dân tộc của ngày hôm nay. Mặt khác mỗi thế hệ đều có một phong cách, quan điểm sống khác nhau.

Âm nhạc luôn cần sự tiếp nối mang hơi thở của cuộc sống hôm nay. Thế hệ trẻ như chúng tôi sẽ là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, để các tác phẩm đẹp trong kho tàng âm nhạc Việt Nam sẽ sống mãi với thời gian.

- 10 năm là một chặng đường khá dài trong đời nghệ sĩ. Để có 10 năm trọn vẹn với tình yêu âm nhạc thính phòng, sống chết vì nó, chắc hẳn chị đã đi qua không ít những khó khăn?

+ 10 năm - tôi nghĩ đó là cả một chặng đường dài với ca sỹ các dòng nhạc khác nhưng lại không dài cho một ca sỹ trẻ mới bước vào sự nghiệp ca hát thính phòng bởi với tôi, hát thính phòng thực sự phải cần thời gian để học, trải nghiệm và kiên định, quyết tâm với con đường mình đã chọn. Vì thế album thính phòng trên thị trường ít hơn hẳn so với các album dân gian, nhạc nhẹ, bolero...

Đúng là 10 năm nay tôi phải rất, rất cố gắng, cố gắng hơn nhiều người để có thể hát những bài ca như ngày hôm nay. Cuộc sống xa nhà, xa quê gặp rất nhiều khó khăn, cô đơn và lắm thử thách nhưng rồi mọi thứ cũng đã vượt qua được nhờ niềm tin, hy vọng mãnh liệt ấy. Chính tình yêu lớn dành cho sự nghiệp ca hát đã giúp tôi vững tin đi con đường của mình. Ai cũng nói tôi chọn con đường gập ghềnh, khó đi và kén người đón nhận mà rất chậm... Nhưng niềm đam mê với âm nhạc thính phòng và niềm tin vào âm nhạc thính phòng sẽ luôn đóng góp những giá trị thực thụ trong đời sống âm nhạc đã giúp tôi thăng hoa.

Ca sĩ Đinh Trang trong kỳ tốt nghiệp cao học tại Học viện Âm nhạc quốc gia, 2018.

Ca sĩ Đinh Trang trong kỳ tốt nghiệp cao học tại Học viện Âm nhạc quốc gia, 2018.

- Chị có thấy đơn độc trên hành trình của mình không,,vì bây giờ, các giá trị âm nhạc dường như đang bị đảo lộn, thời đại chạy theo view, công nghệ và sự nổi tiếng đang lấn át. Thậm chí nhạc thính phòng cũng đã bị pha trộn bởi nhiều thứ?

+Trước khi liveshow của NSƯT Đăng Dương, “Mặt trời của tôi” diễn ra vào năm 2018, đôi lúc tôi cũng hoang mang và buồn vì thấy dòng nhạc thính phòng không được mọi người quan tâm. Đời sống của dòng nhạc này quá lặng lẽ, thậm chí nhiều giá trị đang bị thay đổi. Nhưng từ sau liveshow ấy, từ con đường kiên định mà anh Đăng Dương đi, tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Tôi không còn cảm thấy cô đơn nữa vì xung quanh tôi vẫn có những người luôn đi cùng và ủng hộ tôi như nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng, nhạc sĩ Trần Đức Minh và những anh chị như NSƯT Đăng Dương, ca sỹ Tố Loan, ca sỹ Phạm Khánh Ngọc...

Tôi hiểu rõ được sự khó khăn của người theo đuổi dòng nhạc này. Để có thể biểu diễn với dàn nhạc giao hưởng, yếu tố đầu tiên là giọng hát và tiếp đó là phải rèn luyện chăm chỉ cả về luyện thanh lẫn kiến thức. Đọc và học rất nhiều, phía trước vẫn là một chặng đường gian khó.

- Nghệ sĩ, không chỉ theo đuổi đam mê của mình mà ở khía cạnh nào đó, cần sự dấn thân cho cộng đồng. Những dự án tiếp theo mà chị ấp ủ để đưa âm nhạc thính phòng đến gần hơn với công chúng là gì?

+ Thật hạnh phúc khi được chia sẻ với mọi người rằng chặng đường 10 năm qua, tôi đã đi qua đủ cung bậc trong cuộc sống nhưng tôi luôn hài lòng vì mình đã chọn đúng con đường và thực hiện được ước mơ như ngày hôm nay. Nếu cho tôi quay lại tôi vẫn lựa chọn như vậy - làm ca sỹ và hát thính phòng. Tôi luôn cố gắng để có thể góp sức nhỏ bé của mình cùng nhiều nghệ sỹ khác đưa âm nhạc thính phòng gần gũi hơn với công chúng nghe nhạc. Vì thế hy vọng tôi sẽ có duyên với dự án âm nhạc thính phòng có tính chất rõ ràng, thuần túy và sâu hơn ở dòng nhạc này.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng:

Tôi nghĩ album này là một cột mốc đáng nhớ của Đinh Trang trên con đường âm nhạc. Đinh Trang rất đặc biệt, một giọng soprano có nhiều ưu thế. Chính tôi là người đã phải trả giá nhiều năm khi đi theo con đường giao hưởng thính phòng, tôi biết hầu hết cả người sáng tác và biểu diễn đều rẽ ngang làm việc khác.

Đinh Trang là một người trẻ nhưng có niềm đam mê và sự quyết tâm để đi đến đam mê của mình. Đó là điều quan trọng nhất trong con người Đinh Trang mà tôi thấy rất hiếm ở các ca sĩ - không nói đến thế hệ trước như Đăng Dương, Lan Anh - mà ở thế hệ Đinh Trang, đó là sự quyết tâm, mà hoàn toàn từ tình yêu chứ không phải vì nghĩ giao hưởng thính phòng là sang. Đó là tố chất của cô ấy, cô ấy vốn như thế. Nói giản dị như bạn yêu ai thì đi cùng người đó, không yêu người khác.

Lan Tường (thực hiện)

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/sao-mai-dinh-trang-chi-can-trai-tim-minh-muon-hat-560404/