Sao Michelin và đòn bẩy cho du lịch ẩm thực Việt Nam
Việc Michelin Guide đến Việt Nam không chỉ là niềm tự hào về một nền ẩm thực phong phú, đa dạng, giàu truyền thống mà còn bởi đây sẽ là cú huých để ẩm thực Việt Nam bước ra ánh sáng, tạo đà phát triển cho du lịch Việt.
Tháng 6 này, lễ công bố danh sách nhà hàng được MICHELIN Guide tuyển chọn tại Hà Nội & TP.HCM sẽ chính thức tổ chức ở Thủ đô Hà Nội. Người dân Việt Nam đang vô cùng háo hức với sự kiện này, vì rằng từ lâu ẩm thực Việt Nam đã được đánh giá cao bởi các chuyên trang ẩm thực tại châu Á và trên thế giới, nhưng chạm vào sao Michelin thì vẫn là câu chuyện xa vời. Việc Michelin Guide đến Việt Nam không chỉ là niềm tự hào về một nền ẩm thực phong phú, đa dạng, giàu truyền thống mà còn bởi đây sẽ là cú huých để ẩm thực Việt Nam bước ra ánh sáng, tạo đà phát triển cho du lịch Việt.
Ẩm thực Việt Nam đang thu hút du khách quốc tế
Đầu năm nay, Tạp chí Travel & Leisure đã xướng tên Việt Nam là điểm đến ẩm thực hấp dẫn nhất châu Á. Việc biến Việt Nam trở thành “bếp ăn của thế giới” đang là hướng đi mở ra nhiều kỳ vọng cho ngành công nghiệp “không khói”.
Không phải đến bây giờ mà trước đó, liên tục các chuyên trang du lịch hàng đầu thế giới xếp hạng ẩm thực Việt Nam ở vị trí cao. Việt Nam cũng đã hai lần được vinh danh là “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á” của Giải thưởng Du lịch thế giới. Mới đây nhất, TasteAtlas - trang thông tin chuyên về ẩm thực nổi tiếng thế giới đã công bố giải thưởng ẩm thực năm 2023 và xếp hạng những nền ẩm thực của các nước châu Á. Ẩm thực Việt Nam được vinh danh ở vị trí thứ 6. Chuyên trang này cũng đưa ra 5 món ăn tiêu biểu nhất của Việt Nam, gồm: Bánh mỳ, phở, chả giò, bò kho, bún bò Huế; 5 sản phẩm (về ẩm thực) tiêu biểu là cà phê đá, nước mắm Phú Quốc, cà phê Việt Nam, cà phê trứng và chả lụa.
Trước đó, vào cuối năm 2022, Giải thưởng Ẩm thực thế giới (World Culinary Awards) đã vinh danh Việt Nam là “Điểm đến ẩm thực tốt nhất châu Á 2022”, vượt qua các tên tuổi khác trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan... Cuối tháng 1/2023, chuyên trang du lịch Travel and Leisure của Mỹ cũng xếp Việt Nam là điểm đến có nền ẩm thực hàng đầu châu Á trong danh sách “Bucket List Places in Asia” năm 2023. Trong đó, ẩm thực đường phố của Việt Nam đặc biệt được vinh danh. Thậm chí, Travel and Leisure còn đánh giá: “Nếu có một nền văn hóa ẩm thực nào có vị thơm ngon, đậm đà khó cưỡng thì đó chắc chắn là ẩm thực Việt Nam”.
Chuyên trang du lịch nổi tiếng The Travel (Canada) cùng việc xếp ẩm thực Việt Nam ở vị trí thứ 5 trong danh sách bình chọn từ độc giả, còn đánh giá từng món cụ thể. The Travel tư vấn, ngoài phở, du khách đến Việt Nam có thể trải nghiệm các món như nem rán, bánh mì, cơm rang, cơm tấm...
Trong khi đó, chuyên trang du lịch Traveller (Australia) đề xuất bánh cuốn của Việt Nam là một trong 10 món ăn hấp dẫn mà du khách cần thưởng thức trong năm 2023. Chuyên trang này miêu tả cách tạo ra từng lớp bánh cuốn từ bột gạo, tráng mỏng, hấp chín, cuốn cùng nhiều loại nhân khác nhau, phổ biến là mộc nhĩ, thịt băm... Món bánh cuốn được ăn kèm với hành khô phi thơm, các loại rau gia vị và nước chấm đặc trưng cho từng vùng miền.
Ẩm thực cũng là một sản phẩm hấp dẫn các nguyên thủ hàng đầu thế giới khi đến thăm Việt Nam. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đến thăm Việt Nam năm 2016 đã chọn bún chả để thưởng thức. Thủ tướng Canada Justin Trudeau thưởng thức cà phê vỉa hè của Việt Nam khi ông đến TP. Hồ Chí Minh năm 2017. Cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã thưởng thức bánh mỳ vỉa hè tại Đà Nẵng trong dịp dự Hội nghị APEC năm 2017...
Thời gian tới, ẩm thực Việt Nam tiếp tục chờ đón một cú hích lớn khi Michelin Guide - một trong những hệ thống đánh giá ẩm thực uy tín và danh giá nhất thế giới đã cập bến Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới cho thấy, 87% số tổ chức khi được hỏi đều xác định du lịch ẩm thực là yếu tố chiến lược đối với điểm đến. Ông Junichi Yoshida - Bếp trưởng Nhà hàng Koki, Khách sạn Capella Hanoi cho biết: “Khi tôi giành sao Michelin thì điều lớn nhất mà tôi nhận thấy đó là rất nhiều khách đến với nhà hàng, đặc biệt là khách quốc tế”.
Theo Tổ chức du lịch ẩm thực thế giới, hơn 80% du khách quốc tế có nhu cầu tìm hiểu ẩm thực địa phương tại điểm đến. Thêm vào đó, họ sẵn sàng dành trung bình 25% chi phí du lịch để chi tiêu cho ẩm thực. Điều này chứng minh sức hấp dẫn của ẩm thực trong việc thu hút và tăng chi tiêu của du khách quốc tế.
Theo nhận xét chung của các chuyên gia ẩm thực thế giới, ẩm thực Việt ghi điểm nhờ sự phong phú về nguyên liệu, tinh tế ở khâu chế biến. Các món ăn Việt thường được chế biến đơn giản nhưng tinh tế, dùng nhiều rau, quả, củ, không nhiều thịt, cũng không dùng quá nhiều dầu mỡ. Khi chế biến thức ăn, người Việt thường dùng nước mắm để nêm nếm, kết hợp với nhiều gia vị tự nhiên... nên món ăn đậm đà nhưng lại rất thanh. Mỗi món khác nhau thường có nước chấm tương ứng. Ẩm thực Việt Nam đang ngày càng khẳng định chỗ đứng trên “bản đồ ẩm thực” thế giới, trong đó có nhiều món ngon đã tạo được thương hiệu với du khách quốc tế...
“Bệ phóng” cho du lịch quốc gia từ những ngôi sao Michelin
Hơn một thế kỷ tồn tại, Michelin Guide được ví như “cuốn kinh thánh của ẩm thực”. Sở dĩ cuốn sách nhỏ màu đỏ này quyền lực đến vậy bởi nó chứa đựng những giá trị cốt lõi, để ẩm thực không dừng lại ở việc thưởng thức món ngon mà còn là một thú chơi công phu, một hành trình trải nghiệm khởi đầu bằng sự cầu kỳ, tinh tế, khắt khe, chuẩn mực và khép lại bằng sự mãn nguyện, hài lòng.
Được các thẩm định viên giấu mặt đánh giá độc lập, theo một bộ quy tắc gồm năm tiêu chí nghiêm ngặt được áp dụng thống nhất trên toàn thế giới (đề cao chất lượng nguyên liệu sử dụng, kỹ thuật nấu điêu luyện, sự hài hòa trong hương vị, cá tính của đầu bếp được thể hiện trong món ăn và chất lượng ổn định theo thời gian), Michelin Guide luôn cam kết “cung cấp cho du khách quốc tế và thực khách địa phương những nhà hàng tốt nhất, tại các điểm đến ẩm thực xuất sắc nhất nhằm tôn vinh nền ẩm thực thế giới và quảng bá du lịch”.
Từ bộ quy tắc này, Michelin Guide phân chia thành ba cấp độ sao. Một sao Michelin có nghĩa là nhà hàng có chất lượng tốt, đáng để dừng chân. Hai sao đồng nghĩa nhà hàng có chất lượng xuất sắc, đáng để vượt một quãng đường xa tới thưởng thức. Ba sao, cấp bậc cao nhất chứng tỏ chất lượng vượt trội, xứng đáng là phần thưởng cho một chuyến đi đặc biệt.
Sự hiện diện của Michelin Guide được kỳ vọng sẽ là lời giải cho bài toán lan tỏa của ẩm thực Việt. Thực tế cho thấy, ở tất cả những vùng đất Michelin dừng chân, khi cuốn Michelin Guide đầu tiên trình làng, ẩm thực của vùng đất đó sẽ nhanh chóng được “phủ sóng” toàn cầu với một vị thế mới.
Đại diện Michelin Guide, bà Elisabeth Boucher-Anselin nhận định: “Chúng tôi đã quan sát Việt Nam trong một thời gian khá dài, dõi theo sự phát triển ẩm thực của quốc gia này và nhận thấy sự thăng hoa của nền ẩm thực tại đây. Bằng cách tới đây, chúng tôi sẽ đóng góp phần tạo nên sức hấp dẫn của điểm đến cũng như hành trình khám phá nền ẩm thực của đất nước này. Chúng tôi cũng hy vọng Michelin Guide sẽ góp phần nâng cao giá trị và tạo cảm hứng cho nhiều chuyên gia tài năng, những người đang định hình ngành công nghiệp nhà hàng địa phương và nhờ đó sẽ có tác động tích cực đến sức hấp dẫn của lĩnh vực này”.
Theo ông Francis Attrazic - Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực bậc thầy Pháp, sao Michelin sẽ giúp nhà hàng được vinh danh tăng doanh thu khoảng 30%. Khảo sát chung về Michelin Guide, cho thấy có tới 67% du khách chọn điểm đến “có Michelin”.
Còn theo nghiên cứu của dịch vụ kiểm toán chuyên nghiệp quốc tế Ernst&Young, 57% du khách sẽ kéo dài thời gian lưu trú tại địa danh đến “có Michelin”. Những con số đáng mơ ước này không chỉ giúp nhà hàng tăng lợi nhuận mà còn mở ra cơ hội để ẩm thực Việt là điểm dừng chân của nguồn nhân lực chất lượng cao, là thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư, từ đó mang đến những thay đổi cả về “chất” và “lượng” cho ngành ẩm thực. Với những người trong ngành du lịch, một khi Michelin đã công bố danh sách chọn lựa của họ tại Việt Nam, bệ phóng mới cho du lịch quốc gia cũng sẽ được bắt đầu từ đây.
Tuy nhiên, Michelin luôn tìm kiếm những giá trị độc bản trong nghệ thuật thưởng thức và lan tỏa nó ra toàn thế giới nên đây sẽ là cơ hội để ẩm thực Việt dần định hình những chuẩn mực mới, khắt khe, cầu kỳ và tinh tế hơn. Hành trình này bắt buộc ẩm thực Việt phải quay về với giá trị cốt lõi, đặt chất lượng là tôn chỉ hàng đầu.
Cơ hội đã mở ra nhưng làm thế nào để các cơ sở ăn uống, nhà hàng tại Việt Nam vượt qua quá trình thẩm định vốn nổi tiếng khắt khe của Michelin? Câu trả lời chỉ có thể là chất lượng. Thay vì thỏa hiệp chạy theo lợi nhuận, xuề xòa và dễ dãi trong việc lựa chọn nguồn nguyên liệu hay trong cả thái độ phục vụ thực khách, ẩm thực Việt cần hướng đến những chuẩn mực cao hơn để làm chủ sự tinh tế, đồng thời chọn cho mình những cá tính ẩm thực không lẫn vào đâu được.
Chỉ khi tạo dựng được bản sắc, làm chủ bản sắc đó và xây dựng nó trở nên khác biệt, khi ấy sao Michelin sẽ là đòn bẩy để ẩm thực Việt khẳng định tầm vóc và bước lên một tầm cao mới.