'Sao vuông' Cẩm Mỹ xung kích xóa nghèo

Đứng trước trang trại kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm và hệ thống ao nuôi cá, anh Dương Văn Định, chiến sĩ dân quân cơ động ở thôn Mỹ Hà, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) phấn khởi nói: Sau 5 năm tham gia tổ chăn nuôi thuộc mô hình 'Tổ xung kích xóa nghèo' của Ban CHQS xã Cẩm Mỹ, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo và đến nay, tôi đã nắm chắc một số kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Được biết, năm 2014 hoàn thành nghĩa vụ quân sự, về địa phương anh tham gia trung đội dân quân cơ động và tổ chăn nuôi của Ban CHQS xã. Với số vốn 30 triệu đồng vay từ tổ chăn nuôi, cộng với vay anh em, bạn bè được hơn 100 triệu đồng, anh bắt tay vào làm trang trại chăn nuôi. Đến nay, mỗi năm, gia đình anh cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Còn với anh Bùi Đức Quân, chiến sĩ dân quân tại chỗ thôn Mỹ Đông sau 4 năm tham gia tổ trồng rừng, hiện nay, gia đình anh có hơn 3ha rừng tràm cùng với vườn ươm, trung bình hằng năm cấp ra thị trường hơn 10 vạn cây giống. Ngoài ra, từ số tiền thu nhập trồng rừng và vay thêm ngân hàng, gia đình anh mua sắm phương tiện nhận thu mua nguyên liệu cho bà con trên địa bàn.

 Tổ trồng rừng dân quân xã Cẩm Mỹ ươm cây giống.

Tổ trồng rừng dân quân xã Cẩm Mỹ ươm cây giống.

Đồng chí Nguyễn Đình Phú, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Cẩm Mỹ cho biết: “Đặc thù địa phương chúng tôi là một xã miền núi, hầu hết thanh niên lớn lên đều đi làm ăn xa nên việc xây dựng lực lượng dân quân và công tác tuyển gọi công dân nhập ngũ hằng năm gặp nhiều khó khăn. Làm thế nào để “giữ chân” thanh niên ở lại lập nghiệp trên chính quê hương mình là bài toán khó đối với cấp ủy, chính quyền và Ban CHQS xã. Trong lúc đó, quỹ đất của địa phương rất dồi dào. Từ phong trào giúp đỡ những chiến sĩ dân quân gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn trong mùa huấn luyện, năm 2012, chúng tôi thành lập các tổ xung kích xóa nghèo, gồm tổ chăn nuôi, tổ xây dựng, tổ trồng rừng. Phương châm hoạt động của các tổ xung kích là mỗi thành viên góp vào quỹ một số vốn để những đồng chí hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu phát triển kinh tế lần lượt vay không lấy lãi và tập trung giúp ngày công lao động, xây dựng trang trại, cung cấp cây, con giống, thu mua sản phẩm…”.

Những ngày đầu thành lập, mỗi tổ xung kích xóa nghèo của Ban CHQS xã Cẩm Mỹ có 7 thành viên tham gia, đến nay, có tổ đã lên tới hơn 20 người. Nhiều đồng chí từ diện hộ nghèo, sau một thời gian tham gia các tổ xung kích đã vươn lên thoát nghèo và có trang trại trị giá hàng trăm triệu đồng. Không chỉ giúp các thành viên trong tổ mà những năm qua, tổ xung kích xóa nghèo Cẩm Mỹ còn hướng dẫn kỹ thuật, giúp đỡ một số gia đình anh em dân quân không tham gia các tổ xung kích và những hộ dân gặp khó khăn, hoạn nạn trong phát triển kinh tế. Được biết, hiện nay, Ban CHQS xã Cẩm Mỹ đang xây dựng đề án thành lập hợp tác xã để cung cấp cây giống và bao tiêu sản phẩm nguyên liệu trồng rừng cho bà con địa phương.

“Hiệu quả từ mô hình các tổ xung kích xóa nghèo không những giúp gia đình chiến sĩ dân quân trong xóa đói giảm nghèo mà còn trực tiếp nâng cao chất lượng công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Đồng thời, từ mô hình này đã tạo sức lan tỏa đối với các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương chúng tôi trong phong trào giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình. Đến nay, các đoàn thể như: Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ... đã xây dựng nhiều mô hình giúp nhau xóa đói giảm nghèo”-ông Lê Quang Nghĩa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ nói.

Bài và ảnh: PHÙNG NGỌC THĂNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/sao-vuong-cam-my-xung-kich-xoa-ngheo-604520