Sắp ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho thiết bị camera giám sát
Khoảng 90% camera giám sát tại Việt Nam nhập khẩu từ nước ngoài. Một số dòng camera hoạt động theo cơ chế cloud, kết nối về server đặt tại nước ngoài. Người dùng ở Việt Nam phải 'vòng' qua server này trước khi kết nối vào camera của mình…
Ngày 22-5, Báo VietNamNet phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức tọa đàm “Tiêu chuẩn an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát”.
Phó Tổng Biên tập Báo VietNamNet Võ Đăng Thiên cho biết, camera là sản phẩm rất nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lộ lọt thông tin. Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát. Đây là yêu cầu cấp thiết để bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
Chia sẻ tại tọa đàm, các chuyên gia, doanh nghiệp cho biết, năm 2023, doanh thu thị trường camera giám sát tại Việt Nam là 175 triệu USD - tương ứng 6 triệu camera. Hiện, ước tính có 15 triệu camera đang sử dụng.
Tuy nhiên, 90% camera giám sát tại Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc. Một số dòng camera hoạt động theo cơ chế cloud (đám mây), kết nối máy chủ “server” đặt tại nước ngoài. Người dùng ở Việt Nam phải “vòng” qua server này trước khi kết nối vào camera.
Thông tin thêm, ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT Technology) cho hay, người dân thường sử dụng camera không rõ nguồn gốc, có nguy cơ mất an toàn thông tin. "Các thiết bị nhìn rất đơn giản nhưng có thể là thiết bị gián điệp, có hệ điều hành, có phần mềm, có ghi âm, có hình ảnh, có thể gửi các thông tin của người dùng ra ngoài và nguy cơ mất an toàn rất nghiêm trọng, cần phải kiểm soát", ông Bằng nói.
Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia Vũ Ngọc Sơn cũng chia sẻ, trên thế giới đã có những vụ tấn công vào camera rất lớn. Ở Việt Nam, tuy chưa ghi nhận vụ việc lớn nhưng báo động tình trạng nguy cơ mất an toàn thông tin từ camera.
"Chẳng hạn, số camera có mật khẩu yếu, mật khẩu mặc định chiếm tỷ lệ hơn 70%. Năm 2023, tin tặc rao bán 800.000 đồng quyền truy cập 15 camera. Số lượng camera được rao bán quyền truy cập lên tới hàng trăm nghìn", ông Sơn thông tin.
Các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cho rằng, cần phải trang bị kỹ năng và nâng cao nhận thức của người dùng; chọn camera có xuất xứ rõ ràng, có công bố nơi lưu trữ video và có chính sách bảo mật dữ liệu rõ ràng. Đặc biệt, người dùng đổi mật khẩu ngay khi được bàn giao, thường xuyên theo dõi, cập nhật bản vá phần mềm.
Cơ quan, tổ chức, cần có quy định, quy trình bảo đảm an ninh cho camera (mật khẩu, phân quyền, vị trí lắp, lưu trữ video…); đánh giá định kỳ hệ thống camera an ninh; cập nhật thường xuyên các bản vá lỗi…
Tại tọa đàm, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin Trần Đăng Khoa cho hay, sau khi ban hành Bộ Tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho thiết bị camera giám sát.
Dự kiến, quy chuẩn này sẽ được ban hành trong năm 2024. Khi đó, tất cả camera được sản xuất ở Việt Nam và camera nhập khẩu, bắt buộc phải được kiểm định, chứng nhận hợp quy mới đủ điều kiện đưa ra thị trường…