Sập bẫy đầu tư online vì ham lợi nhuận khủng
Với lời giới thiệu, chỉ cần đầu tư 19 triệu đồng ban đầu, sau thời gian một tháng, người đầu tư sẽ được trả lại 39 triệu đồng (gốc và lãi), gần gấp đôi số tiền gốc, điều này khiến nhiều người ở Thanh Hóa dù không đủ tiền vẫn vay mượn thử vận may… Tuy nhiên, lợi nhuận chưa thấy đâu nhưng số tiền gốc đưa ra đầu tư là hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đã một đi không bao giờ trở lại!
Khoảng tháng 7/2023, một đối tượng là người Thanh Hóa và các địa phương khác về thành phố Thanh Hóa tổ chức hội thảo, truyền thông và cam kết về hiệu quả khi đầu tư dự án Điện gió ORSTED (Dự án điện gió ngoài khơi) của Đan Mạch. Theo giới thiệu của các đối tượng trên, chủ đầu tư Dự án điện gió ngoài khơi đang huy động nguồn vốn hàng ngàn tỷ đồng trên toàn thế giới. Theo đó, khi bỏ tiền đầu tư theo các gói được mặc định (về số tiền), và khoảng thời gian nhất định (15 ngày, 20 ngày, 30 ngày...), người đầu tư sẽ được trả lãi khủng, thậm chí gần gấp đôi số tiền gốc khi nộp vào.
Đặc biệt, để tăng niềm tin cho người tham gia hội thảo, các đối tượng trưng ra hợp đồng công ty đã mua bảo hiểm của Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA, tránh rủi ro cho khách trong quá trình đầu tư. Cụ thể, nếu đầu tư không hiệu quả hoặc bị thiệt hại bên bảo hiểm sẽ có trách nhiệm đền lại số tiền tham gia đầu tư…
Ngoài ra, các đối tượng còn cho biết thêm, công ty thành lập từ năm 2017, có trụ sở chính tại Hà Nội, hiện có nhiều người con em Thanh Hóa đã đầu tư, nhận được lãi suất cao nên những người tham gia hội thảo càng vững tin dốc “hầu bao”… Thế nhưng, đến ngày 8/11/2023, toàn bộ số tiền đầu tư vào dự án trên của người người tham bị chiếm đoạt, hệ thống app bị hủy hoàn toàn, lúc này số điện thoại của những đối tượng cầm đầu chi nhánh Thanh Hóa cũng trong tình trạng không thể liên lạc được.
Đang công tác ở một xã trên địa bàn huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, thông qua bạn bè giới thiệu, ngày 18/10/2023, anh D.T.D (SN 1965) đã đến thành phố Thanh Hóa tham dự hội thảo về đầu tư Dự án điện gió ngoài khơi. Tại buổi hội thảo, anh D và những người tham dự được nghe giới thiệu sơ bộ về công ty, phương thức hoạt động và các gói đầu tư tại dự án mang lại lợi nhuận cao, trong thời gian ngắn. Sau buổi hội thảo, anh D. thử vận may bằng cách nộp số tiền 19 triệu đồng thông qua tài khoản ngân hàng của ông Lê Bá S (một trong những đầu mối ở Thanh Hóa), với khoản đầu tư trên, đến ngày 19/11, anh D sẽ được trả về tài khoản là 39 triệu đồng (gốc và lãi). Tuy nhiên, khi chưa hết thời gian đầu tư thì ngày 8/11, toàn bộ các hoạt động thông qua hệ thống app của đơn vị đầu tư đã ngưng hoạt động hoàn toàn, điện thoại của đầu mối nộp tiền cũng không thể liên lạc được, anh D nói.
Cùng tham dự buổi hội thảo với anh D, bà L.T.X (SN 1964), trú tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đã tham gia 2 gói đầu tư và mất số tiền gần 30 triệu đồng. Theo lời bà X ban đầu bà đầu tư gói 19 triệu, thời gian đầu tư là một tháng, khi nhận về sẽ được 39 triệu cả gốc lẫn lãi. Thời gian sau đó, qua giới thiệu của những người đã đầu tư, bà X vay thêm tiền đầu tư 9 triệu, thời gian đầu tư là 25 ngày, khi nhận về sẽ được 13,5 triệu cả gốc lẫn lãi.
Trong số những người phản ánh sự việc nói trên với phóng viên, anh L.X.H (SN 1987), trú ở huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa là người mất số tiền nhiều nhất, hơn 500 triệu đồng. Trước thời điểm sập hệ thống app, anh H chỉ mới nhận về được khoảng 30 triệu tiền lãi. Kể lại sự việc với phóng viên, anh H cho hay: “Em tham gia đầu tư dự án thông qua một người chị thân quen tên là Đ.T.L cùng trú ở huyện Cẩm Thủy. Sau khi được giới thiệu dự án đầu tư, ngày 16/10/2023, em tham gia gói đầu tư đầu tiên là 20 triệu đồng, em chỉ đóng 8,7 triệu đồng, số còn lại công ty cho vay, gói này cứ 15 ngày trả lãi một lần, em đã nhận về 4 triệu tiền lãi. Tiếp đó, em mượn Căn cước công dân của những người khác và đầu tư thêm nhiều gói nhưng chưa đến thời hạn trả lãi thì hệ thống sập, mất trắng toàn bộ”.
Theo lời anh L.X.H, khi tham gia đầu tư, khách hàng chỉ cần chụp Căn cước công dân mặt trước và số điện thoại liên lạc để lập tài khoản. Quá trình tham gia, khách hàng có thể lựa chọn nhiều gói đầu tư, thấp nhất là gói 500.000 đồng, tiếp đến các gói 10 triệu, gói 20 triệu, gói 100 triệu, gói 200 triệu… có gói cao lên đến 2 tỷ đồng; tùy các gói sẽ có lãi suất tương ứng theo ngày, theo tuần, hoặc theo tháng. Đơn cử, tham gia gói 60 triệu, lãi trả về hàng ngày là 1.050.000 đồng. Đặc biệt, hàng ngày những người tham gia đầu tư sẽ được tham gia quay số trúng thưởng, số tiền thưởng sẽ được chuyển về tài khoản và rút ra rất thuận lợi.
Tại thời điểm trao đổi sự việc với phóng viên, những người tham gia đã cung cấp nhiều clip ghi lại hình ảnh ông L.B.S và một số người khác ngồi giữa bàn uống nước với những cọc tiền mệnh giá 500.000 đồng xếp cao ngất ngưởng rồi nói những lời hoa mỹ về khoản lợi nhuận vừa được công ty chi trả. Những người trong các clip đều khẳng định, họ đã may mắn bắt gặp được cơ hội kiếm tiền hiếm có và mong muốn có thêm nhiều người tham gia đầu tư, làm giàu nhanh chóng.
Mới đây, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA (Việt Nam) đưa ra thông báo: “Thời gian vừa qua, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA (Việt Nam) có nhận được thông tin của một số cá nhân/nhà đầu tư cá nhân tham gia các hợp đồng đầu tư trực tuyến với Công ty TNHH Orsted Việt Nam (Orsted Việt Nam) trên nền tảng internet, kèm bản chụp hợp đồng trực tuyến giữa các cá nhân/nhà đầu tư cá nhân này với Orsted Việt Nam, trên đó có hình con dấu của AIA Việt Nam. Về việc này, AIA Việt Nam khẳng định, chúng tôi không có bất kỳ sự hợp tác hay mối quan hệ nào với Công ty TNHH Orsted Việt Nam, cũng như không tham gia bảo lãnh cho bất kỳ hợp đồng đầu tư nào của tổ chức này”.
Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Toán - Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa: Hoạt động của loại tội phạm trên không gian mạng ít bộc lộ mà hầu hết được phát hiện khi bị hại trình báo nên công tác phát hiện tội phạm gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, đối tượng ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước và ở nước ngoài nên rất khó khăn trong công tác thu thập, xác minh tài liệu, củng cố chứng cứ. Ngoài ra, tội phạm sử dụng công nghệ cao thường hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia, có sự móc nối chặt chẽ, có trình độ khoa học công nghệ, sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm che giấu các hành vi phạm tội. Do vậy, người dân cần thường xuyên cập nhật các thông tin về tội phạm đã được cơ quan Công an, cơ quan truyền thông đăng tải trên hệ thống phát thanh, truyền hình, trên mạng xã hội…, nhất là phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội để tự phòng tránh.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tai-chinh-40/sap-bay-dau-tu-online-vi-ham-loi-nhuan-khung-i716501/