Sắp cán mốc một triệu ca Covid-19, châu Âu vẫn trong 'tâm bão'

Sau khi một số nước châu Âu quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế và nối lại các hoạt động kinh tế dù số ca bệnh và tử vong do Covid-19 trong nước vẫn ở mức cao, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lưu ý, không có con đường nào đưa cuộc sống nhanh chóng trở lại bình thường. WHO đã đưa ra các tiêu chí quan trọng để các chính phủ xem xét khi cân nhắc nới lỏng biện pháp hạn chế.

Người phụ nữ đi mua cây và dụng cụ làm vườn tại Áo. (Ảnh: DPA)

Người phụ nữ đi mua cây và dụng cụ làm vườn tại Áo. (Ảnh: DPA)

Sau khi đánh giá tình hình dịch bệnh và kinh tế của đất nước, mới đây các quốc gia châu Âu đã có động thái khác nhau liên quan đến chính sách thực hiện các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại.

Châu Âu từng bước nối lại hoạt động kinh tế

Là quốc gia có số người chết do Covid-19 chiếm khoảng 25% tổng số ca tử vong của châu Âu trong đại dịch này, Italy vẫn duy trì biện pháp phong tỏa trên phạm vi rộng lớn. Tuy nhiên, nước này đã dỡ bỏ biện pháp hạn chế đối với hai loại cửa hàng là cửa hàng văn phòng phẩm và cửa hàng bán quần áo trẻ em vào ngày 14-4.

Tại Tây Ban Nha, quốc gia đang có số ca nhiễm cao nhất châu Âu (182.816 ca), ngành xây dựng và sản xuất đã hoạt động trở lại từ ngày 13-4. Song, chính phủ thông báo biện pháp hạn chế đi lại trên toàn quốc vẫn có hiệu lực ít nhất đến ngày 26-4.

Trong khi đó, Pháp và Anh, hai nước có số ca tử vong vượt mức 10 nghìn, đều có kế hoạch kéo dài các biện pháp hiện nay. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, trường học và các cửa hàng sẽ dần mở cửa trở lại từ ngày 11-5, tuy nhiên, nhà hàng ăn, khách sạn, quán cà-phê và rạp chiếu phim sẽ đóng cửa lâu hơn. Còn tại Anh, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock vừa khẳng định, vẫn còn quá sớm để nước này dỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, sẽ cho phép các cửa hàng có diện từ 800 m2 trở xuống, đại lý bán xe hơi và xe đạp hoạt động trở lại từ ngày 20-4, sau đó các trường học sẽ mở cửa từ ngày 4-5.

Tại Áo, các cửa hàng không thiết yếu nhỏ hơn 400 m2, nhà vườn và cửa hàng bán linh kiện được mở cửa từ ngày 14-4. Cửa hàng có diện tích lớn hơn, trung tâm thương mại và tiệm tóc có thể sẽ đón khách trở lại từ ngày 1-5 nếu các ca bệnh không tăng nhanh.

Đan Mạch, một trong những nước đầu tiên công bố biện pháp hạn chế tại châu Âu, đã mở lại các trung tâm trông trẻ và trường học cho học sinh từ lớp 1 đến 5 vào ngày 15-4. Mọi biện pháp hạn chế khác sẽ có hiệu lực ít nhất đến ngày 10-5. Ba Lan sẽ dần nới lỏng biện pháp phong tỏa từ ngày 19-4, nhưng vẫn duy trì đóng cửa biên giới ít nhất đến ngày 3-5.

Một số tiêu chí quan trọng khi nới lỏng biện pháp hạn chế

Trong cuộc họp báo ngày 16-4, Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge cảnh báo “những đám mây mưa” của đại dịch Covid-19 vẫn phủ kín bầu trời châu Âu. Theo các thống kê, số ca bệnh Covid-19 tại đây vẫn tiếp tục tăng. Trong 10 ngày qua, tổng số ca bệnh ở châu Âu tăng gần gấp hai lần. Hiện, “lục địa già” sắp cán mốc một triệu ca bệnh Covid-19, trong đó hơn 89.100 người đã tử vong. Điều này có nghĩa khoảng 50% gánh nặng của đại dịch Covid-19 đang rơi vào châu Âu.

Trong bối cảnh một số nước bắt đầu nới lỏng hoặc cân nhắc nới lỏng biện pháp hạn chế cũng như mở cửa trở lại trường học và một số lĩnh vực, ông Kluge cho rằng, điều vô cùng quan trọng là các chính phủ phải hiểu được tính phức tạp và bất chắc của sự chuyển đổi này. Tuy nhiên, WHO thừa nhận rằng các chính sách giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đang ảnh hưởng tới đời sống và sinh kế của người dân.

“Người dân có lý khi đặt ra câu hỏi: “Chúng tôi phải chịu đựng ở mức độ nào và trong bao lâu?”. Đáp lại, WHO, các chính phủ và giới chức y tế phải đưa ra được câu trả lời làm rõ thời gian, điều kiện và cách thức cân nhắc về một sự chuyển đổi an toàn”, ông Kluge nói.

Theo Giám đốc WHO khu vực châu Âu, bất cứ quyết định dỡ bỏ biện pháp phong tỏa nào đều phải bảo đảm một số tiêu chí quan trọng hàng đầu, gồm: sự lây nhiễm Covid-19 trong nước đang được kiểm soát, nguy cơ bùng phát dịch bệnh đã được giảm xuống mức thấp nhất và hệ thống y tế có năng lực xác định, xét nghiệm, truy tìm và cách ly ca bệnh Covid-19.

Ông Kluge nói: “Chúng ta (châu Âu) vẫn ở trong mắt bão... Nếu bạn không chắc chắn bảo đảm được những tiêu chí này trước khi nới lỏng các biện pháp hạn chế, thì tôi kêu gọi bạn hãy suy nghĩ lại”. Ông lưu ý, không có con đường nào đưa cuộc sống nhanh chóng trở lại bình thường.

HOÀNG HÀ

Theo Reuters, Guardian

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44108402-sap-can-moc-mot-trieu-ca-covid-19-chau-au-van-trong-%E2%80%9Ctam-bao%E2%80%9D.html