Sập cầu Phong Châu: Trách nhiệm pháp lý đặt ra khi nào?

Trường hợp kết quả xác minh, cầu Phong Châu sập là do thiên tai, không có lỗi của ai cả, vấn đề trách nhiệm pháp lý sẽ không được đặt ra.

Tối ngày 9/9, các cơ quan chức năng vẫn đang khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ.

Vụ sập cầu Phong Châu xảy ra khoảng 10h ngày 9/9. Theo báo cáo sơ bộ, tại thời điểm cầu Phong Châu bị sập, trên cầu có 5 xe ô tô đang lưu thông và bị rơi xuống sông, gồm: 1 xe tải đầu kéo, 1 xe tải và 3 xe ô tô con; 4 xe máy (3 xe máy, 1 xe máy điện) với tổng cộng 9 người. Nguyên nhân sập cầu, theo Sở GTVT Phú Thọ là do nước chảy xiết.

Theo dõi diễn biến vụ việc trên, TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, vụ sập cầu Châu Phong là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhiều người, làm gián đoạn giao thông.

 Hình ảnh cầu Phong Châu bị sập.

Hình ảnh cầu Phong Châu bị sập.

Cơ quan chức năng sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ giúp đỡ những người bị nạn, đồng thời sẽ xác minh làm rõ nguyên nhân của vụ việc để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo luật sư Cường, việc xác định nguyên nhân cầu Phong Châu bị sập sẽ làm cơ sở xác định trách nhiệm pháp lý.

Nếu do hành vi có lỗi của tổ chức, cá nhân thì tổ chức, cá nhân có lỗi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy, cây cầu sập là do thiên tai, không có lỗi của ai cả, vấn đề trách nhiệm pháp lý sẽ không được đặt ra.

Để làm rõ nguyên nhân của vụ sập cầu, cơ quan chức năng cần phải làm rõ cả quá trình từ khi thiết kế, tổ chức thi công, nghiệm thu, đưa vào sử dụng, quá trình sửa chữa, duy tu bảo dưỡng và làm rõ tại thời điểm phương tiện di chuyển qua cầu dẫn đến cầu sập, trọng tài của các phương tiện này như thế nào.

Cây cầu đã sập xuống dòng sông chảy xiết, công tác cứu hộ cứu nạn đang được triển khai, việc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc cũng là nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, sẽ không dễ dàng và phải mất thời gian khá dài mới có kết luận chính xác.

Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy quá trình thiết kế, thi công, sửa chữa, duy tu bảo quản không đảm bảo quy định pháp luật là nguyên nhân khiến cho cây cầu bị sập, cơ quan tổ chức cá nhân vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nếu nguyên nhân sập cầu là do xe chở quá tải, người điều khiển phương tiện quá tải đi qua cầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nếu còn sống có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp kết quả xác minh cho thấy không có tổ chức, cá nhân nào vi phạm trong công tác quản lý, sửa chữa, duy tu và trong quá trình thiết kế, thi công không có sai sót, sự việc sẽ được xác định là sự biến, do thiên tai gây ra.

Vụ sập cầu xảy ra khi lũ trên sông chảy xiết có thể cũng là nguyên nhân chính hoặc nguyên nhân tác động đến vụ sập cầu này. Việc làm rõ nguyên nhân cây cầu bị sập sẽ là căn cứ để giải quyết hậu quả pháp lý, làm cơ sở để xem xét các chính sách hỗ trợ cũng như trách nhiệm của các cơ quan tổ chức cá nhân theo quy định của pháp luật.

Đối với những cây cầu cũ, đã sử dụng nhiều năm thì cần phải có duy tu bảo quản, sửa chữa, đánh giá chất lượng để có những giải pháp bảo vệ cây cầu cũng như đảm bảo an toàn cho những người tham gia giao thông qua cầu. Đặc biệt là trong mùa mưa bão, việc kiểm tra các công trình giao thông để đảm bảo an toàn trong mùa bão, tránh những vụ sập cầu, sạt lở đất xảy ra là rất quan trọng.

Mời độc giả xem thêm video Sập cầu Phong Châu - Phú Thọ, chưa rõ thiệt hại:

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/sap-cau-phong-chau-trach-nhiem-phap-ly-dat-ra-khi-nao-2029921.html