'Sắp chữ chì'- Một thời để nhớ
BHG - Cầm trên tay tờ báo Hà Giang với thiết kế, màu sắc in đẹp, nội dung phong phú, không phải ai cũng biết làm lên thành công đó là sự nỗ lực của Ban biên tập, mỗi phóng viên, biên tập viên, họa sỹ maket… mà còn phải kể đến sự góp sức của những người thợ “Nhà in”.
Ngày 13.4.2025, ghi dấu chặng đường 61 năm xây dựng, trưởng thành của Báo Hà Giang. Xuyên suốt hành trình ấy, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Hà Giang không ngừng vượt khó, đổi mới, sáng tạo; thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Luôn đồng hành cùng Báo Hà Giang, góp phần đổi mới chất lượng của tờ báo, đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí của người đọc; phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương - đó chính là Công ty Cổ phần In Hà Giang mà nhiều người thường gọi với cái tên thân mật “Nhà in”.

Các kỹ thuật viên chế bản điện tử tại tòa soạn năm 2003. Ảnh: TƯ LIỆU
Công nghệ in báo đổi mới theo xu thế phát triển, nhưng đã có một thời, để tờ báo đến tay bạn đọc, phải trải qua công đoạn “sắp chữ chì”, công việc đến bây giờ chỉ còn lại trong ký ức của thế hệ những người làm báo thời trước. Khi chưa có công nghệ chế bản in điện tử, khâu đầu tiên trong công nghệ in báo là sắp chữ chì. Khi bản thảo tin, bài, ảnh được biên tập và đánh máy, rồi họa sỹ vẽ maket. Bản ma két sau khi được Ban biên tập duyệt sẽ được chuyển sang Nhà in.
Tại Nhà in hồi ấy, các mẫu tự, theo từng kiểu chữ, cỡ chữ khác nhau để in báo đều được đúc bằng kim loại chì. Các chữ được đựng trong những khay chữ, mỗi khay chữ chia ra thành mỗi ô nhỏ đựng một chữ riêng theo thứ tự a, b, c. Các “Thợ sắp chữ” một tay cầm khuôn nhỏ đựng chữ, khuôn có chiều ngang bằng một cột báo, một tay nhặt từng chữ sắp theo nội dung bản thảo, nhưng là sắp chữ ngược, đọc từ bên phải qua. Người sắp chữ ngoài nhớ vị trí các ô chữ còn phải có kỹ năng đọc chữ ngược. Khi chữ được sắp đầy một cột báo, khuôn chữ được cuốn kỹ bằng dây, sau đó thợ in lăn ru-lô mực in lên mặt chữ và in ra một bản trên giấy báo để dò sửa theo bản chính, nếu có chữ sai, phải gắp chữ sai ra và thay chữ cho đúng. Khi sắp lại phải tính toán, trao đổi với Ban biên tập Báo, họa sỹ để cắt bớt hay thêm vào cho vừa khung. Khi khuôn chữ đã chỉnh sửa chuẩn chỉnh theo maket, tất cả được cố định lại bằng khung sắt chốt chặt (khổ khuôn bằng khổ 1 trang báo) sau đó đưa vào máy in để in.
Sau khi hoàn thành in xong một số báo, những người thợ sắp chữ lại phải xếp lại thật chính xác chữ từ máy in vào các ô chữ trong khay ban đầu để có chữ sắp cho trang khác. Khâu lấy chữ từ máy in và để lại từng chữ vào ô cũ cũng đòi hỏi phải tuyệt đối chính xác, bởi nếu không để chữ vào đúng ô của nó, những lần sắp chữ tiếp sẽ bị lỗi. Công việc sắp chữ in báo không vất vả nhưng đòi hỏi người làm phải có tính tỉ mỉ, kiên nhẫn, thuần thục và nhanh tay, nhanh mắt. Trong cái khó, ló cái khôn, mỗi người phải có cách làm sáng tạo quy trình đếm chữ, tính toán chia cột, trình bày trang báo. Họ thuần thục đến mức có khi không cần nhìn vào ô đựng chữ mà vẫn lấy đúng chữ để sắp.
Để in một số báo, cũng không phải cứ sắp xếp chữ theo maket đã ấn định, mà có sự thay đổi bởi cũng nhiều lần, đã sắp chữ xong hết cho trang báo và chuẩn bị đem đi in, nhưng do yêu cầu công tác tuyên truyền đột xuất của tỉnh, phải đổi tin, bài, vậy là những thợ sắp chữ lại gỡ bỏ tin hoặc bài để sắp lại bài mới, làm cả đêm để kịp in. Có những lần đang sắp chữ thì mất điện, vậy là phải bật đèn pin soi, sắp chữ. Cũng nhiều ngày, họ phải làm thông trưa, thông tối để kịp in báo. Một tuần 2 số báo rồi 3 số, chưa kể các ấn phẩm khác của tỉnh, vất vả là thế nhưng bộ phận sắp chữ, bộ phận phụ trách máy in luôn nhiệt huyết với công việc. Họ như con ong chăm chỉ cứ tỉ mẩn, say mê, lặng lẽ với công việc để tờ báo không sai sót, xuất bản đúng thời gian quy định, đến với bạn đọc được nhanh nhất.
Một trong những “Thợ sắp chữ chì” ngày ấy hiện là Phó quản đốc Phân xưởng Chế bản của Công ty Cổ phần In Hà Giang, đó là chị Vương Thị Hồng. Mẹ chị, bà Mai Thị Sơm đã nghỉ hưu hơn 20 năm, cũng đã nhiều năm từng là “Thợ sắp chữ”, bà đã truyền cho đồng nghiệp và chị Hồng nhiều kinh nghiệm của nghề. Nhớ về một thời gian khó, chị Vương Thị Hồng kể: “Những ngày cặm cụi sắp chữ chì, tay chân lúc nào cũng nhem nhuốc đen sì nhưng vẫn vui. Nhiều hôm, đợi tin thời sự bên Báo Hà Giang chuyển sang, để đảm bảo phát hành báo sớm, kíp trực của “Nhà in” cùng lãnh đạo, biên tập viên và họa sỹ maket của Báo phải làm tới 3 - 4 giờ sáng mới xong. Các số báo nối tiếp nhau, vất vả, khó khăn nhưng những thợ sắp chữ, những người làm ở “Nhà in” luôn say mê, gắn bó với nghề”. Thời gian khó đã qua, giờ đây, làm báo bằng công nghệ điện tử, tất cả đều trên máy tính nhanh gọn, tiện lợi, chính xác hơn.
Ông Hà Văn Trang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần In Hà Giang cho biết: Trong nhiều năm qua, Công ty đã không ngừng đầu tư trang thiết bị, hiện đại hóa hệ thống máy in Offset, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, sáng tạo trong sản xuất để ngày một nâng cao công suất, chất lượng các ấn phẩm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Không còn phải nhiều bước như ở chiếc máy in cũ, những người thợ in hiện nay chỉ cần thao tác trên bảng điều khiển (bàn PC) là đã cho ra những sản phẩm đủ màu sắc, chất lượng. Thời gian được tiết kiệm hơn, năng suất lao động cũng hơn hẳn so với trước. So với hệ thống máy in cũ phải mất 5 giờ để hoàn thiện thành phẩm thì hệ thống này chỉ mất 50% thời gian đã hoàn thành toàn bộ số báo. Cùng việc in Báo Hà Giang, công đoạn in các ấn phẩm khác ngày càng đổi mới, sáng tạo.
Công nghệ sắp chữ không còn, những người thợ ngày ấy đã nghỉ hưu nhưng với Công ty Cổ phần In Hà Giang và Báo Hà Giang “sắp chữ chì” vẫn vẹn nguyên ký ức.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202504/sap-chu-chi-mot-thoi-de-nho-5ac6699/