Sắp có sự thay đổi thời điểm hưởng lương hưu từ 1/7/2025?
Bộ Nội vụ đang dự thảo thông tư quy định chi tiết thời điểm hưởng lương hưu với từng trường hợp hưu trí theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Sắp có sự thay đổi thời điểm hưởng lương hưu?
Theo Báo Điện tử Chính phủ, Bộ Nội vụ lấy ý kiến về quy định thời điểm hưởng lương hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Bộ Nội vụ đang dự thảo Thông tư quy định chi tiết thời điểm hưởng lương hưu với từng trường hợp hưu trí theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ cho tới khi nam đủ 62 tuổi vào năm 2028, nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Trong năm 2025, tuổi nghỉ hưu của nam là 61 tuổi 3 tháng, còn với nữ là 56 tuổi 8 tháng.
Theo dự thảo Thông tư, thời điểm hưởng lương hưu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định như sau:
Thời điểm hưởng lương hưu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên được tính từ ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động.
Ví dụ: Ông A sinh ngày 5/4/1964, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 19 năm. Tính đến thời điểm tháng 7/2025 ông A tròn 61 tuổi 3 tháng, đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Theo đó, thời điểm hưởng lương hưu của ông A được tính từ ngày 1/8/2025. (*)
2. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sau khi đã đủ điều kiện hưởng lương hưu thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng dừng đóng và có yêu cầu hưởng lương hưu.
Ví dụ 1: Vẫn là trường hợp ông A (ví dụ *) tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ tháng 8/2025, đến tháng 12/2025 ông A dừng đóng, đến tháng 3/2026 ông A có yêu cầu hưởng lương hưu từ tháng 1/2026. Như vậy, thời điểm hưởng lương hưu của ông A trong trường hợp này được tính từ ngày 1/1/2026.
Ví dụ 2: Bà B sinh ngày 23/4/1969, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 16 năm, tính đến thời điểm tháng 12/2025 bà B tròn 56 tuổi 8 tháng, đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Tuy nhiên, bà B tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ tháng 1/2026, đến tháng 3/2026 bà B dừng đóng và có yêu cầu hưởng lương hưu. Như vậy, thời điểm hưởng lương hưu của bà B được tính từ ngày 1/4/2026 (mặc dù tại thời điểm tháng 3/2026 bà B tròn 56 tuổi 11 tháng).
3. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 36 của Luật Bảo hiểm xã hội thì thời điểm hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 98 Luật Bảo hiểm xã hội là ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu.
Ví dụ: Bà C sinh ngày 14/1/1969, đến tháng 9/2025, bà C đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu theo quy định (56 tuổi 08 tháng). Tuy nhiên, tính đến hết tháng 9/2025, bà C mới có 12 năm 8 tháng tham gia bảo hiểm xã hội, chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu (15 năm). Bà C lựa chọn đóng một lần cho thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu ngay tại tháng 9/2025. Thời điểm hưởng lương hưu của bà C là ngày 1/10/2025.

Bộ Nội vụ lấy ý kiến về quy định thời điểm hưởng lương hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Ảnh minh họa: TL
4. Thời điểm hưởng lương hưu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước ngày 1/1/2021 và đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trở lên được tính từ ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ, trừ trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có nguyện vọng hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 98 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Ví dụ: Bà D sinh ngày 16/8/1970, đến tháng 8/2025 bà D đủ 55 tuổi, có 20 năm 3 tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và có yêu cầu hưởng lương hưu. Như vậy, thời điểm hưởng lương hưu của bà D được tính từ ngày 1/9/2025.
5. Trường hợp thời điểm hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều này được xác định trước ngày 1/7/2025 thì thời điểm hưởng lương hưu là từ ngày 1/7/2025.
Ví dụ 1: Bà O sinh ngày 16/8/1968, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 18 năm 9 tháng, tháng 8/2025, bà O có yêu cầu hưởng lương hưu kể từ khi đủ điều kiện. Như vậy, thời điểm hưởng lương hưu của bà O được tính từ ngày 1/7/2025.
Ví dụ 2: Ông N sinh ngày 25/4/1965, đến tháng 4/2025 ông N đủ 60 tuổi và có 20 năm 8 tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, tháng 7/2025 ông N có yêu cầu hưởng lương hưu. Theo đó, thời điểm hưởng lương hưu của ông N được tính từ ngày 1/7/2025.
6. Trường hợp không xác định được ngày, tháng sinh (chỉ có năm sinh) thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định. Trong đó, tháng đủ tuổi nghỉ hưu được xác định trên cơ sở lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh để làm căn cứ xác định tuổi của người lao động.
Ví dụ: Bà G sinh năm 1969 (không xác định được ngày, tháng sinh), tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 16 năm. Trường hợp bà G khi xác định điều kiện hưởng lương hưu lấy ngày 1/1/1969 để làm căn cứ xác định tuổi. Như vậy, thời điểm hưởng lương hưu của bà G được tính từ ngày 1/10/2025.
Điều kiện hưởng lương hưu dự kiến áp dụng từ 1/7/2025
Điều kiện hưởng lương hưu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện theo quy định tại Điều 98 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng theo phương thức 03 tháng một lần; 06 tháng một lần; 12 tháng một lần; hoặc một lần cho nhiều năm về sau quy định tại các điểm b, c, d và điểm đ khoản 2 Điều 36 của Luật Bảo hiểm xã hội thì thời điểm xét điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội là:
Phương án 1: Tháng cuối cùng của phương thức đóng mà người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng (cho dù trước đó người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng).
Ví dụ: Ông H sinh ngày 2/9/1965, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tại thời điểm tháng 8/2025 ông H đăng ký phương thức đóng một lần cho 3 năm về sau và đã đóng cho giai đoạn từ tháng 8/2025 đến tháng 7/2028. Tháng 6/2027 ông H đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định và có yêu cầu hưởng lương hưu. Thời điểm xét điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ hưu trí đối với ông H là thời gian đóng tính đến tháng 7/2028.
Phương án 2: Tháng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đủ điều kiện về tuổi đời và có yêu cầu hưởng lương hưu (khi đó phát sinh 2 trường hợp: (1) ghi nhận thời gian đóng đến thời điểm đề nghị + hoàn trả lại số tháng đã đóng sau đó; hoặc (2) ghi nhận thời gian đã đóng tính đến hết phương thức đóng).
Ví dụ: Ông H sinh ngày 2/9/1965, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tại thời điểm tháng 8/2025 ông H đăng ký phương thức đóng một lần cho 3 năm về sau và đã đóng cho giai đoạn từ tháng 8/2025 đến tháng 7/2028. Tháng 6/2027 ông H đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định và có yêu cầu hưởng lương hưu. Thời điểm xét điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ hưu trí đối với ông H là thời gian đóng tính đến tháng 7/2028.
Các quy định tại Thông tư này dự kiến được áp dụng từ ngày 1/7/2025.
Cách tính mức hưởng lương hưu mới theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024
Đối với lao động nữ: Mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tương ứng với 15 năm đóng BHXH.
Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, tỷ lệ hưởng sẽ được tính thêm 2%, mức tối đa là 75% tương ứng với 30 năm đóng BHXH.
Đối với lao động nam: Mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng với 20 năm đóng BHXH.
Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, tỷ lệ hưởng sẽ được tính thêm 2%, mức tối đa là 75% tương ứng với 35 năm đóng BHXH.
Điểm đáng chú ý so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là quy định đối với trường hợp lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm: Mức lương hưu hằng tháng sẽ được tính bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng sẽ được tính thêm 1%. Đây là một thay đổi quan trọng, tạo điều kiện cho nhiều lao động nam có thời gian đóng BHXH ngắn hơn vẫn có cơ hội hưởng lương hưu.
Việc Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 điều chỉnh cách tính mức hưởng lương hưu, đặc biệt là việc giảm điều kiện thời gian đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm, mang lại cơ hội lớn cho những người tham gia BHXH muộn hoặc có thời gian tham gia không liên tục. Thay vì phải nhận BHXH một lần do không đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu hằng tháng, người lao động giờ đây có thêm cơ hội tích lũy đủ 15 năm đóng để có thể hưởng lương hưu và đảm bảo cuộc sống khi về già.