Sắp có thành phố mới, chung cư phía Tây Hà Nội sẵn sàng nổi sóng?
Thành phố phía tây bao gồm đô thị Hòa Lạc và đô thị Xuân Mai. Theo đó, đô thị Hòa Lạc sẽ là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao. Còn đô thị Xuân Mai sẽ là trung tâm giáo dục, nghiên cứu và các dịch vụ hỗ trợ giáo dục…
Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 mà UBND thành phố Hà Nội trình Hội đồng nhân dân thành phố, thành phố phía tây bao gồm đô thị Hòa Lạc và đô thị Xuân Mai.
Thành phố này dự kiến được nghiên cứu phát triển mở rộng ra đến sông Tích, sông Bùi, là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo. Tổng diện tích thành phố khoảng 251km2, dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu người.
Cụ thể, đất xây dựng đô thị khoảng 135km2, dân số khoảng 1,08 triệu người; khu vực ngoại thị khoảng 116km2, dân số khoảng 0,12 triệu người. Đơn vị hành chính bao gồm 16 phường và 8 xã.
Đô thị Hòa Lạc sẽ là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao. Là thành phố của những trung tâm nghiên cứu, có các trường đại học, có khu công nghệ cao, trung tâm thí nghiệm, nhấn mạnh công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, ứng dụng và chuyển giao công nghệ...
Đô thị Xuân Mai sẽ là trung tâm giáo dục, nghiên cứu và các dịch vụ hỗ trợ giáo dục như trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, trung tâm hỗ trợ nghiên cứu, phòng thí nghiệm/ phòng nghiên cứu cộng đồng, trung tâm mô phỏng 3D, trung tâm dịch vụ thử nghiệm sản phẩm nghiên cứu...
Cùng với đó, một phần thành phố dự kiến phát triển trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh hóa phẩm phục vụ cho Hà Nội, khu vực Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Hình thành đô thị thông minh, là thành phố khoa học, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, tiếp thu trình độ khoa học và công nghệ quốc tế, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng thời, hình thành đô thị du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm vùng phía Tây Hà Nội được xây dựng dựa trên cấu trúc địa hình tự nhiên, gắn kết với hệ thống Ba Vì - Đồng Mô và sông Tích, hệ thống hạ tầng kỹ thuật quốc gia như Quốc lộ 21, đường mòn Hồ Chí Minh.
Chia sẻ với Thương gia, anh Nguyễn Thắng (35 tuổi) là một môi giới bất động sản lâu năm tại Hà Nội cho biết, hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư, người dân muốn tìm đến các căn hộ chung cư từ trung đến cao cấp tại khu vực phía Tây Hà Nội.
“Chỉ trong mấy năm trở lại đây, giá khu vực này tăng chóng mặt, nhiều căn hộ cao cấp có giá từ 80 – 100 triệu đồng/m2. Theo kinh nghiệm của tôi, có thể thấy phía Tây đang là khu vực khá sôi động bậc của thị trường bất động sản Hà Nội”, anh Thắng bày tỏ.
Về vấn đề này ông Trần Quang Trung, Giám đốc phát triển Kinh doanh OneHousing phân tích, giá căn hộ chung cư tăng diễn biến theo giá mặt bằng đất, khi sát nhập Hà Tây vào Hà Nội, giá đất phía Tây bắt đầu tăng dần. Từ năm 2018 giá đất phía Tây Hà Nội đã thiết lập mặt bằng giá mới, giá đất đã cao nên chi phí đầu vào xây dựng các tòa căn hộ cũng sẽ tăng theo.
Cùng với đó, yếu tố nguồn cung ở Hà Nội, trong 2 năm trở lại đây nguồn cung mới rất hạn chế, song nhu cầu của người dân mua để cho thuê, nâng cấp nhà ở hay mua để ở vẫn rất lớn nên giá sẽ bị đẩy lên cao. Về lịch sử tăng giá căn hộ, yếu tố tăng giá mới chỉ diễn ra từ năm 2021 trở lại đây, trước đó yếu tố tăng giá không rõ rệt mà chỉ có yếu tố đi ngang.