Sắp có tiêu chí phân loại DNNN giai đoạn 2021 – 2025
Một trong những giải pháp quan trọng được đưa ra tại dự thảo Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là trong năm 2021, ban hành tiêu chí phân loại DNNN giai đoạn 2021 – 2025.
Theo dự thảo Đề án, việc cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021 đến 2025 hướng đến 04 mục tiêu cụ thể. Đó là, thứ nhất, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN để các DNNN có trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại tương đương với các nước trong khu vực; đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; hình thành đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có trình độ cao, phẩm chất đạo đức tốt; gắn chiến lược phát triển của DNNN với chiến lược phát triển của ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển, đảo để DNNN trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội, dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện các biện pháp sắp xếp, cơ cấu lại, đổi mới hệ thống DNNN theo hướng có cơ cấu hợp lý, hình thức hoạt động phù hợp với thông lệ quốc tế đồng thời đảm bảo phù hợp định hướng của Đảng, nhà nước, đặc biệt đối với các ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng, hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia.
Thứ ba, công khai, minh bạch, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra hoạt động của DNNN, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, gây thất thoát tài sản của nhà nước.
Thứ tư, tiếp tục nỗ lực, tích cực, quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ xử lý dứt điểm những dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, DNNN đảm bảo công khai, minh bạch, theo nguyên tắc, cơ chế thị trường và quy định của pháp luật; Nhà nước không đầu tư bổ sung vốn từ Ngân sách nhà nước vào các dự án thua lỗ, không hiệu quả; Việc xử lý bằng các hình thức giải thể, phá sản, phải đảm bảo nguyên tắc toàn diện, bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước, quyền lợi chính đáng của người lao động và nhà đầu tư, Nhà nước sử dụng nguồn lực để thực hiện trách nhiệm của nhà nước trong việc đảm bảo các yêu cầu về an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, môi trường và ổn định xã hội.
Để thực hiện các mục tiêu trên, dự thảo Đề án đưa ra một số giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách. Trước tiên là nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn liên quan theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế triển khai và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động bình đẳng, công khai, minh bạch.
Đặc biệt, cơ chế phục vụ quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tiếp tục được hoàn thiện. Trong đó bao gồm: Trong năm 2021, ban hành tiêu chí phân loại DNNN giai đoạn 2021 – 2025, danh mục DNNN, doanh nghiệp 100% vốn của DNNN triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong giai đoạn 2021 – 2025 để làm cơ sở cho các đơn vị triển khai thực hiện.
Cùng với việc rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách về cổ phần hóa DNNN và doanh nghiệp 100% vốn của DNNN, sẽ ban hành cơ chế sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn theo hướng thống nhất với quy định của Luật NSNN về thu hồi vốn từ các tổ chức kinh tế thuộc trung ương và địa phương được thu vào NSNN trung ương hoặc địa phương theo phân cấp, trong đó: việc lập dự toán thu, chi NSNN từ nguồn thu này được lập theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật NSNN, Luật Đầu tư công; việc quản lý, sử dụng nguồn thu này để hỗ trợ cho quá trình sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp, đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
Về việc hoàn thiện quy định đối với DNNN sẽ tập trung vào các nôi dung như: có cơ chế khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, cơ khí, chế tạo gắn liền với chiến lược phát triển các ngành, vùng kinh tế như đất đai, hạ tầng cơ sở, nhân lực chất lượng cao, lành nghề.
Xây dựng bộ quy tắc quản trị theo các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế; Ban hành cơ chế áp dụng thống nhất các chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp đối với các DNNN.
Phân định rõ việc quản lý vốn tại doanh nghiệp và quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo hướng tiến hành thuê, tuyển Người quản lý doanh nghiệp đối với doanh nghiệp trên 50% vốn nhà nước. Cơ quan đại diện phần vốn nhà nước đóng vai trò định hướng phát triển cho doanh nghiệp, giám sát các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động đảm bảo doanh nghiệp hoạt động đúng quy định của pháp luật, kịp thời xử lý nếu thấy doanh nghiệp phát sinh sai phạm.
Nâng cao trách nhiệm giải trình của DNNN trước cơ quan đại diện chủ sở hữu; Sửa đổi, bổ sung cơ chế đãi ngộ đối với người lao động làm việc tại DNNN theo hướng khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, phát huy năng lực, sở trường, sức sáng tạo và áp dụng vào thực tế để nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Có cơ chế chuyến khích phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, cơ khí, chế tạo gắn liền với chiến lược phát triển các ngành, vùng kinh tế như đất đai, hạ tầng cơ sở, nhân lực, chất lượng cao, lành nghề, cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng và phát triển nền tảng, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động chuyển đổi nhằm thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.