Sắp có tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam với hàng hóa lưu thông trong nước

Hiện nay, hàng hóa sản xuất trong nước vẫn chưa có quy định như thế nào thì được gắn nhãn 'sản phẩm của Việt Nam' hay 'sản xuất tại Việt Nam'.

Ngày 11-7, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo về một số nội dung để có cơ sở tổng hợp, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn công tác quản lý nhà nước đối với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam lưu thông trong nước.

Doanh nghiệp lúng túng

Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho biết, trước vấn nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhiều nước trên thế giới đã có những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng.

 Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Ảnh: AH

Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Ảnh: AH

Tại Việt Nam, tới nay đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương.

Còn với hàng hóa sản xuất trong nước, bao gồm cả các sản phẩm sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, sau đó lưu thông trong nước hoặc hàng hóa là đầu vào phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, thì hiện chưa có quy định như thế nào được gắn nhãn “sản phẩm của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam”.

“Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu cấp thiết đặt ra, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương chủ trì, nghiên cứu quy định các tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước” - ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng cho biết, dựa vào bộ tiêu chí này, doanh nghiệp có thể căn cứ vào đó xác định chính xác sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. Qua đó làm căn cứ xây dựng thương hiệu, uy tín sản phẩm của Việt Nam, giữ vững thị phần hàng hóa của sản phẩm Việt Nam trên chính sân nhà. Đồng thời tránh phát sinh tranh chấp giữa bên lưu thông hàng hóa và bên sử dụng hàng hóa trong nước, gây tổn hại đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Ông Nguyễn Hoàng Hà, Phó trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu) cũng chỉ ra một thực trạng. Đó là hiện doanh nghiệp vẫn đang tự xác định và tự chịu trách nhiệm về xuất xứ, nhưng căn cứ để doanh nghiệp tự xác định chưa có, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lúng túng trong ghi nhãn.

"Về phía người tiêu dùng thì mất niềm tin do xuất hiện nhãn hàng ‘Sản xuất tại Việt Nam’ nhưng thực chất chỉ gia công đơn giản" - ông Hà dẫn chứng.

Nhiều hàng kém chất lượng sản xuất ở nước ngoài nhưng dán nhãn VN

Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu cũng chia sẻ một thực tế, hiện ở ngoài đường phố có nhiều cửa hàng bán hàng Made in Vietnam. Theo đó, trên nhãn hàng hóa ghi là Made in Vietnam, nhưng những đôi giày, quần áo chưa chắc đã có CO, hay còn gọi là giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam.

Nói rõ thêm, bà Hiền cho biết, giấy chứng nhận xuất xứ hay các chứng từ chứng nhận xuất xứ là chứng từ thương mại mà hàng hóa được cấp khi xuất khẩu sang nước nhập khẩu. Mục đích để nước nhập khẩu cho hưởng ưu đãi thuế quan hoặc là phi thuế quan đối với những hàng hóa đó.

Thế nhưng khi hàng hóa được sản xuất trong nước Việt Nam, tiêu thụ luôn trong nước, không xuất khẩu thì hàng hóa này đương nhiên không được cấp CO, trừ trường hợp hàng được sản xuất trong khu chế xuất hay khu vực có quan hệ xuất nhập khẩu với Việt Nam.

“Một thực tế là hầu hết những hàng sản xuất trong nội địa của chúng ta, sau đó bán trong nước, những hàng đó đến gần 90% là không có giấy chứng nhận xuất xứ, nhưng trên nhãn mác hàng hóa lại ghi là Made in Vietnam hoặc là Product of Vietnam. Vậy thì câu chuyện là đôi giày không có CO Việt Nam nhưng có dán nhãn Made in Vietnam. Đấy là một thực tế mà chúng ta nhìn rất rõ” - bà Hiền lấy ví dụ.

Ông Trần Việt Hùng, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, cũng cho biết những năm gần đây xuất hiện tình trạng hàng hóa sản xuất nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam và dán nhãn Made in Vietnam hoặc là sản xuất tại Việt Nam mà không thực hiện những công đoạn gia công đáng kể.

“Qua kiểm tra, kiểm soát thị trường chúng tôi ghi nhận hiện tượng sản xuất, dán nhãn ở biên giới nước bạn, sau đó đưa vào Việt Nam thì dán nhãn Made in Vietnam để tiêu thụ. Chúng tôi bắt rất nhiều vụ như vậy. Thậm chí ngay địa bàn Hà Nội, chúng tôi cũng bắt được trường hợp hàng hóa là máy máy nổ Made in của nước ngoài nhưng về là cạy ra để dán Made in Vietnam” - ông Hùng nói.

Tiếp tục chia sẻ, đại diện Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cho biết, những mặt hàng kém chất lượng sản xuất tại nước ngoài nhưng giả mạo xuất xứ ở Việt Nam phổ biến nhất hiện nay là đồ điện, điện gia dụng, giày dép, đặc biệt là hàng may mặc vì người tiêu dùng đang có xu hướng ưa chuộng hàng Việt Nam xuất khẩu.

"Những mặt hàng này còn được xuất khẩu đi các nước thứ ba gây hiểu nhầm hoặc là nhận biết sai về hàng hóa Việt Nam, dẫn đến việc nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp hạn chế hàng hóa Việt Nam.

Trên môi trường thương mại điện tử, các đối tượng vi phạm thường sử dụng chiêu trò quảng cáo sai lệch, mạo danh nhãn hiệu Việt Nam, đăng tải thông tin sản phẩm mang xuất xứ Việt Nam nhưng thực chất là hàng hóa ngoại nhập kém chất lượng, hàng giả" - ông Hùng chia sẻ.

Dự kiến một số tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam cho hàng hóa lưu thông trong nước

Trình bày một số nội dung dự kiến của bộ tiêu chí, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết, bộ tiêu chí xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam sẽ có các tiêu chí về hàm lượng giá trị Việt Nam, công đoạn sản xuất chính phải thực hiện tại Việt Nam. Cùng đó là cơ chế quản lý và kiểm tra và chế tài xử phạt hành vi ghi nhãn sai.

Theo đó, tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước dự kiến như sau. Thứ nhất, đối với xuất xứ thuần túy, các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, khai khoáng, đánh bắt, tái chế... được tạo ra hoàn toàn tại Việt Nam. Thứ hai, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam từ toàn bộ nguyên liệu có xuất xứ Việt Nam.

Thứ ba, với công đoạn gia công, chế biến làm thay đổi cơ bản, thì dù sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, nếu công đoạn cuối tại Việt Nam làm thay đổi mã HS (CTC) hoặc đạt tỉ lệ giá trị Việt Nam theo quy định. Thứ tư, không chấp nhận công đoạn gia công, chế biến đơn giản, như đóng gói, dán nhãn, lắp ráp đơn giản, trộn đơn giản… Thứ năm, nguyên liệu không đáp ứng CTC vẫn được coi là hàng Việt nếu giá trị nguyên liệu không có xuất xứ nhỏ hơn hoặc bằng 15% giá xuất xưởng…

Hiện bộ tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước vẫn đang trong quá trình trao đổi, xin ý kiến của các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/sap-co-tieu-chi-xac-dinh-xuat-xu-viet-nam-voi-hang-hoa-luu-thong-trong-nuoc-post859903.html