Sức 'đề kháng' của Brazil với mức thuế cao 50% từ Mỹ

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng thuế nhập khẩu hàng hóa Brazil tới 50% đồng thời chỉ trích vụ xét xử cựu Tổng thống Jair Bolsonaro đã khiến nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh không còn nhiều lựa chọn để hạ nhiệt căng thẳng.

Người dân mua sắm tại siêu thị ở Brasilia, Brazil, ngày 18/6/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Người dân mua sắm tại siêu thị ở Brasilia, Brazil, ngày 18/6/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva không có thẩm quyền pháp lý để can thiệp vào vụ xét xử người tiền nhiệm Jair Bolsonaro. Ông Bolsonaro đang phải đối mặt với cáo buộc âm mưu lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2022 khốc liệt và gay gắt với việc ông thất bại trước ông Lula.

Tổng thống Lula tuyên bố sẽ đáp trả bằng các biện pháp thuế quan nếu ông Trump hiện thực hóa lời đe dọa. Theo Al Jazeera Ông Lula đăng trên mạng xã hội X rằng vụ án hình sự nhằm vào cựu Tổng thống Bolsonaro là vấn đề thuộc thẩm quyền riêng của ngành tư pháp.

Mức thuế 50% có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến các công ty phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ. Đặc biệt, các công ty trong lĩnh vực kim loại cơ bản và nông nghiệp có thể bị ảnh hưởng nặng nề. Goldman Sachs dự đoán rằng nếu mức thuế này duy trì, GDP của Brazil có nguy cơ giảm 0,3% đến 0,4%.

Tuy nhiên, so với nhiều nước đang phát triển, Brazil có ưu thế hơn bởi không quá phụ thuộc vào thương mại với Mỹ, ngay cả khi mức thuế cao vẫn sẽ gây tác động tiêu cực.

Không giống như hầu hết các quốc gia trên thế giới, Brazil thực sự đang bị thâm hụt thương mại với Mỹ. Mỹ là điểm đến của khoảng 12% hàng xuất khẩu của Brazil, chưa bằng một nửa lượng hàng Trung Quốc nhập khẩu, và chỉ chiếm khoảng 1% GDP.

Trong khi đó, Mỹ là thị trường tiêu thụ 80% hàng xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh là Mexico.

Tháng 4 vừa qua, Tổng thống Trump đã công bố loạt mức thuế đối ứng áp dụng với đối tác thương mại. Khi đó, nhà lãnh đạo Mỹ luôn nhấn mạnh đến mong muốn cắt giảm thâm hụt thương mại giữa nước này với các nước đối tác.

Theo quan điểm của Tổng thống Trump, các quốc gia thâm hụt thương mại, điển hình như Mỹ, nhập khẩu hàng hóa lẽ ra có thể sản xuất trong nước, gây tổn hại đến thị trường việc làm nội địa và tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, nhà phân tích Elizabeth Johnson tại công ty nghiên cứu TS Lombard (Anh) nhận định: "Brazil từ trước đến nay luôn có mức thâm hụt thương mại nhỏ so với Mỹ".

Tổng thống Brazil Lula da Silva phát biểu tại Brasilia. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Tổng thống Brazil Lula da Silva phát biểu tại Brasilia. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, nước này nhập khẩu 42,3 tỷ USD hàng hóa từ Brazil vào năm 2024 và xuất khẩu 49,7 tỷ USD. Như vậy, giá trị hàng hóa Brazil mua từ Mỹ cao hơn khoảng 7,4 tỷ USD so với giá trị hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Brazil.

Năm 2023, cán cân thương mại (nhập khẩu cộng với xuất khẩu) giữa Mỹ và Brazil đạt 104 tỷ USD, đưa Brazil trở thành đối tác thương mại lớn thứ 15 của Mỹ. Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Mỹ sang Brazil năm ngoái bao gồm máy bay và tàu vũ trụ (khoảng 7 tỷ USD), nhiên liệu hóa thạch (9 tỷ USD) và máy móc công nghiệp (khoảng 10 tỷ USD). Xuất khẩu của Brazil sang Mỹ trong năm 2023 dẫn đầu là dầu thô và nhiên liệu hóa thạch (khoảng 8,8 tỷ USD), các sản phẩm sắt thép (5 tỷ USD) cùng đậu nành (3,3 tỷ USD).

Reuters dẫn lời một quan chức Brazil giấu tên cho biết nước này sẽ không chịu tác động tàn khốc như các nền kinh tế khác trong ngắn hạn bởi mức thuế cao của Mỹ.

Đáng chú ý, chính thị trường Mỹ cũng chịu ảnh hưởng bởi mức thuế quan lên tới 50% đối với hàng hóa Brazil.

Mỹ nhập khẩu khá nhiều cà phê Brazil và mức thuế cao có thể khiến giá loại đồ uống phổ biến này tăng vột. Các sản phẩm khác như nước cam cũng có thể bị ảnh hưởng.

Công ty đầu tư ARX đánh giá nền kinh tế Brazil sẽ chỉ chịu tác động kinh tế vĩ mô không đáng kể và có thể kiểm soát được.

Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/suc-de-khang-cua-brazil-voi-muc-thue-cao-50-tu-my-20250711112226500.htm