Sắp diễn ra hội nghị toàn cầu Hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hội nghị toàn cầu lần thứ tư Hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững sẽ diễn ra tại Hà Nội dự kiến từ ngày 24 - 28/4.

Hội nghị lần thứ tư sẽ xem xét các rào cản, khó khăn liên quan đến chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm. Ảnh minh họa: TTXVN

Hội nghị lần thứ tư sẽ xem xét các rào cản, khó khăn liên quan đến chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm. Ảnh minh họa: TTXVN

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hội nghị toàn cầu lần thứ tư Hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững sẽ diễn ra tại Hà Nội dự kiến từ ngày 24 - 28/4 với sự tham dự của hơn 200 đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia, các tổ chức thành viên Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hội nghị lần thứ tư sẽ xem xét các rào cản, các khó khăn, thách thức chính liên quan đến việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm. Đồng thời, thảo luận các giải pháp và đưa ra một loạt khuyến nghị có thể hành động, tập trung vào 4 nhóm vấn đề: mô hình, kiến trúc toàn cầu về hệ thống lương thực thực phẩm; các chính sách và quản trị quốc gia và địa phương; các mô hình tiêu thụ và sản xuất; các phương thức thực hiện.

Ngoài ra, hội nghị sẽ giới thiệu những mô hình tốt, ví dụ điển hình về các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện kế hoạch quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm ở cấp quốc gia và địa phương, cũng như các sáng kiến của Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về hệ thống lương thực thực phẩm (UNFSS).

Tại hội nghị UNFSS tháng 9/2021, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới, lãnh đạo các quốc gia cần chuyển đổi nông nghiệp và Hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững nhằm giải quyết hài hòa các thách thức đối với an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.

Ngày càng có nhiều quan điểm đồng thuận rằng việc chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm phải đóng vai trò trọng tâm trong nỗ lực nhằm đạt được tất cả 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Đảm bảo tiếp cận được lương thực, thực phẩm an toàn và đảm bảo dinh dưỡng là vấn đề quan trọng trong ứng phó với đại dịch COVID-19 và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt là đối với người nghèo và những đối tượng dễ bị tổn thương.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống lương thực, thực phẩm của Liên hợp quốc, Chủ tịch nước đã cam kết thực hiện việc chuyển đổi và phát triển hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam “minh bạch, trách nhiệm, bền vững” trong bối cảnh bình thường mới, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và dinh dưỡng của khoảng 100 triệu dân Việt Nam và xuất khẩu.

Chính phủ cũng đề cao vai trò quan trọng của công nghệ số và đổi mới sáng tạo trong việc tăng hiệu quả trong sản xuất, năng suất, an toàn thực phẩm và phân phối. Đồng thời, kết nối người sản xuất trực tiếp với người tiêu dùng; giảm thiểu thất thoát và lãng phí lương thực thực phẩm, tạo khả năng phục hồi cao hơn cho chuỗi cung ứng nông sản.

Hiện nay, chủ đề về an ninh lương thực đang rất được quan tâm và thảo luận tại các diễn đàn song phương, đa phương do bối cảnh bất ổn chính trị, khủng khoảng an ninh lương thực, đứt gẫy chuỗi cung ứng do xung đột Nga – Ukraine và tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh…

Nhiều chuyên gia nhận định, đây là thời điểm thuận lợi để Việt Nam phát huy thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu nông lâm thủy hải sản trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Cùng đó, góp phần quảng bá thành tựu phát triển nông nghiệp Việt Nam, thúc đẩy ngoại giao nông nghiệp, thúc đẩy hợp tác quốc tế về an ninh lương thực và dinh dưỡng, nông nghiệp xanh, phát thải thấp gắn với phát triển bền vững.

Các quốc gia, các tổ chức của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế trên toàn cầu đã và đang thấy rõ nỗ lực của Việt Nam trong việc phối hợp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là trong chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Việt Nam dần trở thành thành viên tích cực, đóng góp hiệu quả vào an ninh lương thực, thực phẩm khu vực và thế giới thông qua việc huy động sự tham gia của tất cả tác tác nhân, dựa trên cách tiếp cận toàn cầu, cũng như sự ủng hộ và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Là nước đăng cai tổ chức hội nghị lần thứ tư, Việt Nam sẽ có cơ hội chia sẻ với các quốc gia, các tổ chức của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế về những nỗ lực, kết quả và quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam.

Hội nghị được kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể vào quá trình tiếp theo của Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống lương thực, thực phẩm của Liên hợp quốc, với việc rà soát, đánh giá lần đầu tiên được thực hiện vào quý III/2023.

Trước đó, Hội nghị toàn cầu lần thứ nhất Hệ thống Lương thực thực phẩm bền vững được tổ chức vào tháng 6/2017 tại Nam Phi. Hội nghị lần thứ hai được tổ chức vào tháng 2/2019 tại Costa Rica. Hội nghị lần thứ ba được tổ chức trực tuyến vào tháng 11 - 12/2020.

Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững (SFS) là chương trình đối tác toàn cầu nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng bền vững hơn, thông qua xây dựng năng lực, tạo sức mạnh tổng hợp và tăng cường hợp tác giữa các đối tác ở tất cả các cấp.

Chương trình SFS được khởi động vào tháng 10/2015 do Thụy Sĩ, Costa Rica và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) chủ trì, với sự hỗ trợ của Ủy ban Cố vấn Đa bên (MAC) với 20 thành viên từ năm nhóm bên liên quan khác nhau. Từ 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là thành viên đại diện cho khu vực châu Á, tham gia Ủy ban Cố vấn Đa bên./.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/sap-dien-ra-hoi-nghi-toan-cau-he-thong-luong-thuc-thuc-pham-ben-vung/287730.html