Sắp diễn ra Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ được tổ chức ngày 6/9 tại TP. Cần Thơ.
Theo Cục Xúc tiến thương mại, thực hiện chương trình công tác năm 2024, Bộ Công Thương tổ chức chuỗi 06 Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu các vùng kinh tế trên cả nước, nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp liên kết vùng trong công tác xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu.
Theo đó, Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ được tổ chức vào ngày 6/9/2024 tại thành phố Cần Thơ theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đây là hội nghị cuối cùng của chuỗi hội nghị được thực hiện trong năm 2024. Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng chủ trì hội nghị.
Hội nghị có quy mô dự kiến khoảng 200 đại biểu tham dự là Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, các Hiệp hội ngành hàng, đại diện các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ logistic…
Hội nghị sẽ tập trung bàn thảo 06 nhóm vấn đề quan trọng trong hợp tác phát triển các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu vùng đồng bằng sông Cửu Long như: Phương hướng phát triển các nhóm ngành có lợi thế xuất khẩu của vùng (về nông nghiệp: Lúa gạo, thủy sản, trái cây, rau màu; Về công nghiệp: Chế biến thực phẩm, chế biến thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, sản xuất đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ, công nghiệp cơ khí, hóa chất, vật liệu xây dựng; Xây dựng thương hiệu hàng hóa chất lượng cao, tham gia sâu vào mạng lưới phân phối và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm thế mạnh của vùng; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển thương mại vùng; Liên kết xúc tiến thương mại quy mô vùng cho các nhóm sản phẩm thế mạnh; Phát triển dịch vụ logistics gắn với tăng cường liên kết vùng và xây dựng các doanh nghiệp mạnh về logistics phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu của vùng và sự tham gia phối hợp của các doanh nghiệp đầu mối thu mua/phân phối/xuất nhập khẩu/thương mại điện tử trong việc phân phối xuất khẩu các sản phẩm của vùng.
Bên lề Hội nghị có sự kết hợp không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm của các địa phương, doanh nghiệp trong vùng, tạo cơ hội kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ của vùng đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại.
Các doanh nghiệp trong vùng đồng bằng sông Cửu Long có sản phẩm chất lượng cao, có tiềm năng và năng lực xuất khẩu được Ban tổ chức Hội nghị tạo điều kiện thuận lợi để tham gia hoạt động này.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng cực Nam của Tổ quốc - một địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có địa chính trị, địa kinh tế trọng yếu đối với cả nước. Vùng bao gồm địa phận 13 tỉnh, thành là Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau, có tổng diện tích tự nhiên khoảng 3,96 triệu ha, bằng 5% diện tích lưu vực sông Mê Công. Vùng nằm liền kề tuyến hàng hải Đông - Tây, có đường giao thông hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng, kết nối Nam Á và Đông Á cũng như với Úc và các quần đảo khác trong Thái Bình Dương.
Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế về đất đai, là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới, nguồn nước thuận lợi nên diện tích cây ăn trái tăng nhanh qua từng năm. Bên cạnh lúa, thủy sản thì trái cây cũng là một thế mạnh trong cơ cấu sản xuất và xuất khẩu của vùng. Đồng thời, trong vùng cũng có nhiều tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo, như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều…
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, rất nhiều nhóm ngành hàng của Việt Nam đã vượt mốc kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, như nhóm hàng rau quả, gạo, tôm..., phần lớn đến từ đồng bằng sông Cửu Long. Riêng mặt hàng gạo, năm 2024, ước tính tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước vẫn duy trì mức trên 8 triệu tấn, trong đó riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long 7,6 triệu tấn.
Tính chung đến nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long đang đóng góp khoảng 31% GDP toàn ngành nông nghiệp với khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi, khai thác, 60% lượng cá xuất khẩu và xấp xỉ 70% trái cây các loại...
Trong tốp các địa phương có sản lượng nuôi, khai thác thủy, hải sản cung ứng cho thị trường toàn cầu, tập trung hầu hết tại vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang (con tôm); các tỉnh như An Giang, Ðồng Tháp thì nổi tiếng với con cá da trơn.
Tuy có nhiều thế mạnh, song kinh tế ở Đồng bằng sông Cửu Long được nhìn nhận là phát triển vẫn chưa tương xứng tiềm năng. Ngoài ra, việc phát triển này còn đứng trước những thách thức như biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên nước, xâm nhập mặn... Vì vậy, đánh giá đúng tiềm năng, thách thức, có những giải pháp phát triển phù hợp là rất cần thiết, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước.
Tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022 về phê duyệt quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long được định hướng cần đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại từ khu thương mại – dịch vụ, trung tâm logistics đến hệ thống chợ dân sinh hỗ trợ hiệu quả cho các trung tâm đầu mối về nông nghiệp; chú trọng xây dựng hệ thống kho chứa và bảo quản nông sản đảm bảo đủ tiêu chuẩn; phát triển thương mại điện tử, thương mại biên giới để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản có thế mạnh.
Đồng thời, tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương, hợp tác xã, hiệp hội, doanh nghiệp để xây dựng, củng cố một số nhận diện thương hiệu chính về nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long đối với thị trường trong nước, quốc tế.
Để đồng bằng sông Cửu Long phát triển xứng tầm thì một trong những giải pháp quan trọng là thúc đẩy liên kết vùng trong xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu nhằm quy tụ và tối ưu các nguồn lực của các địa phương trong vùng phục vụ phát triển bền vững.
Theo Cục Xúc tiến thương mại, Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Cửu Long được kỳ vọng sẽ là kênh chia sẻ, trao đổi thông tin giá trị, cùng bàn thảo để triển khai các giải pháp hỗ trợ, liên kết chặt chẽ, hiệu quả hơn trong và ngoài vùng đồng bằng sông Hồng trong công tác xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu; vì mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp của vùng ngày càng lớn mạnh, giúp các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của vùng vươn xa hơn tới các thị trường trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy vùng phát triển bám sát định hướng được nêu tại Quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ.