Sắp diễn ra Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ

Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sắp tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tàu chở gạo xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Tàu chở gạo xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp liên kết vùng trong xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu, ngày 31/7, tại Tp. Hồ Chí Minh, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Đây là sự kiện thứ 4 nhằm thực hiện chương trình năm 2024, Bộ Công Thương tổ chức chuỗi 6 Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu các vùng kinh tế trên cả nước được tổ chức sau thành công của các Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc trung bộ và duyên hải Trung bộ.

Đồng thời, đây là Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ thứ 2 do Bộ Công Thương tổ chức sau Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức cuối năm ngoái tại tỉnh Bình Dương.

Theo đại diện Cục Xúc tiến thương mại, hội nghị có quy mô dự kiến khoảng 200 đại biểu tham dự là lãnh đạo UBND các địa phương thuộc vùng Đông Nam Bộ, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành hàng, đại diện các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ…

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các cơ quan của các địa phương trong vùng sẽ tập trung bàn thảo về một số vấn đề quan trọng của vùng Đông Nam Bộ như liên kết vùng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu; tăng cường kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất để hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp xuất khẩu; phát triển dịch vụ logistics gắn với tăng cường liên kết vùng và xây dựng các doanh nghiệp mạnh về logistics phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu; xây dựng thương hiệu hàng hóa chất lượng cao, tham gia sâu vào mạng lưới phân phối và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực; liên kết xúc tiến thương mại quy mô vùng…

Bên cạnh đó, hội nghị cũng sẽ có nội dung báo cáo kết quả hợp tác với Bộ Công Thương xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm vùng Đông Nam Bộ trên nền tảng Tiktok và nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com; phát biểu của đại diện doanh nghiệp đầu mối thu mua, phân phối, xuất nhập khẩu về những vấn đề nhằm đẩy mạnh việc phân phối hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng.

Đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương tại hội nghị cũng sẽ cung cấp thông tin, chia sẻ và phản hồi tới Hội nghị những vấn đề được đặt ra tại hội nghị trong công tác xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu của vùng. Bên lề hội nghị kết hợp không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm của các địa phương, doanh nghiệp trong vùng Đông Nam Bộ, tạo cơ hội kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ của vùng với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại.

Các doanh nghiệp trong vùng có sản phẩm chất lượng cao, có tiềm năng và năng lực xuất khẩu được Ban tổ chức hội nghị tạo điều kiện thuận lợi để tham gia hoạt động này. Các doanh nghiệp ngoài vùng cũng được Ban tổ chức hỗ trợ tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, giao lưu hợp tác kinh doanh và đầu tư với các doanh nghiệp trong vùng.

Theo Cục Xúc tiến thương mại, vùng Đông Nam Bộ gồm Tp. Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh. Các tỉnh, thành trong vùng liên kết, tiếp giáp với nhiều vùng khác, như: phía Bắc giáp với Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên, là những vùng giàu tài nguyên, khoáng sản; phía Tây và Tây - Nam giáp Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có tiềm năng lớn nhất về nông nghiệp của cả nước; phía Đông và Đông Nam giáp biển Đông, giàu tiềm năng phát triển kinh tế biển, nhất là tài nguyên hải sản, dầu mỏ và khí đốt, cũng như thuận tiện kết nối với tuyến đường biển quốc tế quan trọng, nhộn nhịp bậc nhất thế giới, kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương; phía Tây Bắc tiếp giáp với Campuchia, có cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát (Tây Ninh), tạo thuận lợi cho việc giao lưu, hợp tác với Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar theo tuyến đường bộ xuyên Á.

Mặc dù chỉ chiếm hơn 7% tổng diện tích và gần 20% dân số cả nước, nhưng vùng Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cả vùng ước đạt 5,06%, cao hơn mức tăng 5,05% của cả nước; thu hút 11.390 triệu USD nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm 31,1% vốn FDI của nền kinh tế.

Về xuất nhập khẩu, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng năm 2023 đạt 220,5 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2024 đạt 115,7 tỷ USD, chiếm 31% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Hàng hóa xuất khẩu của vùng đã có mặt ở gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó tập trung ở các thị trường truyền thống, đặc biệt với các thị trường mà Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN…

Ngày 4/5/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 370/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu quy hoạch đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, có công nghiệp phát triển, vượt qua ngưỡng thu nhập cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dẫn đầu cả nước.

Hơn nữa, đây cũng là vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, phát triển kinh tế xanh, phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển nhanh hệ thống đô thị xanh, thông minh, hiện đại.

Để tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển của vùng. Đồng thời, tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu to lớn đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, vượt qua những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra trong phát triển vùng Đông Nam Bộ cần phải có hàng loạt giải pháp. Cụ thể, gồm các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp.

Để góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng Đông Nam Bộ cũng như từng địa phương của vùng, đưa vùng Đông Nam Bộ phát triển ngày càng lớn mạnh, các hoạt động liên kết, hợp tác giữa địa phương trong xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu cần được triển khai đẩy mạnh và tạo dựng các cơ chế chính thức riêng trong liên kết vùng.

Tại Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ lần đầu tiên được tổ chức ngày 13/12 năm ngoái tại tỉnh Bình Dương, một số vấn đề nổi bật đã được đặt ra. Do đó, hội nghị lần này sẽ nhìn nhận lại những điều đã đạt được hoặc chưa được từ những ghi nhận cần thực hiện tại hội nghị năm trước, trọng tâm trong vấn đề xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu.

Từ đó, hội nghị cùng bàn thảo để triển khai các giải pháp hỗ trợ, liên kết chặt chẽ, hiệu quả hơn trong và ngoài vùng Đông Nam Bộ trong xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu; vì mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp của vùng ngày càng lớn mạnh, giúp sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của vùng vươn xa hơn tới các thị trường trong và ngoài nước.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/sap-dien-ra-hoi-nghi-xuc-tien-thuong-mai-va-phat-trien-xuat-nhap-khau-vung-dong-nam-bo/341788.html