Sắp diễn ra Hội thảo quốc tế về Ngôn ngữ học hiện đại
Hội thảo 'Những khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại: Lý thuyết và ứng dụng' và chương trình tiền hội thảo với sự tham dự của các học giả đến từ Úc và Thái Lan sẽ được tổ chức tại Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Vào ngày 2/12 tới đây, Trường Ngoại ngữ - Du lịch thuộc Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội sẽ tổ chức hội thảo quốc tế "Những khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại: Lý thuyết và ứng dụng"(Trends of modern linguistics: Theoretical and applied).
Hội thảo được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên có cơ hội trao đổi, học hỏi, chia sẻ những khuynh hướng lý thuyết của ngôn ngữ học hiện đại và những ứng dụng trong thực tế, đáp ứng yêu cầu của đời sống hiện đại, đặc biệt là trong tiếp xúc, chia sẻ, thảo luận với các học giả hàng đầu trong nước và thế giới.
Ngoài phiên toàn thể với phần tham luận của 3 giáo sư GS J.R Martin (Úc), GS Nigel Duffield (Đại học Nhật), GS Đinh Văn Đức (Việt Nam), Hội thảo sẽ có 4 phiên thảo luận với 4 chủ đề chính gồm:
Chủ đề 1: Những bước phát triển lý thuyết mới trong Ngôn ngữ học chức năng hệ thống và những ứng dụng của nó (ứng dụng trong văn bản đa phương thức, ngữ vực, ngôn ngữ học đánh giá, phiên dịch, ứng dụng trí tuệ nhân tạo,...);
Chủ đề 2: Những vấn đề ngôn ngữ học liên ngành (ngôn ngữ học văn hóa, ngôn ngữ học nhân học, ngữ dụng học xã hội,…) nhằm trả lời câu hỏi ngôn ngữ học hiện đại: Xu hướng và giải quyết một số vấn đề đặt ra của ngôn ngữ học liên ngành hiện nay; xác định căn tính của ngôn ngữ, văn hóa Việt trong sự tiếp xúc với các ngôn ngữ khu vực và thế giới;
Chủ đề 3: Ngôn ngữ học ứng dụng cho việc giảng dạy tiếng Việt trong chương trình giáo dục phổ thông mới (ban hành năm 2018) cũng như giảng dạy tiếng dân tộc ở Việt Nam cho người dân tộc thiểu số (Khơ – me, Thái, Mnông,..) và giảng dạy ngoại ngữ trong trường đại học và trung học phổ thông;
Chủ đề 4: Ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu giảng dạy tiếng Việt như: dịch máy, ngôn ngữ học khối liệu, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy học,…
Đã có gần 160 báo cáo khoa học có chất lượng cao của các nhà khoa học, các học giả, thầy cô giáo của các trường đại học, cao đẳng, các học viện, uy tín trong và ngoài nước gửi đến Ban tổ chức Hội thảo.
Các tác giả đến từ các vùng miền khác nhau: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Lạt, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vinh, Hải Phòng, Bình Dương,… và các học giả nước ngoài đến từ các nước như: Mỹ, Úc, Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc,… trong đó có những học giả hàng đầu thế giới về ngôn ngữ học chức năng hệ thống như: James Robert Martin, Len Unsworth, Sue Hood, Georgia Carr,Yaegan Doran, Lorenzo Logi; về ngữ pháp tạo sinh như Nigel Duffield; về ngôn ngữ học khí cụ và ngữ âm học thực nghiệm như Andrea Hoa Pham...
Các bài viết phong phú, bao quát những lĩnh vực khác nhau của ngôn ngữ học hiện đại.
Trước hội nghị, trong hai ngày 30/11 và 1/12, các học giả tên tuổi đến từ Úc, Thái Lan sẽ có những buổi thảo luận, chia sẻ về sự phát triển lý thuyết và ứng dụng mới nhất của Ngôn ngữ học chức năng hệ thống, tập trung vào các mảng ngôn ngữ đánh giá, ngữ vực, diễn ngôn đa phương thức, ngôn ngữ kèm lời....
Hiện nay, ngôn ngữ học là khoa học phát triển rất mạnh ở trong nước và nước ngoài. Hội thảo là diễn đàn để các nhà ngôn ngữ học trao đổi, thảo luận thẳng thắn những vấn đề thời sự của ngôn ngữ học hiện nay.
Với nhiều nội dung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm hấp dẫn, sát thực tiễn của việc ứng dụng lý thuyết ngôn ngữ học hiện đại trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số, Hội thảo hy vọng sẽ đóng góp nhiều giải pháp mới, chuyên sâu, phù hợp với xu thế đào tạo và giảng dạy ngôn ngữ theo định hướng ứng dụng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, hướng đến sự phát triển và hội nhập trong kỷ nguyên số.