Sắp đón Tổng thống Mỹ đến thăm, Papua New Guinea tuyên bố 'đối tác thầm lặng' sẽ 'bước ra ánh sáng'
Ngày 16/5, trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Papua New Guinea James Marape đã đưa ra bình luận về mối quan hệ song phương.
Chuyến thăm của ông Biden dự kiến diễn ra vào ngày 22/5, đánh dấu vị Tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ đến Papua New Guinea.
Tổng thống Marape xác nhận, trong khuôn khổ chuyến thăm của người đồng cấp Mỹ, hai bên sẽ ký kết hai thỏa thuận an ninh về hợp tác quốc phòng và giám sát hàng hải. Chi tiết về các thỏa thuận sẽ được công bố trong những ngày tới.
Phát biểu với đài phát thanh 100FM, Tổng thống Marape nói: “Việc ký kết này sẽ làm tăng giá trị cho an ninh nội địa, cũng như tăng cường sức mạnh cho quân đội, cảnh sát, hải quân của chúng ta".
Theo nhà lãnh đạo, Mỹ là một "đối tác an ninh mạnh mẽ của chúng tôi, nhưng thầm lặng, nằm sâu ở hậu trường. Giờ đây, lần đầu tiên họ bước ra, tiến lên phía trước, tương tác với Papua New Guinea nhiều hơn bao giờ hết".
Mỹ có mối quan hệ lịch sử và dân gian sâu sắc với các quốc đảo Nam Thái Bình Dương, cũng là lực lượng quân sự chủ yếu ở khu vực này kể từ Thế chiến II. Tuy nhiên, Nam Thái Bình Dương đang ngày càng trở thành đấu trường cho các cường quốc cạnh tranh ảnh hưởng thương mại, chính trị và quân sự.
Trung Quốc hiện đang tự khẳng định mình thông qua việc mở rộng phạm vi ngoại giao, đầu tư, đào tạo cảnh sát và các thỏa thuận an ninh, đặc biệt là hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon được ký kết vào năm ngoái.
Trong khi đó, hôm 9/5, Mỹ đã khai trương Đại sứ quán tại Tonga, đồng thời đề cập "khả năng bổ nhiệm" một đại sứ thường trú tại đây.
Hồi tháng 2, Mỹ cũng đã khôi phục Đại sứ quán ở Solomon sau 30 năm gián đoạn. Bên cạnh đó, Washington còn có kế hoạch mở Đại sứ quán ở Vanuatu và Kiribati.