Sắp được miễn học phí, chưa kịp mừng phụ huynh lại lo phải 'cõng' thêm nhiều phụ phí?

Trước đề xuất học sinh THCS sẽ được miễn học phí, nhiều phụ huynh bày tỏ sự vui mừng, tuy nhiên nhiều người lo ngại nếu vẫn phải tiếp tục 'cõng' thêm hàng chục khoản thu khác được hợp thức hóa.

Bỏ thu học phí thì nên giảm luôn phụ phí

Mới đây, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc từ năm học 2022 - 2023. Khi tiếp nhận thông tin về đề xuất miễn học phí cho học sinh bậc THCS, nhiều phụ huynh tỏ ra vui mừng.

Là phụ huynh có 2 con đang đi học, chị Nguyễn Thị Luyến (Yên Bái) rất ủng hộ đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc. Chị Luyến cho biết, học phí là khoản tiền đáng kể với các gia đình ở nông thôn, gia đình công nhân có thu nhập thấp. "Với các gia đình ở thành phố, vài trăm nghìn học phí mỗi năm không nhiều, nhưng với gia đình ở nông thôn như chúng tôi lại là khoản tiền lớn. Tôi mong việc miễn học phí được triển khai càng sớm càng tốt và trong những năm tới đây, có thể miễn học phí cho cả khối THPT".

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước gần 5,6 triệu học sinh THCS, học phí bình quân 2 triệu đồng mỗi năm học, ngân sách sẽ cấp bù gần 11.200 tỷ đồng/năm học. Nếu thực hiện đề xuất này, ngân sách Nhà nước phải tăng thêm gần 25.200 tỷ đồng trong ba năm (2022 - 2024).

Anh Trần Nhật (Phú Thọ) hy vọng đề xuất miễn học phí THCS sớm được thông qua. "Trong điều kiện chưa thực hiện được, thì đề xuất lùi lộ trình tăng học phí cũng sẽ giúp người dân "dễ thở" hơn khi hàng loạt những thông tin về việc tăng giá sách giáo khoa, tăng mức học phí đang là nỗi lo của các bậc phụ huynh khi năm học mới cận kề".

"Nếu đề xuất này thành hiện thực, đây thực sự sẽ là tin vui cho hàng triệu gia đình đang có con em trong độ tuổi đi học. Việc miễn giảm tuy không lớn, nhưng sẽ làm giảm bớt gánh nặng đối với người dân có thu nhập thấp, người dân sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt trong thời điểm kinh tế chưa thực sự phục hồi sau đại dịch và tình hình giá cả leo thang đang tác động rất lớn đến đời sống nhân dân. Việc miễn học phí cho học sinh THCS sẽ nối dài cơ hội học tập của nhiều học sinh khó khăn, giúp chúng ta có một thế hệ công dân có tri thức, có trình độ cao hơn, được trang bị nhiều kiến thức hơn, có thể "mở được nhiều cánh cửa hơn" để bước vào đời cũng như đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của sự phát triển", cô Nguyễn Thị Cảnh (giáo viên dạy THCS tại huyện Thường Tín, Hà Nội) cho biết.

Ảnh minh họa của Đan.

Ảnh minh họa của Đan.

Bên cạnh niềm vui khi con em mình sắp được miễn học phí thì không ít phụ huynh lo lắng nếu các trường lại "vẽ" ra các khoản thu khác thông qua hội phụ huynh theo hình thức thỏa thuận hoặc tự nguyện. Anh Nhật cho rằng, bỏ thu học phí thì nên giảm luôn phụ phí, tránh tình trạng bỏ cái này tăng cái kia. "Các cơ quan cần giám sát chặt đừng để phụ huynh chúng tôi đã được miễn học phí nhưng vẫn phải "cõng" trên vai gánh nặng của các loại phụ phí như tiền quỹ lớp, quỹ ban phụ huynh, tiền ủng hộ xây dựng vật chất, tiền vệ sinh trường, tiền ủng hộ cô lao công, tiền sửa quạt, bảo dưỡng điều hòa…".

Việc miễn, giảm học phí là điều cần làm ngay

Trước đề xuất của Bộ GD&ĐT, dưới góc độ chuyên gia, GS.TS. Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bày tỏ sự đồng tình với đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc. GS.TS. Đinh Quang Báo cho rằng, việc miễn học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc nên thực hiện từ lâu. Bậc tiểu học và THCS là cấp học bắt buộc nên cần miễn phí để khuyến khích 100% trẻ toàn quốc được đi học, hưởng giáo dục căn bản. THCS là bậc giáo dục cơ bản, có thể chưa được gọi là giáo dục bắt buộc nhưng về bản chất và mục tiêu là giáo dục bắt buộc.

GS.TS. Đinh Quang Báo phân tích, Nghị quyết Quốc hội đã cho thấy, giáo dục phổ thông chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến lớp 9, mục tiêu là học sinh được giáo dục những tri thức cơ bản nhất, cốt lõi nhất, phổ thông nhất. Giai đoạn sau, ở cấp THPT là phân hóa, định hướng nghề nghiệp, học sinh sẽ được học sâu hơn ở các môn.

Suốt 3 năm qua, dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế và ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, việc miễn, giảm học phí là điều cần làm ngay. "Nếu không có kinh phí, chúng ta cần tìm cho ra để thực hiện với quyết tâm dứt khoát phải làm, chứ không phải có thì làm, không có thì thôi", GS.TS Đinh Quang Báo nói.

Miễn học phí cấp THCS không phải đề xuất mới của Bộ GD&ĐT. Năm 2016, Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng báo cáo về việc miễn học phí cho học sinh THCS theo lộ trình. Như vậy, có thể thấy, Chính phủ luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, chủ trương tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ công tác giáo dục.

Và mặc dù chưa có nghị quyết chính thức về vấn đề này, nhưng trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thời gian qua, một số địa phương đã miễn học phí cho học sinh các cấp.

Cụ thể, từ năm học 2020 - 2021, TP. Hải Phòng thực hiện lộ trình miễn 100% học phí từ bậc mầm non tới THPT, bổ túc. TP.HCM đang xây dựng đề án miễn, giảm học phí năm học 2022-2023, từ nguồn ngân sách. Năm học 2021 - 2022, TP. Đà Nẵng hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non, học sinh THCS, THPT trường công lập và ngoài công lập vì COVID-19... Việc làm này thể hiện chính sách nhân văn và vì tương lai của Đảng, Nhà nước ta, góp phần tháo gỡ khó khăn trước mắt đối với phụ huynh, tạo điều kiện cho học sinh được tiếp tục học tập, đặc biệt là những đối tượng học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//sap-duoc-mien-hoc-phi-chua-kip-mung-phu-huynh-lai-lo-phai-cong-them-nhieu-phu-phi-169210717101531216.htm