Sắp hết cảnh đều đều gọi vốn qua trái phiếu
Có doanh nghiệp một tháng từng thực hiện tới… 60 thương vụ phát hành trái phiếu. Tình trạng này sẽ chấm dứt kể từ ngày 1/9 tới, khi Nghị định 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực.
1 ngày phát hành hơn 2 thương vụ
Nhìn vào dữ liệu phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hàng tháng, do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) công khai định kỳ, có nhiều thông tin gây… choáng.
Theo đó, có những doanh nghiệp tính ra trung bình thực hiện tới 2 đợt phát hành trái phiếu/ngày.
Điển hình như CTCP Đầu tư phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam trong tháng 4/2020, đã thực hiện tới 60 đợt phát hành trái phiếu.
Đây không phải là lần đầu công ty này thực hiện gọi vốn dày đặc như vậy. Trong tổng số 102 đợt phát hành trái phiếu thành công trong tháng 1/2020, thì TNR Holdings Việt Nam chiếm tới phân nửa, khi thực hiện tới 60 đợt phát hành, với lượng vốn huy động hơn 2.938 tỷ đồng/tổng lượng vốn huy động toàn thị trường là 8.703 tỷ đồng.
Gọi vốn mạnh hơn, trong tháng 5/2020, một “người anh em” của công ty này (do đều là thành viên của Tập đoàn Đầu tư TNG ) là CTCP Đầu tư và cho thuê tài sản TNL, khi thực hiện tới 62 đợt phát hành trái phiếu…
Việc liên tục gọi vốn qua kênh trái phiếu đã đẩy lượng vốn vay qua kênh trái phiếu của nhiều doanh nghiệp vượt xa vốn chủ sở hữu, dẫn đến rủi ro “vỡ nợ” nếu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp rơi vào thất bát, mà câu chuyện xảy ra với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc gần đây là một minh chứng.
Theo HNX, trong năm 2019, 28/217 doanh nghiệp phát hành có khối lượng phát hành trái phiếu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu, trong đó 11 doanh nghiệp có khối lượng phát hành vượt 50 lần vốn chủ sở hữu, đặc biệt có tới 6 doanh nghiệp ghi nhận khối lượng phát hành vượt tới 100 lần vốn chủ sở hữu.
Tình trạng này cũng tiếp diễn trong năm 2020, khi theo Bộ Tài chính từ đầu năm đến nay, có những doanh nghiệp ghi nhận dư nợ trái phiếu phát hành cao hơn từ 30 - 47 lần vốn tự có.
Đáng nói là trong số các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, một số doanh nghiệp không công bố cụ thể mục đích sử dụng vốn và phương án bố trí nguồn thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Trước tình trạng trên, cũng như hiện tượng lượng gọi vốn tập trung nhiều ở khối doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ liên tục tăng mua TPDN, từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ Tài chính đã hai lần phát đi cảnh bảo về những rủi ro có thể phát sinh cả với doanh nghiệp phát hành lẫn nhà đầu tư, thị trường.
Liên quan đến lý do nhà quản lý liên tục phát đi cảnh báo, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, trong cơ cấu vốn của doanh nghiệp, trước đây chủ yếu là vay ngân hàng, phát hành cổ phiếu. Nhưng phát hành nhiều cổ phiếu để huy động vốn khiến doanh nghiệp đối mặt với áp lực chi trả cổ tức gia tăng.
Mặt khác, mấy năm gần đây, tăng trưởng tín dụng củahệ thống ngân hàng liên tục giảm. Đây là chính sách lớn của Ngân hàng Nhà nước để giảm rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Thực tế này tạo điều kiện tự nhiên và đương nhiên cho thị trường trái phiếu phát triển trong 2 - 3 năm gần đây.
“Cơ quan quản lý cho rằng đó là bước phát triển lành mạnh và tất yếu. Tuy nhiên, qua theo dõi, Bộ Tài chính, UBCK cảnh báo về một số hiện tượng phát hành TPDN chưa thực sự lành mạnh và hàm chứa những rủi ro nên phát đi cảnh báo cho nhà đầu tư. Trong đó, đáng chú ý là hiện tượng doanh nghiệp nhỏ, nhưng phát hành trái phiếu với lượng vốn huy động lớn. Có những doanh nghiệp phát hành công bố báo cáo tài chính không rõ ràng, tài sản bảo đảm không có, hoặc không được định giá chắc chắn… Đó là rủi ro cho nhà đầu tư, nên cần cảnh báo để họ thận trọng phân tích kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định đầu tư, chứ không phải là cảnh báo về sự phát triển của thị trường TPDN…”, ông Dũng cho hay.
Doanh nghiệp sẽ chỉ được phát hành tối đa 1 năm 2 đợt
Nhìn nhận hiện trạng trên dẫn đến những rủi ro cho cả doanh nghiệp phát hành lẫn nhà đầu tư, nên cần có giải pháp xử lý, đại diện Bộ Tài chính cho biết, một trong những điểm mới tại Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành TPDN, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2020 là giới hạn khối lượng phát hành đảm bảo dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu.
Các đợt phát hành TPDN phải cách nhau tối thiểu 6 tháng, trái phiếu phát hành trong mỗi đợt phải có cùng điều kiện, điều khoản. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp chỉ được phát hành tối đa 2 đợt trong năm.
Các đợt phát hành TPDN riêng lẻ phải được tư vấn bởi tổ chức tư vấn hồ sơ phát hành trái phiếu. Việc nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ nhằm hạn chế rủi ro cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư, cân bằng giữa lợi ích của doanh nghiệp trong việc huy động vốn trái phiếu với lợi ích của nhà đầu tư khi mua trái phiếu, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư…
Một điểm mới nữa tại Nghị định 81/2020/NĐ-CP là chuẩn hóa hồ sơ phát hành TPDN riêng lẻ.
Theo đó, khi phát hành TPDN, doanh nghiệp phát hành phải nêu chi tiết mục đích phát hành trái phiếu tại phương án phát hành để nhà đầu tư có thể giám sát quá trình sử dụng vốn của doanh nghiệp. Đây là giải pháp nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc huy động vốn và sử dụng vốn trái phiếu của doanh nghiệp.
Để khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn, quy định mới rút ngắn thời gian công bố thông tin trước đợt phát hành từ tối thiểu 10 ngày làm việc xuống tối thiểu 3 ngày. Điều này đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp, bởi phù hợp với thời gian đàm phán của doanh nghiệp phát hành với nhà đầu tư.