Sắp hết hạn đăng ký, vì sao nhiều thí sinh chưa chọn được nguyện vọng xét tuyển đại học?
Một tuần nữa là hết hạn đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học nhưng đến nay mới có hơn 37% thí sinh đăng ký, trong đó nhiều thí sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng.
Theo quy định, thí sinh có 3 tuần (từ 8h ngày 10/7 đến 17h ngày 30/7) để đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại địa chỉ: thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn.
Tuy nhiên đến thời điểm này chỉ có hơn 37% thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhiều thí sinh còn băn khoăn về việc chọn ngành nghề thế nào, đăng ký xét tuyển ra sao.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, chị Nguyễn Thị Hoa (TP. Nam Định) cho biết: “Đến thời điểm này con nhà tôi vẫn phân vân chưa biết nên đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào trường đại học nào. Vì nguyện vọng ban đầu của cháu là học Trường Đại học Thương mại, nhưng với 21,6 điểm thì chắc chắn không đỗ rồi; trong khi các trường khác thì cháu lại không thích”.
Không ít trường hợp trong cảnh tương tự như con nhà chị Hoa. Bên cạnh đó, có những thí sinh giờ còn đang cân nhắc về khối ngành, trường học khi ra trường có dễ tìm được việc làm hay không? mức học phí gia đình có đáp ứng được?
Có trường hợp thí sinh mong muốn được học các trường có chuyên ngành về kinh tế thì phụ huynh lại áp đặt cho con phải theo khối kỹ thuật, vì vậy đến nay vẫn chưa có sự thống nhất để đăng ký nguyện vọng.
Chia sẻ cùng các thí sinh, TS Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho hay: “Nếu buộc phải lựa chọn vào một trường đại học mà theo trào lưu đám đông thì tôi khuyên phụ huynh nên dừng lại lựa chọn này. Hãy lựa chọn cho con em ngành học đúng ước mơ, đúng năng lực để phát huy được hết thế mạnh của bản thân. Đừng kỳ vọng và tạo sức ép quá lớn lên con em”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia tuyển sinh cũng lưu ý: Khi đã có trường yêu thích phải tính đến năng lực tài chính. Phụ huynh phải làm rõ vấn đề học phí từng năm tăng ra sao, vì có một số trường năm đầu tuyển sinh công bố mức học phí phù hợp nhưng các năm sau học phí tăng nhanh...
Ngoài các lý do nêu trên, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn lo lắng về việc liệu có thí sinh không nắm được quy định? Thực tế ở mùa tuyển sinh trước, có thí sinh đã nhận giấy báo trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm của các trường yên tâm là đỗ, bỏ qua khâu đăng ký lên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đã không được chấp nhận.
Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh: Bắt buộc thí sinh phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển lên hệ thống, bao gồm cả nguyện vọng xét tuyển sớm đã có giấy báo trúng tuyển của trường và các nguyện vọng xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Hệ thống này sẽ đóng vào 17h ngày 30/7. Ngày 31/7, thí sinh phải nộp lệ phí xét tuyển online tương ứng với số lượng nguyện vọng đã đăng ký thì mới hợp lệ.
Trước băn khoăn của nhiều thí sinh, phụ huynh về việc nên đăng ký bao nhiêu nguyện vọng thì “an toàn”? TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thí sinh có thể đặt các nguyện vọng với số lượng tùy ý, tuy nhiên chỉ có thể trúng tuyển một nguyện vọng. Vì vậy, ngành học mà thí sinh yêu thích nhất sẽ phải ưu tiên đặt làm nguyện vọng 1. Những nguyện vọng các em đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm nhưng vẫn còn băn khoăn, chưa xác định sẽ học thì không nên đặt ở nguyện vọng 1.
TS Phạm Như Nghệ cũng nhấn mạnh: Việc lựa chọn và sắp xếp nguyện vọng là quyền của thí sinh. Thí sinh là những người đưa ra quyết định cuối cùng. Không trường đại học nào có thể "ép" thí sinh đặt nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm lên làm nguyện vọng. Thí sinh phải bình tĩnh, mạnh dạn lựa chọn nguyện vọng mình yêu thích nhất lên đầu tiên, không bị tác động của các yếu tố bên ngoài.