Sắp miễn phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM cho hàng hóa Campuchia vận chuyển bằng đường thủy
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cơ bản thống nhất với phương án sửa đổi Nghị quyết của HĐND TP.HCM về mức thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng trong khu vực cửa khẩu cảng biển TP.HCM.
Ảnh minh họa.
Cục Đường thủy Việt Nam vừa có văn bản gửi Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM góp ý Dự thảo về việc sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND TP.HCM về việc ban hành mức thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đánh giá cao đề xuất tại Dự thảo đã giúp thể hiện đầy đủ tinh thần, trách nhiệm của Việt Nam đối với các Điều ước quốc tế, trong đó có Hiệp định giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Campuchia về vận tải đường thủy; cũng như phù hợp với các chính sách thúc đẩy sự phát triển của giao thông vận tải đường thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa.
Do đó, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết là cơ bản thống nhất với khoản 1, khoản 2 Điều 1 Dự thảo Nghị quyết.
Tuy nhiên, để nội dung được hoàn chỉnh và đầy đủ hơn, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đề nghị Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh một số điểm trong Dự thảo Nghị quyết.
Cụ thể, đối với khoản 3 Điều 1, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đề nghị thay thế nội dung cụ thể như sau: “Miễn thu phí đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng hóa quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất nhập khẩu được vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa hoạt động trên các tuyến đường thủy theo Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải đường thủy”.
Về đề xuất giảm 50% mức phí đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đề nghị bỏ từ “hoàn toàn” tránh gây hiểu nhầm cho các cơ quan thực thi trong trường hợp hàng gom từ các cảng bến lân cận bằng phương tiện thủy nội địa, tập kết lên cảng để lên phương tiện thủy nội địa lớn hơn trước khi chuyển đi (ví dụ chuyển đến Cái Mép- Thị Vải) và ngược lại.
Liên quan đến đề xuất giảm 50% này, cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành đường thủy đề nghị Sở GTVT TP.HCM xem xét tỷ trọng đoạn tuyến đường thủy mà Thành phố đang thực hiện quản lý, đầu tư, bảo trì trong tổng số kết cấu hạ tầng đường thủy kết nối cảng biển (185km) để tính toán, đề xuất tỷ lệ mức giảm phí phù hợp hơn, đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), hiện nay phương tiện thủy nội địa vận chuyển hàng xuất khẩu, nhập khẩu chủ yếu sử dụng 3 tuyến vận tải thủy nội địa đi qua địa bàn TP.HCM gồm tuyến: Thị Vải - Đồng Tranh - Lòng Tàu - Soài Rạp - Rạch Lá - Tắc Sông Trà - Kênh Chợ Gạo - Sông Tiền – Campuchia; Đồng Tranh - Lòng Tàu - Soài Rạp - Rạch Lá - Tắc Sông trà - Kênh Chợ Gạo - Tiền - Kênh Măng Thít – Sông Hậu; Thị Vải - Đồng Tranh - Lòng Tàu - Soài Rạp - Đồng Nai - Rạch Bà Cua - Sài Gòn (ICD).
Trong 3 tuyến vận tải thủy chính trên, phương tiện thủy nội địa vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chỉ sử dụng tổng cộng 21,6 km hạ tầng đường thủy TP.HCM là: Tắc Sông Trà (dài 1,3 km), Rạch Lá (dài 13,9 km) và Rạch Bà Cua (dài 6,4 km).
Theo dự thảo tờ trình gửi HĐND TP.HCM, Sở GTVT TP.HCM đã nêu hạ tầng kết nối cảng biển TP.HCM bao gồm 361,25 km (trong đó 185 km đường thủy và 176,25 km đường bộ). Tuy nhiên vận tải đường thủy nội địa chỉ sử dụng 21,6 km (chiếm tỷ trọng 5,98%) trong tổng số 361,25 km hạ tầng kết nối đến cảng biển của TP.HCM.
VLA cho rằng, mức giảm phí đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa phải là 94,02% mới đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Phí, lệ phí và mức độ sử dụng của vận tải đường thủy nội địa.