Sắp ngừng cấp thẻ BHYT giấy, người dân đi khám bệnh cần lưu ý gì

Từ ngày 1/6/2025, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam chính thức ngừng cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) giấy cho người tham gia BHYT.

Thay vào đó, người dân sẽ sử dụng các phương thức thay thế như ứng dụng VssID, VNeID, hoặc thẻ Căn cước công dân (CCCD) có gắn chip khi đi khám, chữa bệnh. Đây là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và giảm thủ tục hành chính trong công tác bảo hiểm xã hội.

Tính đến đầu năm 2025, cả nước có 95,52 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 94,2% dân số tham gia BHYT, tăng 2% so với năm 2023.

Tính đến đầu năm 2025, cả nước có 95,52 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 94,2% dân số tham gia BHYT, tăng 2% so với năm 2023.

Để đảm bảo quyền lợi và tránh bị gián đoạn trong quá trình khám chữa bệnh, người dân cần thực hiện các bước sau: Cài đặt ứng dụng VssID hoặc VNeID trên điện thoại thông minh để có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT điện tử thay cho thẻ giấy. Liên kết thông tin BHYT với CCCD có gắn chip để đảm bảo dữ liệu được đồng bộ.

Liên hệ với cơ quan BHXH địa phương để được hỗ trợ cài đặt ứng dụng nếu chưa thể thực hiện được hoặc không có CCCD gắn chip. BHXH Việt Nam cho biết từ ngày 1/6/2025, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ chỉ cấp thẻ BHYT giấy đối với những trường hợp không thể sử dụng các phương thức trên. Điều này sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình số hóa, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả người dân và cơ quan nhà nước.

Để sử dụng ứng dụng VNeID hoặc VssID thay cho thẻ BHYT giấy, người dân có thể tự tích hợp thẻ BHYT vào các ứng dụng này theo các bước đơn giản: Tích hợp thẻ BHYT vào VNeID: Trước tiên, người dân cần cập nhật phiên bản mới nhất của ứng dụng VNeID. Sau đó, mở ứng dụng và đăng nhập, chọn mục Ví giấy tờ, rồi chọn Tích hợp thông tin.

Tiếp theo, chọn Tạo mới yêu cầu và nhập số thẻ BHYT cùng thông tin đơn vị cấp thẻ để hoàn tất việc tích hợp. Cập nhật thông tin trên VssID: Nếu tài khoản VssID chưa được cập nhật với thông tin số CCCD hoặc mã số định danh cá nhân, người dùng có thể làm theo hướng dẫn trên ứng dụng để cập nhật thông tin, đảm bảo dữ liệu chính xác và đồng bộ.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực BHYT không chỉ giúp giảm thủ tục hành chính mà còn nâng cao hiệu quả quản lý và tiết kiệm chi phí cho toàn bộ hệ thống. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xác thực hơn 99,8 triệu nhân khẩu và triển khai sử dụng CCCD gắn chip thay cho thẻ BHYT giấy.

Hệ thống này đã giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục khám chữa bệnh xuống còn 6-15 giây. Bên cạnh đó, việc kết hợp sử dụng VssID và VNeID sẽ giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin bảo hiểm, tránh phải mang theo thẻ BHYT giấy và giảm thiểu các thủ tục giấy tờ khi đi khám chữa bệnh.

Về khám chữa bệnh BHYT, Bộ Y tế đã ban hành Văn bản số 2909/BYT-BH yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện các quy định về việc đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu, chuyển tuyến và sử dụng phiếu hẹn khám lại theo Thông tư số 01/2025/TT-BYT.

Bộ yêu cầu không để phát sinh thủ tục hành chính gây phiền hà cho người bệnh và đảm bảo sự thuận tiện trong việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám chữa bệnh.

Các cơ sở y tế cần triển khai các quy trình phù hợp để chuyển bệnh nhân giữa các cơ sở y tế, đặc biệt là các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành. Các địa phương giáp ranh cần phối hợp chặt chẽ để thống nhất quy trình chuyển bệnh giữa các tỉnh, thành phố, nhằm giảm thiểu tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế.

Thông tư 01/2025/TT-BYT quy định phiếu chuyển tuyến có giá trị trong 10 ngày làm việc kể từ ngày ký. Tuy nhiên, đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, bệnh hiểm nghèo, phiếu chuyển tuyến có thể có giá trị lên đến 1 năm, giúp bệnh nhân tiếp tục được điều trị lâu dài tại các cơ sở chuyên khoa phù hợp.

Việc triển khai các quy định mới trong lĩnh vực BHYT không chỉ góp phần bảo vệ quyền lợi người dân mà còn giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, tạo thuận lợi cho việc khám chữa bệnh, đồng thời đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số trong công tác bảo hiểm xã hội.

Tính đến đầu năm 2025, cả nước có 95,52 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 94,2% dân số tham gia BHYT, tăng 2% so với năm 2023.

Năm 2024, đã có 186,2 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT được ghi nhận, với số tiền đề nghị thanh toán lên tới 142.985 tỷ đồng. Việc triển khai các quy định mới không chỉ góp phần bảo vệ quyền lợi người dân mà còn giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân trong quá trình khám chữa bệnh.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/sap-ngung-cap-the-bhyt-giay-nguoi-dan-di-kham-benh-can-luu-y-gi-d285216.html