Sáp nhập 3 lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở không làm tăng biên chế, kinh phí

Đại biểu Quốc hội nhận định, việc thành lập lực lượng tham gia bảo vệ trật tự ở cơ sở sẽ không làm tăng biên chế, không tăng tổng kinh phí bảo đảm so với thực tế hiện nay.

Theo dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, 3 lực lượng sẽ được thống nhất thành Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở gồm: Bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng.

Sáng 27/10, thảo luận về dự thảo Luật, các Đại biểu Quốc hội đánh giá sau khi sáp nhập 3 lực lượng trên sẽ không tăng về số lượng người tham gia lực lượng này, không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với thực tế hiện nay.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) nhận định, hiện nay, trên địa bàn cấp xã và ở thôn, tổ dân phố vẫn đang tồn tại lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách,...

Ông cho rằng nên sử dụng lực lượng này để vừa không phải tuyển mới, vừa không phải huấn luyện, bồi dưỡng từ đầu, tiết kiệm không chỉ ngân sách mà cả nguồn lực.

Hơn nữa, lực lượng này ở các cộng đồng dân cư không cần đông, chỉ cần số dân phòng, bảo vệ dân phố, có thể huy động kiêm thêm bảo vệ của các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn là đủ.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Ảnh: Quốc hội)

Vị đại biểu tỉnh Quảng Trị phân tích chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này thực chất là tham gia, hỗ trợ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Ông đặt vấn đề có cần quy định quá cụ thể các nhiệm vụ của lực lượng này hay không. Hay khi có kế hoạch, có vụ việc, cần lực lượng này tham gia thì chính quyền cấp xã hoặc công an xã có thể đề nghị và mời họ tham gia. Như thế mới bảo đảm tính khả thi.

"Hơn nữa, đây là một dạng “người hoạt động không chuyên trách”, không phải chuyên nghiệp mà quy định quá nhiều nhiệm vụ làm gì", ông Đồng nói.

Theo ông Đồng, về chế độ bồi dưỡng cũng phải bám sát nguyên tắc tự quản - giữ an ninh, trật tự cho địa bàn cộng đồng, do cộng đồng tổ chức thì cũng nên để cộng đồng trả thù lao, bồi dưỡng, không nên đòi ngân sách chi trả. Như vậy sẽ không làm tăng biên chế “không chuyên trách”, không tăng kinh phí chi trả từ ngân sách.

Đại biểu Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình) nêu việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi kiện toàn 3 lực lượng (bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó dân phòng) thành một lực lượng thống nhất là hoàn toàn phù hợp thực tiễn, gọn đầu mối, dễ điều hành mà không làm tăng biên chế.

Đại biểu Nguyễn Tiến Nam (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Nguyễn Tiến Nam (Ảnh: Quốc hội)

Ông Nam phân tích, hiện nay với khoảng 300.000 người tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm gần 67.000 bảo vệ dân phố, hơn 70.000 công an xã bán chuyên trách, hơn 161.000 đội trưởng, đội phó dân phòng, việc sáp nhập cơ học 3 lực lượng này phải không làm tăng biên chế.

Theo tính toán, đến hết tháng 12/2012 tổng số thôn, tổ dân phố trong toàn quốc là 84.721. Nếu thành lập tất cả các tổ bảo vệ an ninh, trật tự và trung bình mỗi tổ 3 người thì tổng số có khoảng 255.000 người, ít hơn số lượng hiện nay.

Về chế độ, chính sách, kinh phí bảo đảm khi luật được ban hành, ông Nam cho biết, hiện nay mức chi phụ cấp hằng tháng đối với lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách từ 0,3-0,7 mức lương cơ sở; phụ cấp các chức danh đội trưởng, đội phó dân phòng không thấp hơn 15% mức lương tối thiểu và các khoản kinh phí hỗ trợ khác. Tổng kinh phí chi trả cho 3 lực lượng này là 3.570 tỷ đồng/năm.

Tính theo dự thảo Luật, mức chi phụ cấp hằng tháng của tổ trưởng, tổ phó tổ bảo vệ an ninh, trật tự từ 15-25% mức lương tối thiểu vùng, tổ viên là 0,3 mức lương cơ sở và các khoản hỗ trợ bảo hiểm xã hội, các trang thiết bị, với tổng kinh phí chi trả khoảng 3.505 tỷ đồng/năm.

Đại biểu Nguyễn Tiến Nam khẳng định kinh phí dự tính theo dự thảo Luật không nhiều hơn chi trả hiện nay.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, thực chất lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng do UBND cấp xã thành lập, quản lý, duy trì hoạt động nhằm hỗ trợ lực lượng công an chính quy cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Do đó họ không thuộc biên chế Nhà nước.

Đại biểu Tô Văn Tám (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Tô Văn Tám (Ảnh: Quốc hội)

Trong hoạt động, lực lượng này được hưởng các chế độ hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và các nguồn tài chính khác của xã hội.

Tuy nhiên, để loại trừ cảm nhận lực lượng này đang được chính quy hóa, các quy định về tiêu chuẩn tuyển chọn, trình tự, thủ tục tuyển chọn cần được đơn giản hóa hơn nữa hay như cơ cấu tổ chức này cũng cần mang tính quần chúng hơn.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu, thay mặt cơ quan soạn thảo, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, đây là những nội dung đã được Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu ngay từ khi lập hồ sơ đề nghị xây dựng luật.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm tiếp thu, giải trình. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Công an Tô Lâm tiếp thu, giải trình. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở khảo sát đánh giá toàn diện thực tiễn khách quan làm cơ sở để đề xuất nội dung quy định như trong dự thảo Luật để đảm bảo tính khả thi.

Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/sap-nhap-3-luc-luong-bao-ve-an-ninh-co-so-khong-lam-tang-bien-che-kinh-phi-2207494.html