Sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh: Hướng biển để giàu mạnh từ biển

Sáp nhập các đơn vị hành chính có vị trí liền kề giữa miền núi, đồng bằng với các địa phương có biển để mở rộng không gian phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Sáp nhập các đơn vị hành chính theo hướng hướng biển sẽ giúp đất nước phát triển giàu mạnh từ biển. Ảnh: Lê Minh.

Sáp nhập các đơn vị hành chính theo hướng hướng biển sẽ giúp đất nước phát triển giàu mạnh từ biển. Ảnh: Lê Minh.

Tương hỗ trong phát triển

Việt Nam hiện có 28 tỉnh, thành có biển trải dọc từ Bắc vào Nam. Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 60 - NQ/TW đưa ra danh sách dự kiến tên gọi các tỉnh, thành phố và trung tâm chính trị - hành chính của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập. Theo danh sách sáp nhập tỉnh mới, nhiều tỉnh thành đã được mở rộng địa giới hành chính hướng ra biển.

Đơn cử như TP Cần Thơ được hợp nhất với tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang; tỉnh Hải Dương hợp nhất với TP Hải Phòng; tỉnh Thái Bình hợp nhất với tỉnh Hưng Yên; tỉnh Hà Nam hợp nhất với tỉnh Ninh Bình và Nam Định; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương hợp nhất với TPHCM.

Đặc biệt, các tỉnh khu vực Tây Nguyên cũng được sáp nhập theo hướng các tỉnh miền núi hợp nhất với các tỉnh có biển để sau khi hợp nhất thì tỉnh mới sẽ có biển và có núi. Theo danh sách, tỉnh Kon Tum sẽ hợp nhất với tỉnh Quảng Ngãi; tỉnh Gia Lai hợp nhất với tỉnh Bình Định; tỉnh Đắk Lắk hợp nhất với tỉnh Phú Yên; tỉnh Lâm Đồng hợp nhất với tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Thuận. Cùng với đó, các tỉnh có biển cũng được hợp nhất để trở thành tỉnh có biển lớn hơn như: tỉnh Quảng Nam hợp nhất với TP Đà Nẵng; tỉnh Ninh Thuận hợp nhất với tỉnh Khánh Hòa…

Về phương án mở rộng không gian hướng biển, sáp nhập những tỉnh ở sâu trong đất liền với những địa phương có biển, ông Phan Trung Tuấn - Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho rằng, Việt Nam là một quốc gia biển, có đường bờ biển dài, có vùng biển rộng lớn. Phát triển hướng biển là một định hướng lớn, chiến lược. Từ đó, các cấp thẩm quyền đã hoạch định chiến lược, quy hoạch để tạo động lực cho sự phát triển.

“Yếu tố hướng biển vô cùng quan trọng nên chúng tôi đã đề xuất sắp xếp các địa phương theo hướng kết nối tỉnh, thành nằm sâu trong nội địa, chưa có không gian biển với địa bàn duyên hải miền Trung. Việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng theo chủ trương hướng biển. Điều này thể hiện qua quy hoạch tuyến đường giao thông, đường sắt trọng điểm. Các tuyến đường này có sự kết nối với những khu vực, những nơi có biển.

“Trong các phương án đề xuất sắp xếp tỉnh thành, chúng tôi đều cân nhắc hướng phát triển này nhằm tạo không gian phát triển cho địa phương. Không gian phát triển không chỉ là quy mô, diện tích mà còn có yếu tố khác đảm bảo mục tiêu phát triển lâu dài, hướng biển” - ông Tuấn nói và phân tích: Ví dụ ở khu vực Tây Nguyên chưa gắn với biển về địa hình. Trong lần sáp nhập tỉnh này cũng định hướng sắp xếp gắn với các địa phương có biển để khai thác hết tiềm năng về quỹ đất, phát triển vựa nông sản nổi tiếng của cả nước. Như vậy, gắn kết một địa phương có biển, đồng bộ với kết nối hạ tầng giao thông như đường bộ, đường sắt, đường thủy thì sẽ có tương hỗ trong phát triển, gắn kết với địa phương.

Theo ông Trần Ngọc Chính - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, định hướng kết nối các tỉnh nội địa, đặc biệt là vùng cao như Tây Nguyên, với các địa phương ven biển là tư duy quy hoạch chiến lược, phù hợp với bối cảnh phát triển tích hợp hiện nay. Sự kết nối này không chỉ là về giao thông, vận tải, mà còn là sự liên thông về dòng chảy kinh tế, dòng chảy văn hóa và lịch sử, mở rộng không gian phát triển một cách bền vững và hiệu quả. Đây là yếu tố có ý nghĩa chiến lược trong quy hoạch phát triển vùng.

Đối ngoại, hội nhập, phát triển vùng

Ông Nguyễn Văn Thân - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, ngày xưa dân cư sống ven biển nghèo hơn nhưng bây giờ lại khác, tình hình đã thể hiện chiều hướng ngược lại.

Là một chuyên gia kinh tế, Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội, ông Thân cho biết, ông là người có thời kỳ dạy học tại Đại học Tây Nguyên ở Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Cá nhân ông thấy rằng nếu như có giao thoa giữa vùng biển, vùng Quy Nhơn, Tuy Hòa, giao thoa lên trên Tây Nguyên thì rất tuyệt vời. “Yếu tố hạ tầng, chi phí logistic đang rất cao làm cho chúng ta không xuất khẩu được. Kể cả các nhà máy dùng nguyên liệu trên núi, mà nhà máy lại đặt ở rừng. Nếu chúng ta kết hợp lại, cùng chung một tỉnh thì rất hay. Do đó, nếu làm càng sớm thì càng tốt, chắc chắn dư địa phát triển sẽ tốt hơn nhiều” – ông Thân đánh giá.

Ông Phạm Trường Dân - nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, ĐBQH khóa XIII nêu rằng, chủ trương hợp nhất các tỉnh đồng bằng, miền núi với những tỉnh có biển là hợp lý, tạo ra không gian mở để phát triển, mở rộng không gian phát triển cho các tỉnh miền núi. “Vùng Tây Nguyên, các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk chủ yếu dựa vào rừng. Việc sáp nhập với tỉnh có biển không chỉ phục vụ cho lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế mà còn gắn với phát triển y tế, giáo dục, nâng cao đời sống cho người dân. Mở rộng không gian phát triển để có điều kiện quan tâm tới đời sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Cho nên việc hợp nhất giữa Kon Tum với Quảng Ngãi, Gia Lai với Bình Định là hướng đến sự phát triển bền vững. Suy cho cùng chúng ta phát triển kinh tế đất nước cũng chính là để lo cho đời sống của người dân, nâng cao đời sống nhân dân” - ông Dân nói.

Ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nêu rằng, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định phát triển kinh tế đồng đều cả nước gắn với 6 vùng kinh tế. Do đó, việc sáp nhập với các tỉnh có biển cũng là định hướng phát triển kinh tế mang tính chất hội nhập và lan tỏa tới khu vực, tới vùng. Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về quản lý đô thị còn nhấn mạnh yếu tố “lan tỏa với thế giới”.

Ông Nghiêm phân tích: Hiện nay, ngoài không gian liên kết thông thường đường bộ, đường không thì đường biển là yếu tố rất quan trọng. Ngoài liên kết các tỉnh thì tới đây sẽ nghiên cứu quy hoạch các vùng. “Kinh tế không chỉ từng tỉnh một mà còn phải gắn với đối ngoại, hội nhập và cả vùng nữa để các vùng phát triển đồng đều, qua đó cả nước phát triển đồng đều” - ông Nghiêm nói, đồng thời đánh giá, đối với phương án “2 tỉnh có biển hợp nhất thành 1 tỉnh” thì càng phát huy thế mạnh về biển. Còn hợp nhất vài tỉnh lại mà trong đó có đồng bằng, miền núi và biển thì càng tận dụng được cả 3 yếu tố.

Ưu tiên sáp nhập các đơn vị hành chính có vị trí liền kề giữa miền núi, đồng bằng với các địa phương có biển

Ông Lê Minh Hưng. Ảnh: Quang Vinh.

Tại hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 11, ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, nhiều mặt và thống nhất rất cao các nguyên tắc, tiêu chí thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Ưu tiên sáp nhập các đơn vị hành chính có vị trí liền kề giữa miền núi, đồng bằng với các địa phương có biển với mục tiêu cao nhất là mở rộng không gian phát triển, đáp ứng định hướng phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/sap-nhap-don-vi-hanh-chinh-cap-tinh-huong-bien-de-giau-manh-tu-bien-10304904.html