Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã: Nhìn lại sau 5 năm

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, những đổi thay tích cực thêm phần khẳng định giá trị sinh động của Nghị quyết trong cuộc sống.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, năm 2020, tỉnh Lào Cai có nhiều xã, phường, thị trấn được điều chỉnh địa giới hành chính hoặc sáp nhập. Sau 5 năm, những đổi thay tích cực thêm phần khẳng định giá trị sinh động của Nghị quyết trong cuộc sống.

 Sáp nhập để tập trung nguồn lực cho phát triển vùng. Trong ảnh: Thị trấn Phố Lu sau sáp nhập có thêm quỹ đất để phát triển các khu đô thị.

Sáp nhập để tập trung nguồn lực cho phát triển vùng. Trong ảnh: Thị trấn Phố Lu sau sáp nhập có thêm quỹ đất để phát triển các khu đô thị.

Năm 2020, các huyện, thành phố (ngoại trừ Sa Pa trong năm này chuyển từ huyện thành thị xã) của tỉnh, mỗi đơn vị có 1 đơn vị hành chính cấp xã chia tách, sắp xếp, sáp nhập, riêng huyện Si Ma Cai có số xã thuộc diện sáp nhập lớn nhất. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chọn ngẫu nhiên một số địa phương sau sáp nhập để phản ánh, dù không mang tính toàn diện nhưng là ví dụ điển hình sau 5 năm triển khai Nghị quyết 18.

 Trung tâm xã Võ Lao, huyện Văn Bàn 5 năm sau sáp nhập.

Trung tâm xã Võ Lao, huyện Văn Bàn 5 năm sau sáp nhập.

Về mặt địa lý, trung tâm xã Văn Sơn và xã Võ Lao chỉ cách nhau một cánh đồng, cùng dọc theo Tỉnh lộ 151.

Theo bà Trần Anh Tân, Chủ tịch UBND xã Võ Lao, địa hình 2 xã tương đồng, sự khác biệt cơ bản nhất (trước khi sáp nhập năm 2020) là dân số xã Văn Sơn có 2.700 người (làm tròn), xã Võ Lao lớn gấp 4 lần với 12.000 người. Về xã hội, Văn Sơn có 95% dân số là dân tộc Kinh, trong khi xã Võ Lao có 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, 70% trong số đó là dân tộc Tày. Trước khi sáp nhập, tỷ lệ hộ nghèo của 2 xã có mức chênh không đáng kể, khoảng 5% và khoảng 8% (tiêu chí cũ).

 Bà Trần Anh Tân, Chủ tịch UBND xã Võ Lao (giữa ảnh) trao đổi công việc với cán bộ chuyên môn.

Bà Trần Anh Tân, Chủ tịch UBND xã Võ Lao (giữa ảnh) trao đổi công việc với cán bộ chuyên môn.

Ban đầu, nhiều người tại xã Văn Sơn, nhất là cán bộ, công chức bị ảnh hưởng tâm lý xã nhỏ sáp nhập vào xã lớn, không còn tên Văn Sơn nhưng cũng chỉ một thời gian sau đó, điều này đã được phá tan nhờ làm tốt công tác tư tưởng.

Bà Trần Anh Tân, Chủ tịch UBND xã Võ Lao.

Trước khi sáp nhập, bà Trần Anh Tân là Chủ tịch UBND xã Văn Sơn, sau sáp nhập bà giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Võ Lao đến nay. Sau sáp nhập, xã Võ Lao có 34 cán bộ, công chức, lộ trình giảm về mức chuẩn là 4 năm nhưng chỉ sau 2 năm, xã Võ Lao chỉ còn 22 cán bộ, công chức.

 Cụm các trụ sở hành chính của UBND xã Võ Lao, huyện Văn Bàn.

Cụm các trụ sở hành chính của UBND xã Võ Lao, huyện Văn Bàn.

Về một số kết quả phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị, Chủ tịch UBND xã Võ Lao cho hay, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm của xã đạt 9,52%; thu nhập bình quân của người dân năm 2024 đạt 56 triệu đồng, tăng 1,36 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 16% còn 6,5%. Võ Lao dần khẳng định là trung tâm đô thị của huyện Văn Bàn, phấn đấu là xã nông thôn mới nâng cao điển hình của khu vực.

Điều đáng mừng là kinh tế - xã hội phát triển đồng đều giữa các địa bàn, trong đó một số tiêu chí quan trọng về xây dựng nông thôn mới giữa khu vực 2 xã cũ đã được cân bằng.

 Trụ sở làm việc của Đảng ủy, UBND thị trấn Phố Lu mới được đầu tư xây dựng khang trang tại trung tâm xã Lu (cũ).

Trụ sở làm việc của Đảng ủy, UBND thị trấn Phố Lu mới được đầu tư xây dựng khang trang tại trung tâm xã Lu (cũ).

Trước đây, xã Phố Lu và thị trấn Phố Lu là đồng nhất một đơn vị hành chính, trong quá trình phát triển, thị trấn Phố Lu tách ra thành thị trấn huyện lỵ của Bảo Thắng. Năm 2020, lựa chọn của huyện là sáp nhập xã Phố Lu và thị trấn Phố Lu với tên gọi là thị trấn Phố Lu, mục tiêu là mở rộng không gian phát triển đô thị trung tâm của huyện, kéo giảm mức chênh lệch phát triển giữa hai địa phương.

5 năm sau sáp nhập, kinh tế - xã hội thị trấn Phố Lu đã có nhiều khởi sắc, sản xuất tiểu thủ công nghiệp - thương mại và dịch vụ tiếp tục là mũi nhọn với trên 700 cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, tổng giá trị sản xuất và kinh doanh đạt 1.000 tỷ đồng/năm; giá trị sản xuất trung bình đạt 133 triệu đồng/ha đất canh tác/năm; mỗi năm thị trấn Phố Lu sản xuất 370 tấn thịt lợn hơi.

 Một buổi giao ban của Đảng ủy thị trấn Phố Lu.

Một buổi giao ban của Đảng ủy thị trấn Phố Lu.

Điều đáng nói, tại khu vực ngoại đô (xã Phố Lu cũ) đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như quế hữu cơ, vùng chuối mô tập trung với 30 ha và vùng trồng rau an toàn, trồng hoa. Hiệu quả rõ nét là đời sống người dân, nhất là vùng ngoại đô được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn giảm từ 5,57% còn 2,15%; số hộ thuộc diện cận nghèo chỉ còn 2,63%.

Về đô thị, nhờ điều chỉnh địa giới, sáp nhập đơn vị hành chính, cùng với quy hoạch xã Sơn Hà, một phần xã Sơn Hải, đô thị Phố Lu trong năm 2024 đã được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị đạt các tiêu chí loại IV, là điểm nhấn trong trục động lực dọc sông Hồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận.

Theo bà Dương Thị Tâm, Bí thư Đảng ủy thị trấn Phố Lu, sau sáp nhập 2 đơn vị hành chính, tổng số cán bộ, công chức là 35 người, lộ trình giảm trong 5 năm nhưng chỉ sau 2 năm thị trấn đã đưa con số này xuống còn 22 người. Điều đặc biệt, thị trấn Phố Lu chưa phải sử dụng giải pháp đánh giá để giải quyết số cán bộ, công chức dôi dư.

Cũng liên quan cán bộ, công chức xã dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập, trò chuyện với phóng viên, bà Vũ Thị Tư, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên cho hay: Năm 2020, xã Long Phúc và xã Long Khánh sáp nhập thành xã Phúc Khánh, khi thành lập xã mới có 35 cán bộ, công chức, lộ trình giảm về chuẩn trong 5 năm. Tuy nhiên, đến giữa năm 2022, xã Phúc Khánh chỉ còn 22 cán bộ, công chức làm việc, ngoài số cán bộ nghỉ hưu, luân chuyển công tác thì xã đã mạnh dạn sử dụng biện pháp đánh giá cán bộ, có 3 người không đạt chuẩn được giải quyết cho nghỉ công tác.

 Trụ sở làm việc của Đảng ủy, UBND, HĐND xã Phúc Khánh.

Trụ sở làm việc của Đảng ủy, UBND, HĐND xã Phúc Khánh.

Sáp nhập, sắp xếp cấp xã để tập trung nguồn lực, tăng cường sức mạnh cho cơ sở, khai thác hiệu quả thế mạnh của địa phương, đó là thực tế từ các xã, thị trấn sáp nhập, sắp xếp đợt 1 vào năm 2020. Tuy nhiên, việc giải quyết các vấn đề phát sinh sẽ khó khăn hơn nếu việc sáp nhập thực hiện đồng loạt nên cần các giải pháp đồng bộ và chính sách, cơ chế đủ mạnh, phù hợp với từng địa phương, địa bàn.

Cao Cường

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/sap-nhap-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-nhin-lai-sau-5-nam-post400548.html