Sáp nhập mở đường, bất động sản công nghiệp TP.HCM tăng tốc

Cấu trúc kinh tế đa trụ cột của TP.HCM sau sáp nhập mở ra không gian phát triển rộng lớn cho bất động sản công nghiệp. Mỗi khu vực được định hướng rõ ràng, phù hợp với thế mạnh sẵn có.

“Sau sáp nhập, nền kinh tế TP.HCM đa trụ cột, mở ra không gian phát triển rộng lớn cho bất động sản công nghiệp”. Đây là nhận định của đại biểu tại hội thảo “Cơ hội vàng từ bất động sản công nghiệp TP.HCM” diễn ra sáng 17/7.

Tại hội thảo, bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cho rằng, sau sáp nhập, TP có nền kinh tế đa trụ cột nhờ sở hữu năng lực tài chính, thương mại của trung tâm quốc gia, động lực công nghiệp tiên tiến từ Bình Dương (cũ) và hệ sinh thái logistics cảng biển cùng với tiềm năng nông nghiệp, du lịch biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ).

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Cấu trúc kinh tế đa trụ cột này đang mở ra không gian phát triển rộng lớn cho bất động sản công nghiệp. Mỗi khu vực trong TP mới được định hướng rõ ràng, phù hợp với thế mạnh sẵn có.

Ông Trần Việt Hà - Phó Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết: Hiện TP có 66 khu chế xuất và khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 27.000 ha. Theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, con số này sẽ lên tới 105 khu, với hơn 49.000 ha, khẳng định vị thế trung tâm công nghiệp hàng đầu quốc gia.

Đáng chú ý, ông Hà cho biết TP đang triển khai Đề án thí điểm chuyển đổi mô hình hoạt động của một số khu chế xuất, khu công nghiệp, trong đó có Khu công nghiệp Hiệp Phước, sang mô hình sinh thái, khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuỗi cộng sinh và tiếp cận kinh tế tuần hoàn.

Mở rộng không gian phát triển bất động sản công nghiệp tại TP.HCM

Mở rộng không gian phát triển bất động sản công nghiệp tại TP.HCM

Về vấn đề này, ông Lê Trọng Hiếu - Giám đốc mảng bất động sản công nghiệp, Công ty CBRE Việt Nam cho biết: Khu công nghiệp sinh thái đòi hỏi có nguồn năng lượng tái tạo, trung hòa carbon...

Những yếu tố này cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước để khuyến khích, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang khu công nghiệp xanh, sinh thái.

"Trong giai đoạn đầu sẽ có rất nhiều khó khăn, tuy nhiên đây là hướng đi rõ ràng, cần phải làm. Sau đó sẽ có điều chỉnh, ví dụ về phòng cháy chữa cháy bắt buộc phải dùng loại sơn này, tuy nhiên nếu nhà đầu tư đã áp dụng chuẩn cao hơn thì có thể chấp nhận cho họ chứ không bắt buộc phải đúng loại đó", ông Hiếu chia sẻ.

Duy Phương/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/sap-nhap-mo-duong-bat-dong-san-cong-nghiep-tphcm-tang-toc-post1215437.vov