Sáp nhập phường, xã: Nên mạnh dạn vượt ranh của quận, huyện liền kề
Các chuyên gia cho rằng không nên đóng khung việc sáp nhập phường, xã trong ranh giới đơn vị hành chính quận, huyện cũ mà cần mạnh dạn 'vượt ranh', sáp nhập các xã của huyện liền kề nếu có nhiều yếu tố tương đồng.
Sở Nội vụ TP.HCM vừa có văn bản gửi TP Thủ Đức và 22 quận, huyện về triển khai xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) phường, xã theo Kết luận 127, 137 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Một nội dung đáng lưu ý trong văn bản này, văn bản của Sở Nội vụ TP nêu rõ việc điều chỉnh ranh địa giới hành chính để hoàn chỉnh sắp xếp, thành lập ĐVHC cấp xã mới có thể thực hiện đối với các đơn vị cảm thấy cấp thiết cần điều chỉnh, mở rộng để hoàn chỉnh quy hoạch, phát triển trong tương lai.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng nên sắp xếp ĐVHC cấp xã vượt ranh giới địa giới hành chính của quận, huyện cũ để mở ra không gian phát triển cho các xã mới sau khi thành lập.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hòa, Trưởng bộ môn Quản lý công Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM
Không nên đóng khung việc sáp nhập xã
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hòa, Trưởng bộ môn Quản lý công Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng không nên bó buộc quá cứng nhắc trong ranh giới hành chính của quận, huyện cũ. Nếu chỉ sáp nhập trong phạm vi một quận hoặc huyện thì có thể bỏ qua nhiều cơ hội để tổ chức lại ĐVHC một cách hợp lý hơn, phù hợp hơn với điều kiện thực tế và nhu cầu phát triển.
Theo PGS.TS Hòa, thực tế cho thấy có những xã ở hai quận, huyện giáp ranh tuy thuộc hai địa phương khác nhau trước đây nhưng lại rất gần nhau, gắn kết chặt chẽ về địa lý, hạ tầng, dân cư – thậm chí dân sinh hoạt, làm ăn còn nhiều tương đồng hơn là với xã trong cùng huyện.
“Cần mạnh dạn tính đến phương án sáp nhập vượt qua ranh giới hành chính cũ – tất nhiên, phải có khảo sát kỹ và dựa trên các nguyên tắc rõ ràng”– bà Hòa nói.
Để sáp nhập các xã ở hai quận, huyện giáp ranh, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hòa cho rằng phải có sự tương đồng về địa lý, dân cư, kinh tế, xã hội. Các xã sáp nhập phải liền kề nhau, có địa hình không bị chia cắt, dễ kết nối. Dân cư có tập quán sinh hoạt gần giống nhau...
Đồng thời, hệ thống hạ tầng giao thông phải thuận tiện, đường giao thông phải kết nối tốt, trung tâm hành chính mới không quá xa người dân.
Bà Hòa cũng cho là xã mới không nên quá rộng, khiến quản lý lỏng lẻo nhưng cũng không quá nhỏ, gây lãng phí bộ máy. Phải tính đến cả yếu tố dân số, diện tích, mật độ đô thị hóa và khả năng phát triển sau này.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hòa nhấn mạnh quan trọng là yếu tố đồng thuận của người dân. Trước khi sáp nhập vượt ranh giới cũ, phải lấy ý kiến kỹ, giải thích rõ cho người dân hiểu lợi ích của việc này. Đồng thời, cũng phải làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, bởi sẽ liên quan đến tổ chức bộ máy và nhân sự sau khi sáp nhập.
“Không nên đóng khung sáp nhập xã trong địa giới quận, huyện cũ mà cần nhìn rộng hơn, tổ chức lại theo thực tế tự nhiên, kinh tế – xã hội của từng khu vực. Miễn là cách làm đó đem lại sự tiện lợi cho dân, hợp lý về quản trị và có tính lâu dài thì chúng ta nên mạnh dạn đề xuất”- PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hòa nêu.

TS Nguyễn Đức Quyền, chuyên gia Quản lý Công, Học viện Cán bộ TP.HCM.
Tương đồng từ kinh tế đến xã hội
TS Nguyễn Đức Quyền, chuyên gia Quản lý Công, Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng về nguyên tắc, việc sáp nhập ĐVHC cấp xã nên được thực hiện trong phạm vi ranh giới hành chính của quận, huyện cũ. Điều này nhằm đảm bảo tính thống nhất, ổn định của hệ thống hành chính, cũng như thuận lợi cho việc quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ công cho người dân.
Tuy nhiên, vẫn có thể xem xét sáp nhập ĐVHC cấp xã vượt ranh giới hành chính của quận, huyện cũ nếu đáp ứng được các tiêu chí cần thiết nhằm đảm bảo tính ổn định và thuận tiện trong quản lý. Trong đó, tính hợp lý về địa lý, dân cư được đưa lên hàng đầu để đảm bảo sự gắn kết giữa các ĐVHC về mặt địa lý, dân cư, kinh tế và xã hội.
“Các xã có địa bàn giáp ranh, có mối quan hệ kinh tế - xã hội mật thiết, có thể được sáp nhập thành một ĐVHC mới, ngay cả khi chúng thuộc các quận, huyện cũ khác nhau” - TS Quyền phân tích.
Theo TS Quyền, việc sáp nhập các ĐVHC cấp xã “vượt ranh” này có ưu điểm lớn nhất là nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý hành chính nhà nước. Bởi các xã có quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả có thể được sáp nhập với các xã lân cận để tạo thành một ĐVHC mới có quy mô lớn hơn, hoạt động hiệu quả hơn.
Vị chuyên gia nhìn nhận để có những ĐVHC mới phù hợp, không quá rộng, không quá hẹp và trung tâm hành chính mới không quá xa, cần thực hiện các giải pháp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông, để đảm bảo kết nối giữa các khu vực trong ĐVHC mới.
Trung tâm hành chính mới cần được đặt ở vị trí thuận lợi, dễ dàng tiếp cận cho người dân. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, đánh giá kỹ lưỡng đường truyền, dữ liệu để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy. Đáng chú ý, việc sáp nhập “vượt ranh” này phải được sự đồng thuận của đa số người dân trong các ĐVHC liên quan.

Các chuyên gia cho rằng không nên đóng khung việc sáp nhập phường, xã trong ranh giới đơn vị hành chính quận, huyện cũ mà cần mạnh dạn "vượt ranh", sáp nhập các xã của huyện liền kề có nhiều yếu tố tương đồng. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Nói rõ hơn về yêu cầu khi sắp xếp các xã vượt ranh giới quận, huyện cũ, TS Nguyễn Đức Quyền cho rằng các xã phải tương đồng về đặc điểm địa lý, tự nhiên như địa hình, sông ngòi, hệ thống giao thông... Việc sáp nhập tạo ra một ĐVHC có sự thống nhất về mặt tự nhiên sẽ thuận lợi cho việc quy hoạch, quản lý và phát triển.
Bên cạnh đó, nét tương đồng về văn hóa, phong tục, tập quán, lối sống... cũng giúp duy trì và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tạo sự gắn kết cộng đồng. “Các xã giáp ranh phải có mối quan hệ kinh tế mật thiết, nhất là trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại... Đây là nội dung rất quan trọng, quyết định tính kinh tế - xã hội của xã mới và giúp tạo ra một ĐVHC có tiềm lực kinh tế mạnh mẽ, thuận lợi cho việc phát triển” – TS Quyền nhấn mạnh.
Với nhiều yếu tố tương đồng, ông kỳ vọng các ĐVHC cấp xã mới sẽ tạo thuận lợi hơn trong việc quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ công cho người dân.
Đây cũng là cơ hội để tập trung nguồn lực, tránh lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo ra một địa phương mới có tiềm lực kinh tế, xã hội. Với việc nâng cao chất lượng dịch vụ công mạnh mẽ sau khi sáp nhập sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, nâng cao đời sống người dân.
“Chúng ta có quyền kỳ vọng về một siêu đô thị phát triển bền vững từ cấp cơ sở” – TS Nguyễn Đức Quyền chia sẻ.
GÓC NHÌN:
Tư duy mới cho tổ chức hành chính: Khi ranh giới không còn là giới hạn!
Việc sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC) trong bối cảnh mới là làm sao cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quản trị nhà nước hiệu quả nhất, người dân được lợi nhiều nhất. Trên tinh thần đó, việc sáp nhập không cần phải gói gọn trong ranh địa giới ĐVHC quận, huyện cũ, thậm chí là tỉnh cũ nếu cần thiết.
Tôi nhấn mạnh rằng việc sáp nhập và tổ chức lại các ĐVHC cần được tiếp cận không chỉ theo địa giới ĐVHC hiện hành. Quan trọng hơn là theo không gian phát triển thực tế – nơi mà dòng người, dòng vốn, hạ tầng và các hoạt động kinh tế - xã hội đang vận hành.
Khi một xã của huyện này có liên kết mật thiết về giao thông, thương mại, lao động với xã của huyện khác, hoặc thậm chí với một khu đô thị thuộc tỉnh giáp ranh, thì việc gắn chặt địa giới vào ranh cũ sẽ trở thành rào cản cho sự phát triển.
Tư duy sáp nhập hành chính cần được chuyển từ “chia theo bản đồ” sang “tổ chức theo động lực phát triển”. Việc này đòi hỏi sự mạnh dạn, tầm nhìn liên vùng và khả năng phối hợp liên tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh các vùng kinh tế trọng điểm đang hình thành những vùng đô thị hóa liên thông, phá vỡ ranh giới hành chính cũ một cách tự nhiên.
Hơn nữa, nếu coi chính quyền là bộ máy phục vụ người dân, thì địa giới không thể là rào chắn mà phải là công cụ điều phối hiệu quả.
Ths Đậu Ngọc Linh, Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp Luật, Học viện Cán bộ TP.HCM
Chính phủ và các cơ quan lập pháp nên cân nhắc tiến tới mô hình quản trị liên vùng với các ĐVHC được sắp xếp lại theo hành lang kinh tế – xã hội, thay vì địa giới tỉnh/huyện, khi đó, việc sáp nhập vượt qua ranh cũ không còn là phá lệ, mà là bước tiến tất yếu.
Điều cốt lõi đặt ra hiện nay là sự phù hợp, khoa học và tối ưu nhất có thể trong việc sáp nhập các ĐVHC.
Để hình thành một ĐVHC mới thực sự hiệu quả – không quá rộng gây khó khăn trong quản lý, không quá hẹp làm tăng đầu mối thì trung tâm hành chính mới phải tạo thuận lợi tối đa trong điều hành, quản trị và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Các địa phương cần cân nhắc kỹ các phương án sắp xếp, dựa trên bộ tiêu chuẩn mới về ĐVHC mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua (ngày 14-4). Song song đó là việc rà soát tổng thể hệ thống trụ sở công, trường học, y tế, hạ tầng kỹ thuật – xã hội, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số, để đảm bảo người dân không bị ảnh hưởng tiêu cực sau sáp nhập.
Một cách tiếp cận hiệu quả là mô hình hóa các “kịch bản sáp nhập” với những biến số định lượng rõ ràng về dân cư, diện tích, khoảng cách, hạ tầng, chi phí chuyển tiếp… Từ đó đánh giá được ưu – nhược điểm của từng phương án trước khi quyết định.
Khi đã xác định đây là một cuộc cách mạng trong tổ chức bộ máy hành chính thì đôi khi “đập lại để xây mới” cũng là một sự lựa chọn cần được cân nhắc nghiêm túc – bởi mục tiêu sau cùng là một hệ thống quản trị hiện đại, linh hoạt và phục vụ tốt nhất cho sự phát triển.
Theo tôi, điều quan trọng trước tiên là phải đánh giá đầy đủ tác động của từng phương án sắp xếp để lựa chọn phương án tối ưu. Trong quá trình đó, cần hài hòa các yếu tố về chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng, nhưng đặc biệt phải chú trọng đến tính chiến lược trong phát triển lâu dài – đây mới chính là “mũi nhọn” của tư duy cải cách.
Một trong những hướng tiếp cận mới, phù hợp với yêu cầu phát triển hiện đại là sắp xếp lại ĐVHC theo các “vành đai phát triển” theo thực tiễn vận động của dân cư và kinh tế.
Khi được chuẩn bị kỹ lưỡng về dữ liệu, hạ tầng, kịch bản vận hành và có sự đồng thuận xã hội, quá trình sáp nhập sẽ tạo tiền đề cho một giai đoạn phát triển ổn định và hiệu quả hơn trong quản lý nhà nước, cung ứng dịch vụ công và tổ chức không gian phát triển địa phương.
Ths ĐẬU NGỌC LINH, Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp Luật, Học viện Cán bộ TP.HCM