Sáp nhập Thái Nguyên và Bắc Kạn đặc biệt chú ý đến yếu tố lịch sử, văn hóa

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ UBND tỉnh Thái Nguyên hôm nay, các đại biểu cho ý kiến vào dự thảo đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và một số dự thảo đề án quan trọng khác.

Các đại biểu nghe dự thảo đề án: Sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp tỉnh Thái Nguyên; sắp xếp đơn vị hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập; sáp nhập tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn; lấy ý kiến nhân dân về sáp nhập đơn vị hành chính.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng chủ trì hội nghị . Ảnh: Đình Sơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng chủ trì hội nghị . Ảnh: Đình Sơn.

Các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung văn bản dự thảo, đồng thời đề nghị làm rõ một số vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy của chính quyền cấp xã sau sáp nhập; thời gian tiến hành lấy ý kiến nhân dân về sáp nhập; hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, các cơ quan...

Trung tâm thành phố Thái Nguyên. Ảnh: Việt Hùng.

Trung tâm thành phố Thái Nguyên. Ảnh: Việt Hùng.

Đánh giá cao nỗ lực của cơ quan thường trực và các sở, ngành liên quan trong việc chuẩn bị các đề án, Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên đề nghị cơ quan thường trực tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu để hoàn thiện nội dung các dự thảo; trong đó đặc biệt chú ý đến yếu tố lịch sử, văn hóa.

Trước đó, Thường trực Đảng ủy UBND tỉnh Thái Nguyên họp và cho ý kiến vào một số nội dung, như: Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp tỉnh Thái Nguyên; chủ trương về chính sách cán bộ; quyết định thành lập tổ công tác rà soát, cập nhật dữ liệu hồ sơ đảng viên khi sắp xếp tổ chức bộ máy...

Tỉnh Bắc Kạn cũng lấy ý kiến nhân dân về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và đề án sáp nhập tỉnh. Việc lấy ý kiến sẽ bắt đầu từ ngày 17/4 và kết thúc vào ngày 19/4.

Việc lấy ý kiến được đảm bảo thực hiện công khai, dân chủ, đúng quy định pháp luật. Đối tượng lấy ý kiến là cử tri đại diện hộ gia đình tại 108 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

Theo chủ trương vừa được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua, tỉnh Bắc Kạn sẽ hợp nhất với tỉnh Thái Nguyên, lấy tên là tỉnh Thái Nguyên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Thái Nguyên hiện nay.

Bắc Kạn có diện tích tự nhiên 4.859,96km2, dân số hơn 326.000 người. Tỉnh gồm 8 đơn vị hành chính cấp huyện, với 108 xã, phường, thị trấn. Phía bắc của tỉnh giáp Cao Bằng, phía đông giáp Lạng Sơn, phía nam giáp Thái Nguyên, phía tây giáp Tuyên Quang. Tổng thu ngân sách năm 2024 của Bắc Kạn đạt khoảng 930 tỷ đồng.

Thái Nguyên nằm ở trung tâm vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, diện tích hơn 3.560km2, dân số hơn 1,3 triệu người. Tỉnh giáp Bắc Kạn ở phía bắc, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang ở phía tây, Lạng Sơn và Bắc Giang ở phía đông, phía nam giáp Hà Nội. Thái Nguyên có 3 thành phố, 6 huyện với 178 xã, phường, thị trấn. Tổng thu ngân sách năm 2024 hơn 20.000 tỷ đồng.

Bảo Khánh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/sap-nhap-thai-nguyen-va-bac-kan-dac-biet-chu-y-den-yeu-to-lich-su-van-hoa-2391083.html